Không dễ thoái vốn khỏi VEAM vì các “ông lớn” ô tô ngoại
Tại Hội nghị gặp gỡ các nhà đầu tư do Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) tổ chức cuối tháng 2, lãnh đạo công ty cho biết việc thoái vốn nhà nước tại công ty sẽ không sớm diễn ra.
VEAM cho biết kế hoạch thoái vốn nhà nước hiện vẫn chưa rõ ràng. Ban đầu, Chính phủ dự kiến giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước xuống còn 36% từ mức 88,5% hiện tại.
Tuy nhiên, đang có những vấn đề cần thảo luận về thời gian thoái vốn liên quan đến các điều khoản góp vốn giữa VEAM với các liên doanh (VEAM hiện đang góp vốn vào các liên doanh Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam và Ford Việt Nam).
Thỏa thuận liên doanh giữa VEAM và 3 liên doanh nói trên có thể có những điều khoản về tỷ lệ sở hữu nhà nước tại VEAM, do đó việc thoái vốn nhà nước khỏi VEAM có thể sẽ phải thảo luận với các liên doanh.
Liên doanh Honda Việt Nam được thành lập năm 1996 với sự góp vốn của 3 cổ đông gồm: VEAM (30%), Honda Motor (Nhật Bản) 42%, và Asian Honda Motor (Thái Lan) 28% cổ phần. Thỏa thuận có thời hạn kéo dài 40 năm kể từ năm 1996. Như vậy, thỏa thuận hợp tác sẽ chấp dứt vào năm 2036, nhưng cũng không loại trừ khả năng các bên sẽ đàm phán gia hạn nếu cần thiết.
Trong khi đó, liên doanh Toyota Việt Nam (TMV) được thành lập năm 1995 với tỷ lệ góp vốn của VEAM tại liên doanh này là 20% cùng thỏa thuận hợp tác kéo dài 40 năm với những điều khoản tương tự như với Honda Việt Nam. Tuy nhiên, hợp đồng góp vốn tại TMV còn có những điều khoản riêng liên quan đến cơ cấu sở hữu của VEAM, như quyền mua lại cổ phần của VEAM tại TMV nếu tỷ lệ sở hữu nhà nước tại VEAM giảm xuống dưới 51%.
VEAM hiện nắm giữ 20% cổ phần tại Toyota Việt Nam. |
Đối với liên doanh Ford Việt Nam, liên doanh do VEAM năm 25% cổ phần, không có bất kỳ điều khoản nào liên quan đến khả năng mua lại cổ phần của VEAM tại liên doanh này. Tuy nhiên, nếu đối tác mua lại cổ phần nhà nước tại VEAM là một doanh nghiệp trong ngành, đây sẽ là mối đe dọa tiềm ẩn đối với hoạt động kinh doanh của Ford tại Việt Nam, khi đó điều khoản về việc mua lại có thể sẽ được kích hoạt nếu cần thiết.
Với những thỏa thuận nêu trên, nhà nước sẽ phải cẩn trọng cân nhắc kế hoạch thoái vốn trước khi đưa ra quyết định cụ thể. Do đó, việc thoái vốn sẽ khó có thể diễn ra trong tương lai gần.
Được biết, VEAM dự kiến cũng sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại các công ty con, công ty liên kết trong tương lai. Trước mắt, công ty sẽ tập trung vào các ngành công nghiệp phụ trợ như nhà máy đúc VEAM.
Ngoài ra, VEAM hiện có 3 công ty con trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ là: CTCP Phụ tùng máy số 1; CTCP Cơ khí Phố Yên; và Công ty TNHH MTV Diesel Sông Công. Khoảng 70% sản lượng các công ty này cung cấp cho Honda.
VEAM chưa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2018, nhưng dự báo mức lợi nhuận sau thuế hợp nhất có thể đạt 5.100 tỷ đồng. Trong đó có đóng góp lớn từ 3 liên doanh Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam và Ford Việt Nam.
Infonet