MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không giống dầu thô hay khí đốt, đây là ngành hàng mà châu Âu khiến Nga phải "bó tay" trong việc né lệnh trừng phạt - Tác động ngày càng nghiêm trọng

16-03-2023 - 05:05 AM | Thị trường

Nếu như trước các lệnh trừng phạt dầu thô, khí đốt hay ô tô, Nga đều tìm ra cách để lách luật thì ngành hàng này lại là 1 bài toán khó với Nga

Kể từ khi xung đột giữa Nga và Ukraine diễn ra, các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga đã ngăn cản các hãng hàng không của quốc gia này nhập khẩu các bộ phận máy bay, bảo dưỡng tàu bay tại nước ngoài và mua máy bay mới do phương Tây sản xuất. Một số hợp đồng bán/cho thuê máy bay với Nga do các công ty Mỹ hoặc châu Âu nắm giữ đã bị hủy bỏ và những chiếc máy bay này cũng đã bị thu hồi. Khi các điểm đến ở Châu Âu và Mỹ đóng cửa với các hãng hàng không Nga, các máy bay đã phải dừng hoạt động.

Các biện pháp trừng phạt nhằm mục đích cản trở ngành công nghiệp hàng không của Nga. Trước khi xung đột nổ ra, khoảng 80% máy bay của Aeroflot – hãng hàng không lớn nhất của Nga được sản xuất bởi Boeing hoặc Airbus.

Không giống dầu thô hay khí đốt, đây là ngành hàng mà châu Âu khiến Nga phải bó tay trong việc né lệnh trừng phạt - Tác động ngày càng nghiêm trọng - Ảnh 1.

Ảnh: Reuters

Trong một tuyên bố vào tháng 6 năm 2022, chính phủ Nga đã khuyến cáo các hãng hàng không sử dụng một số máy bay của Nga làm phụ tùng để giữ cho máy bay do phương Tây sản xuất tiếp tục hoạt động. Đến tháng 8/2022, 4 nguồn tin trong ngành đã xác nhận rằng các máy bay đã bị tháo rời để lấy các bộ phận. Các nhà sản xuất máy bay của Nga - trước đây chủ yếu dựa vào linh kiện sản xuất tại Mỹ và châu Âu, đã bắt đầu sản xuất các phiên bản của riêng họ và phát triển các máy bay mới. Họ thậm chí bỏ qua các bản cập nhật phần mềm trên các đội máy bay Boeing và Airbus còn lại của họ.

Những phương pháp này đã giúp giữ cho lưu lượng hàng không trong nước và quốc tế ở Nga ở mức tương đối khiêm tốn 15%. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt càng kéo dài, các điều kiện an toàn càng xấu đi.

Giám đốc điều hành Airbus Guillaume Faury cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg: “Chúng tôi lo lắng về các điều kiện bảo trì vì thực tế các máy bay đang phải bay với tần suất lớn. Do các biện pháp trừng phạt, chúng tôi không thể thực sự giám sát và hỗ trợ như cách chúng tôi làm với khách hàng của mình trong thời gian bình thường. Và đó là điều thực sự tạo ra một số lo ngại về mặt an toàn mà hiện tại không thể can thiệp."

Ngành hàng không của Iran như một ví dụ báo trước tương lai của các hãng hàng không của Nga. Các hãng hàng không Iran duy trì các đội bay ngày càng tồi tàn với việc bí mật mua máy bay mới với giá cao, nhập lậu phụ tùng thay thế và hạ thấp tiêu chuẩn khiến nước này sử dụng một số chiếc Boeing 747 lâu đời nhất thế giới, đồng thời là một trong những nước có mức độ an toàn bay tồi tệ nhất thế giới.

Đáng ngại hơn, Nga thậm chí có thể còn tồi tệ hơn trong dài hạn. Theo một nhà tư vấn hàng không được Bloomberg phỏng vấn, các máy bay mới hơn do các hãng hàng không Nga sử dụng phức tạp hơn để bảo trì so với máy bay cũ của Iran.

Ngành hàng không của Nga là một ví dụ khác về cách nước này trốn tránh các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Tác động của các biện pháp trừng phạt đối với nền kinh tế Nga là trái ngược nhau, khi Nga hình thành các tuyến thương mại mới, tích lũy một đội tàu chở hàng ngầm để duy trì nguồn thu từ dầu mỏ và thay thế các đối tác thương mại cũ bằng các đối tác thương mại mới. Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự đoán rằng GDP của Nga sẽ tăng 0,3% vào năm 2023.

Richard Aboulafia, một nhà tư vấn hàng không, nói với Bloomberg: “Rõ ràng các biện pháp trừng phạt không hoạt động như phương Tây nghĩ, và ngành hàng không toàn cầu dễ bị tác động hơn. Đáng lo hơn cả là sự an toàn sẽ xấu đi khi các biện pháp trừng phạt này tiếp tục kéo dài."

Như Quỳnh

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên