MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không giảm giá thành sản xuất, bài toán "10 tỉ USD" của con tôm Việt khó đạt

02-11-2018 - 16:35 PM | Thị trường

Để thực hiện mục tiêu đạt 10 tỉ USD mà Thủ tướng giao, chuyện hạ giá thành trong chuỗi tôm Việt là việc khẩn cấp, bên cạnh đầu tư công nghệ nuôi, chất lượng tôm nuôi.

Ngày 11.2, tại Bạc Liêu, Bộ NNPTNT phối hợp cùng Hội Nghề cá Việt Nam và Sở NNPTNT tỉnh Bạc Liêu tổ chức Diễn đàn tôm Việt với chủ đề “Giải pháp giảm giá thành trong nuôi tôm nước lợ”.

Tại diễn đàn, ông Dương Thành Trung – Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu – thông tin: Xuất khẩu tôm Việt Nam hiện đang gặp phải sự cạnh tranh rất lớn của các nước trong khu vực như: Malaysia, Singapore, Thái Lan… Bên cạnh đó, việc nhiều hộ nông dân tiến hành nuôi tôm tự phát, không có bài bản đã vô hình chung gây nên việc thiếu nguyên liệu đầu vào và dư nguyên liệu đầu ra, làm cho con tôm chúng ta thua ngay trên sân nhà. Việc hoàn thành mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo là đạt 10 tỉ USD giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm trong giai đoạn từ năm 2021 đến 2025 là hết sức khó khăn.

Mặc dù diện tích và sản lượng nuôi tôm ở Việt Nam không ngừng gia tăng trong những năm qua, nhưng chi phí đầu tư sản xuất còn quá lớn, kèm theo đó là giá tôm đang có dấu hiệu giảm thì việc đưa ra các giải pháp hạ giá thành nuôi tôm là cực kỳ quan trọng.

PGS.TS Võ Nam Sơn, Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ, bày tỏ, sở dĩ giá thành sản xuất còn khá cao bởi lẽ người nông dân nuôi tôm vẫn còn gặp khó khăn về điện áp biến động và điện 3 pha chưa ổn định, đa phần họ vẫn chưa có kiến thức sử dụng điện an toàn, tiết kiệm. Để khắc phục tình trạng trên, người dân có thể lên phương án tối ưu hóa hiệu quả sử dụng điện trong nuôi tôm, kết hợp đồng bộ các trang thiết bị và kỹ thuật vận hành. Cty điện lực cần phát triển lưới điện 3 pha ổn định để phục vụ sản xuất cho người dân.

Ông Nguyễn Phương Duy - đại diện tổ chức WWF Việt Nam - cũng đưa ra đề xuất: Để giảm giá thành sản xuất, các hộ dân nuôi tôm cần tham khảo, áp dụng hệ thống phổ biến đó là sục khí oxy trong ao nuôi tôm với những dàn quạt, hệ thống sục khí và oxy đáy. Các thiết bị trên sẽ giúp tiết kiệm đến 57% năng lượng tiêu thụ, từ đó giúp hạ giá thành sản xuất, đảm bảo cho người dân có thêm lợi nhuận.

Trao đổi với PV báo Lao Động, TS Trần Đình Luân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết: Để giảm giá thành trong việc nuôi tôm, các hộ nông dân cần kết nối với nhau để tiếp cận với mục tiêu đầu vào, nguồn giống, thức ăn và phương pháp nuôi. Tập trung liên kết với các doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Bên cạnh đó, người dân cần thay đổi các thiết bị hiện đại hơn để hạn chế tiêu thụ điện năng trong sản xuất góp phần gia tăng lợi nhuận. Áp dụng khoa học kỹ thuật trong việc nuôi tôm, kiểm tra kỹ con giống trước khi mở rộng nuôi tôm.

Theo Bảo Trung

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên