MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không để ùn ứ nông sản do thiếu vốn

Các doanh nghiệp ở ĐBSCL đề xuất Ngân hàng Nhà nước cung cấp gói tín dụng riêng với lãi suất phù hợp để thu mua nông sản của nông dân.

Ngày 13-12, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp UBND TP Cần Thơ tổ chức hội nghị "Giải pháp tín dụng thúc đẩy thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực vùng ĐBSCL". Nhiều giải pháp cung ứng nguồn vốn cho vùng này đã được đưa ra tại hội nghị.

Vốn chảy vào sản phẩm chủ lực

Theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, ĐBSCL được đánh giá là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành nông nghiệp, là vùng sản xuất và xuất khẩu thủy sản, lúa gạo và rau quả lớn nhất cả nước. Thời gian qua, NHNN đã và đang triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần kiểm soát lạm phát, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và người dân trong tiếp cận tín dụng ngân hàng phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Tính đến cuối tháng 11, huy động vốn tại ĐBSCL đạt 718.905 tỉ đồng (tăng 8,68% so với cuối năm 2021), dư nợ đạt 955.451 tỉ đồng. Tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn luôn được các tổ chức tín dụng (TCTD) quan tâm đầu tư, với dư nợ đạt gần 540.000 tỉ đồng (tăng gần 15%). Từ đầu năm 2022 đến nay, các TCTD tại ĐBSCL đã giải ngân để thu mua, tiêu thụ thủy sản, lúa gạo và rau quả với tổng doanh số lũy kế đạt 189.452 tỉ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2021.

Đến cuối tháng 10-2022, dư nợ đạt 87.531 tỉ đồng, tăng 15,2% - cao hơn nhiều so với mức tăng tín dụng chung nền kinh tế (12,02%) và mức tăng tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn (10,93%).

"Kết quả trên cho thấy dòng vốn tín dụng ngành ngân hàng đã tập trung vào các lĩnh vực, ngành hàng là thế mạnh, chủ lực của khu vực ĐBSCL theo đúng định hướng chỉ đạo điều hành của Chính phủ" - bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - NHNN, đánh giá.

Không để ùn ứ nông sản do thiếu vốn - Ảnh 1.

Doanh nghiệp tại ĐBSCL đề xuất được hỗ trợ vốn thu mua nông - thủy sản của nông dânẢnh: Ngọc Trinh

Đề xuất hỗ trợ lãi suất

Theo ông Nguyễn Văn Nhựt, Giám đốc Công ty CP Hoàng Minh Nhật (TP Cần Thơ), khi vào vụ thu hoạch lúa thì giá lúa hạ, nông dân nói DN không có tiền mua. Lãnh đạo tại TP Cần Thơ cũng như NHNN Chi nhánh Cần Thơ có mời DN đến để tháo gỡ khó khăn nhưng cuối cùng cũng không giải quyết được.

"Do đặc thù ngành nông nghiệp là có tính thời vụ, theo mùa nên tôi kiến nghị NHNN đề xuất với Chính phủ thực hiện gói tín dụng ổn định, room linh hoạt và hỗ trợ lãi suất vay phù hợp đối với tất cả DN tham gia vào hoạt động thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng nông sản" - ông Nhựt đề xuất.

Tương tự, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển đa quốc gia IDI (tỉnh Đồng Tháp), nhìn nhận qua 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và 1 năm suy thoái kinh tế, DN đã sử dụng hết nguồn lực tài chính của mình để duy trì sản xuất. Tuy nhiên, tình hình càng khó khăn và có thể kéo sang năm 2023. Ông Hải đề nghị NHNN cần có gói tín dụng riêng cho DN thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực.

Nói về thực trạng xuất khẩu tôm, ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, cho biết hiện nay lượng tôm tồn kho rất lớn và không còn nơi chứa. Tình hình thế giới biến động khiến lạm phát tăng, đời sống người dân tại nhiều quốc gia gặp khó khăn nên khách hàng giảm mua.

Hiện có nhiều DN về tôm đóng cửa do không bán được và dòng vốn khó, lãi suất cao nên không dám vay. Nếu DN không mua tôm nguyên liệu và tôm giảm giá thì nông dân treo ao. Ông Quang kiến nghị Chính phủ, NHNN có hỗ trợ lãi suất cho DN mua hết tôm cho nông dân và trữ hàng tồn kho để qua tháng 6-2023 khi hàng tồn kho các nước giảm thì họ mới mua nguyên liệu vào.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng yêu cầu các đơn vị trong ngành ngân hàng đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ tập trung nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, DN với thời hạn và lãi suất hợp lý.

Đồng thời, NHNN chi nhánh các tỉnh cần nắm sát hoạt động cho vay của các TCTD trên địa bàn, bảo đảm hoạt động ngân hàng đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vốn tín dụng phục vụ thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản tại địa phương, không để xảy ra tình trạng ùn ứ nông sản do thiếu vốn ngân hàng.

Ưu tiên cung ứng vốn, giảm lãi suất

Tại hội nghị, các TCTD đã có những cam kết cung ứng đủ vốn tín dụng đáp ứng tốt nhất nhu cầu vay vốn của DN. Riêng Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cam kết từ nay đến Tết Nguyên đán sẽ dành hạn mức giải ngân thêm 5.000 tỉ đồng và giảm lãi suất 20% so với lãi suất cho vay đang áp dụng với dư nợ bằng đồng Việt Nam đối với nhu cầu thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực của ĐBSCL. Ngoài ra, dự kiến trong năm nay, Agribank sẽ tiết giảm khoảng 2.000 tỉ đồng để hỗ trợ lãi suất cho khách hàng, trong đó dự kiến khu vực ĐBSCL được giảm khoảng 300 tỉ đồng.

Theo Ca Linh

Người lao động

Trở lên trên