MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không đưa tiền mới mệnh giá nhỏ dịp Tết, tiết kiệm gần 2.600 tỉ đồng

07-01-2019 - 15:05 PM | Tài chính - ngân hàng

Dịp Tết Kỷ Hợi 2019, thực hiện chủ trương không đưa tiền mới in mệnh giá nhỏ từ 10.000 đồng trở xuống ra lưu thông, dự kiến tiết kiệm cho ngân sách khoảng 390 tỉ đồng. Từ khi thực hiện chủ trương này đã tiết kiệm gần 2.600 tỉ đồng.

Tại buổi họp báo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày 7-1, ông Phạm Bảo Lâm, Cục trưởng Cục phát hành-kho quỹ (NHNN) cho biết điều hòa dự trữ trong năm 2018 , dự trữ tăng 35%, tiền mệnh giá nhỏ năm 2018 tăng 12% so với năm 2017. Trong kế hoạch điều hòa tiền mặt dịp Tết Nguyên đán năm 2018, dự kiến tăng 25%, trong đó bao gồm cả tiền mới, tiền mệnh giá nhỏ đã qua lưu thông để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế cũng như của các ngân hàng trong dịp Tết Nguyên đán.

Không đưa tiền mới mệnh giá nhỏ dịp Tết, tiết kiệm gần 2.600 tỉ đồng - Ảnh 1.

Ông Phạm Bảo Lâm, Cục trưởng Cục phát hành-kho quỹ, Ngân hàng Nhà nước, cho biết từ tháng 11 trở đi, tiền mệnh giá từ 10.000 trở xuống đã qua lưu thông vẫn cung ứng đầy đủ

Việc điều hòa tiền mặt của NHNN là điều hành cho cả năm để bảo đảm dự trữ tiền mặt cho tất cả các chi nhánh tỉnh, thành phố, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế, không chỉ riêng dịp Tết nguyên đán.

Tháng 4-2018, NHNN có chủ trương đẩy mạnh cung cấp tiền mệnh giá nhỏ từ 10.000 đồng trở xuống từ tháng 4 đến hết tháng 11, kể cả tiền đã qua lưu thông và tiền mới in. Theo thống kê, tỉ lệ tăng 12% cũng bảo đảm cho nhu cầu của các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế trong năm 2018 cũng như trong tháng giêng 2019. Đối với nhu cầu mệnh giá từ 10.000 trở xuống, tiền mới in hết tháng 11 đã cung ứng ra thị trường rất tích cực. Từ tháng 11 trở đi, tiền mệnh giá từ 10.000 trở xuống đã qua lưu thông vẫn cung ứng đầy đủ để đáp ứng nhu cầu của tổ chức và cá nhân.

"Kết quả thực hiện chủ trương không đưa tiền mới in mệnh giá nhỏ từ 10.000 đồng trở xuống ra lưu thông tháng 12, tháng giêng, dự kiến trong 2019, NHNN đã tiết kiệm cho ngân sách khoảng 390 tỉ đồng. Tổng số đã thực hiện trong 5 năm qua, từ năm 2013 đến nay, chi phí tiết kiệm được cho ngân sách Nhà nước khoảng 2.590 tỉ đồng" - ông Phạm Bảo Lâm cho biết.

Theo NHNN, chủ trương không đưa tiền mới in mệnh giá nhỏ ra lưu thông từ năm 2013 đã giúp tiết kiệm hàng ngàn tỉ đồng cho ngân sách nhà nước đối với các chi phí liên quan đến in ấn, giao nhận, bốc xếp, kiểm đếm, vận chuyển, bảo quản…

Ông Lâm cũng khẳng định NHNN đã thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng về việc năm 2019 bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiền mặt trong toàn bộ hệ thống NHNN cũng như toàn bộ nền kinh tế, sử dụng tiền mệnh giá nhỏ, đặc biệt tiền mới in, một cách hợp lý, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước. "Trong tháng 1-2019, tiền mệnh giá nhỏ đã qua lưu thông vẫn đáp ứng đầy đủ nhu cầu thực tế của nền kinh tế" - ông khẳng định.

Theo NHNN, về công tác đảm bảo nhu cầu tiền mặt dịp cuối năm 2018, NHNN đã chủ động xây dựng các phương án cung ứng tiền mặt, lên kế hoạch và thực hiện điều chuyển tiền từ Trung ương đến NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trên cả nước nhằm nâng cao dự trữ, kịp thời đáp ứng nhu cầu tiền mặt của nền kinh tế trong dịp cuối năm và giáp Tết Nguyên đán 2019. Từ nay đến giáp Tết Nguyên đán 2019, NHNN theo dõi sát diễn biến tình hình tiền mặt tại từng địa phương, tập trung nguồn lực ở mức cao nhất để điều chuyển bổ sung dự trữ, kịp thời ứng phó nhu cầu đột xuất, bất thường. Với số lượng dự trữ hiện nay, NHNN đảm bảo cung ứng đủ tiền mặt cho lưu thông về giá trị và cơ cấu các mệnh giá tiền một cách hợp lý.

Theo D.Ngọc

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên