MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không khó thu thuế Facebook, Google

Thu thuế doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nước ngoài như Facebook, Google… là để tạo công bằng với các doanh nghiệp khác.

Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng Luật Quản lý thuế (sửa đổi), trong đó có nêu nội dung đề nghị nhà cung cấp nước ngoài (như Google, Facebook,…) khai báo, nộp thuế nhà thầu đối với các dịch vụ mà tổ chức nước ngoài có cung cấp cho tổ chức, cá nhân ở Việt Nam.

Nhiều nước đã áp dụng

Theo Bộ Tài chính, Google và Facebook đang cung cấp dịch vụ quảng cáo trực tuyến cho thị trường Việt Nam thông qua 2 phương thức: qua các đại lý tại Việt Nam và mua bán trực tuyến và thanh toán trực tuyến qua thẻ tài khoản tín dụng hoặc ví điện tử. Nếu thông qua đại lý, các doanh nghiệp (DN) trên phải thực hiện nghĩa vụ thuế khi phát sinh doanh thu nhưng ở phương thức mua bán và thanh toán trực tuyến lại chưa được quy định rõ nên có thể bên mua dịch vụ sẽ tự hợp thức hóa bằng cách mua hóa đơn của một dịch vụ khác. Khi thanh - kiểm tra thuế, cơ quan chức năng khó biết hết được giá trị thực của chi phí trả cho dịch vụ qua mạng.


Bộ Tài chính đề nghị nhiều bộ, ngành cùng vào cuộc để quản lý thuế với các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ thương mại điển tử tại Việt Nam như Facebook, Google... Ảnh: TẤN THẠNH

Bộ Tài chính đề nghị nhiều bộ, ngành cùng vào cuộc để quản lý thuế với các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ thương mại điển tử tại Việt Nam như Facebook, Google... Ảnh: TẤN THẠNH

Mặt khác, với việc thanh toán dựa vào số lần nhấp chuột trả tiền thì việc xác định doanh thu quảng cáo của nhà mạng nước ngoài không dễ dàng vì phải đối chiếu thông tin giữa 2 ngân hàng (của người mua/người bán) tham gia thanh toán trong điều kiện họ không phải là đối tượng nộp thuế trực tiếp và ngân hàng của công ty mạng cũng ở nước ngoài. Người mua dịch vụ của các tổ chức nước ngoài là cá nhân nên khó có cơ sở đề nghị khấu trừ thuế nhà thầu của tổ chức nước ngoài khi mua dịch vụ. Do đó, để quản lý thuế cần sửa đổi Luật Quản lý thuế để các bộ, ngành cùng vào cuộc.

Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu yêu cầu các dịch vụ xuyên biên giới khi thanh toán phải thanh toán qua cổng thanh toán nội địa (thông qua Công ty CP Thanh toán quốc gia - Trung tâm Napas của Ngân hàng Nhà nước) để cơ quan thuế có cơ sở kiểm soát doanh thu của các dịch vụ này, từ đó đề nghị tổ chức nước ngoài khấu trừ nộp thuế. Các công ty vận hành mạng nước ngoài tại Việt Nam cần thiết lập đầu mối như mở văn phòng đại diện chính thức để phối hợp chặt chẽ hơn với cơ quan quản lý. Đồng thời, đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Tài chính đề nghị nhà cung cấp nước ngoài khai báo, nộp thuế nhà thầu đối với các dịch vụ mà tổ chức nước ngoài có cung cấp cho tổ chức, cá nhân ở Việt Nam. Loại hình này đã được các nước châu Âu, Ấn Độ, Hàn Quốc thực hiện.

Tránh phát sinh phiền hà

Ông Võ Đỗ Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Chi hội An toàn thông tin phía Nam (VNISA phía Nam), đánh giá việc thu thuế với Google, Faecbook… là phù hợp, vấn đề chỉ là cách thức thu như thế nào mà thôi. Theo ông Thắng, khách hàng mua quảng cáo, dịch vụ của Google, Facebook đa phần đều trả bằng thẻ tín dụng Visa, Master; mà các thẻ này hầu hết cấp phát qua đại lý ngân hàng Việt Nam. Do đó, chỉ cần lấy số liệu từ giao dịch thẻ Visa, Master từ ngân hàng chuyển vào tài khoản Facebook, Google là có thể biết được doanh số phát sinh để tính thuế. "Có thể chưa đầy đủ nhưng bước đầu đây cũng là cơ sở bằng chứng doanh thu để yêu cầu Google, Facebook nộp thuế" - ông Thắng gợi ý.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, cũng nhất trí về mặt kinh doanh thì tất cả DN có hoạt động sinh lợi đều phải đóng thuế. Vấn đề hiện nay là nhà nước cần có thỏa thuận tư pháp với các quốc gia như Mỹ (quốc gia sở tại của Google, Facebook) về việc nộp thuế. Có thể tiến hành đàm phán để có sự tương trợ song phương về mặt tư pháp để làm nền tảng pháp lý cho việc yêu cầu các DN này nộp thuế. "Việc này sẽ có lợi cho chúng ta cũng như quốc gia sở tại của Google, Facebook. Cần thu thuế các DN nước ngoài để tránh tạo ra sự bất bình đẳng với các DN khác. Vấn đề là hiện nay chúng ta phải có luật, giải pháp, phương pháp cụ thể… thì mới có thể thực hiện thu thuế được" - luật sư Hậu nói.

Trong khi đó, một thanh tra viên ngành thuế cho biết về nguyên tắc, cá nhân, tổ chức mua dịch vụ của nước ngoài phải có trách nhiệm khấu trừ thuế nhà thầu; trường hợp không khấu trừ được thuế nhà thầu thì bên mua dịch vụ phải "bỏ tiền túi" nộp thuế.

Đề cập việc mua dịch vụ của nước ngoài phải thanh toán qua cổng thanh toán quốc gia, vị thanh tra ngành thuế này cho hay hiện nay, các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài (thường gọi là nhà thầu nước ngoài) được cơ quan thuế quản lý bằng một mã số nhà thầu. Theo đó, bên mua dịch vụ thanh toán thông qua mã số này được nhà thầu nước ngoài mở tại các ngân hàng thương mại và cơ quan thuế luôn kiểm soát được các giao dịch này. Vì thế, việc mua dịch vụ của nhà thầu nước ngoài phải thanh toán qua cổng thanh toán quốc gia sẽ phát sinh thêm phiền hà cho DN. Còn việc DN thương mại điện tử nước ngoài có cần lập đầu mối tại Việt Nam hay không còn phụ thuộc quy mô cung cấp dịch vụ của họ cũng như các quy định của Luật DN.

Đưa vào chương trình nghị sự APEC

Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính, cho biết quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử không chỉ là bài toán khó đối với ngành thuế Việt Nam mà là thách thức đối với hoạt động giao dịch điện tử xuyên biên giới nói chung. Do đó, việc quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử đã được đưa vào chương trình nghị sự nhiều phiên họp của bộ trưởng tài chính các nước. Là chủ nhà của APEC 2017, Việt Nam cũng đã đưa nội dung này vào chương trình nghị sự của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC để tìm giải pháp chung.

Theo Tô Hà - Chánh Trung - Thy Thơ

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên