Không để vốn vào tiêu dùng chệch hướng
Tín dụng tiêu dùng là xu hướng phát triển của các ngân hàng thương mại nhưng phải kiểm soát rủi ro, hạn chế những vấn đề liên quan đến lãi suất, phương thức thu hồi nợ và quản lý nợ, tránh phát sinh nợ xấu.
Ngày 23-1, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP HCM đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành NH trên địa bàn năm 2019.
Ông Trần Đình Cường, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP HCM, cho biết năm 2018, dư nợ của tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng 14,69% so với năm trước. Đây là mức tăng thấp nhất trong 5 năm qua. Tuy nhiên, tín dụng tiêu dùng lại có xu hướng tăng.
Năm 2015, dư nợ tín dụng thuộc lĩnh vực tiêu dùng chỉ chiếm 12,73% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn. Con số này đã tăng qua các năm và đến cuối năm 2017 chiếm tới 18,36% tổng dư nợ tín dụng. Theo ông Trần Đình Cường, cần phát huy tích cực hoạt động tín dụng này nhưng các tổ chức tín dụng phải bảo đảm kiểm soát rủi ro, hạn chế tồn tại phát sinh liên quan về lãi suất, phương thức thu hồi nợ và quản lý nợ…
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhận xét, tốc độ tăng tín dụng tiêu dùng như những năm qua ở TP HCM là vấn đề cần quan tâm và kiểm soát. Thực tế áp lực dành vốn cho các lĩnh vực rất lớn. Như bất động sản, tháng nào NHNN cũng nhận được vài văn bản kiến nghị của các hiệp hội, doanh nghiệp yêu cầu mở tín dụng cho thị trường này. Theo ông Tú, tín dụng một số lĩnh vực như tiêu dùng, bất động sản tăng nhanh có thể do người dân dịch chuyển dòng vốn từ gửi tiết kiệm sang đầu tư đất đai nhưng tốc độ tăng như mấy năm nay là phải kiểm soát. NHNN cũng đang xem xét cho vay mua nhà để ở, cho người thu nhập thấp vay có cần tính toán thuộc cho vay tiêu dùng hay cho vay bất động sản.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng kiểm soát, không để vốn ngân hàng lệch hướng Ảnh: Tấn Thạnh
"Bài học từ thời kỳ bong bóng bất động sản tăng quá cao hơn chục năm trước vẫn còn và suốt 5 năm qua, ngành NH vẫn chưa xử lý hết. Do đó, chủ trương của NHNN là kiểm soát chặt tín dụng vào bất động sản và hướng dòng vốn vào phải sản xuất kinh doanh" - phó thống đốc nhấn mạnh.
Năm 2019, các NH thương mại được yêu cầu mở rộng và tăng trưởng tín dụng an toàn hiệu quả phù hợp với định hướng của NHNN và kiểm soát tốt nợ xấu. Để kiểm soát dưới 3% nợ xấu nội bảng và dưới 5% bao gồm các khoản nợ xấu ngoại bảng, nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và nợ tiềm ẩn, nợ cơ cấu lại cần sự hỗ trợ từ cơ chế chính sách, thuận lợi của thị trường bất động sản và bảo đảm hiệu quả tín dụng.
Phó thống đốc Đào Minh Tú khẳng định nợ xấu vẫn được kiểm soát, nhất là chất lượng tăng trưởng tín dụng. Tăng trưởng tín dụng năm 2018 ở mức 14% nhưng nền kinh tế vẫn tăng trưởng tốt nên năm nay NHNN yêu cầu tiếp tục kiểm soát tín dụng ở mức này, lưu ý những doanh nghiệp yếu kém, có nguy cơ mất vốn.
Xúc tiến gói tín dụng 5.000 tỉ đồng để hạn chế tín dụng đen
Lãnh đạo NHNN cho biết đã yêu cầu NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) xúc tiến sớm gói tín dụng 5.000 tỉ đồng cho vay với thủ tục, hồ sơ nhanh gọn, có thể sáng vay chiều giải ngân nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết và chính đáng của người dân.
NH Chính sách xã hội và các tổ chức tín dụng khác cũng cần vào cuộc, nghiên cứu sản phẩm cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống để người dân, doanh nghiệp siêu nhỏ tiếp cận được vốn chính thức. Các NH thương mại đều có trách nhiệm tham gia góp phần hạn chế tín dụng đen, tùy vào điều kiện, nguồn vốn và định hướng của từng đơn vị, trong đó vay tiêu dùng đang là một xu hướng của thị trường, nhất là các món vay nhỏ, bán lẻ.
Người lao động