Không lo loạn giá sữa?
Việc gỡ trần giá sữa là cần thiết và giá sữa sẽ không “nhảy múa” nếu như cơ quan quản lý làm tốt khâu kê khai của doanh nghiệp.
- 29-03-2017Đã có 8 đơn vị kê khai giá sữa và thực phẩm chức năng cho trẻ dưới 06 tuổi
- 28-03-2017Dỡ bỏ trần, giá sữa sẽ lại ‘nhảy múa’?
- 24-03-2017Triển vọng giá sữa tăng do nguồn cung giảm
Hôm nay, 31-3, việc áp trần giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi tạm thời chấm dứt sau hơn 2 năm thực hiện. Doanh nghiệp (DN) kinh doanh sữa sẽ tự xác định mức giá bán lẻ, đăng ký hoặc kê khai với cơ quan nhà nước cũng như chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm trong toàn chuỗi phân phối.
Nguồn cung dồi dào, giá ổn định
Trước thông tin gỡ trần giá sữa, nhiều người tiêu dùng tỏ ra lo ngại về việc giá sữa có thể tăng. Bà Tô Hà Thương (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) cho biết mỗi tháng phải mua 4 hộp Gallia số 3 loại 800 g cho con nên nếu giá sữa tăng thì phải tính toán lại chi tiêu.
Cần quản lý tốt giá sữa sau khi bỏ mức trần từ ngày 31-3 Ảnh: NGỌC DUNG
Trái với lo ngại của người tiêu dùng, qua khảo sát của phóng viên tại một số cửa hàng bán sữa tại Hà Nội, hầu hết các loại sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi đều có nguồn cung khá dồi dào và giữ giá ổn định, thấp hơn hoặc bằng giá trần. Ví dụ, giá sữa bột Dielac Alpha Step 3 (900 g) dành cho trẻ 1-2 tuổi dao động từ 175.900-176.924 đồng/hộp, sữa Dielac Pedia 2+ (900 g) có giá bán lẻ 293.500 đồng, sữa Gallia số 3 (800 g) 350.000-380.000 đồng/hộp…
Theo chủ một đại lý sữa tại đường Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa, TP Hà Nội, đến nay, chưa thấy DN cung ứng nào thông báo điều chỉnh giá cũng như điều chỉnh nguồn cung. “Thị trường sữa hiện tại ổn định, chúng tôi cũng không “găm” hàng nên người tiêu dùng có thể yên tâm. Nếu như giá sữa biến động thì có thể lựa chọn nhà cung cấp khác có giá thấp nhất” - chủ đại lý này khẳng định.
Hiện nay, các DN kinh doanh sữa vẫn đang chờ thông tin gỡ bỏ giá trần chính thức từ Bộ Công Thương và chờ xem sắp tới, chính sách quản lý giá sữa ra sao mới có tính toán cụ thể. Các DN cho rằng trong hơn 2 năm Bộ Tài chính áp trần giá sữa, rất nhiều tiến bộ khoa học trong lĩnh vực sữa được thế giới áp dụng đưa vào sản phẩm nhưng tại Việt Nam thì gần như “án binh bất động”. Nguyên nhân là việc áp giá trần chung đã triệt tiêu tính cạnh tranh thị trường.
“Khi bị khống chế giá trần, chúng tôi không thể phát triển sản phẩm mới vì nếu như thế sẽ đội chi phí, không có lãi. Trả giá sữa về giá thị trường thì DN mới dám làm sản phẩm theo đúng nhu cầu người tiêu dùng, đa dạng sản phẩm, cải tiến chất lượng, bổ sung dưỡng chất. Người tiêu dùng sẽ lựa chọn tùy theo nhu cầu và túi tiền” - đại diện một DN phân tích.
Ngăn giá sữa “nhảy múa”
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, cho biết nếu Chính phủ quyết định cho phép dừng bình ổn giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi bằng biện pháp áp giá trần thì Bộ Công Thương sẽ thay bằng biện pháp kê khai giá để nhà nước kiểm soát.
Các chuyên gia kinh tế cũng đồng tình với quyết định bỏ giá trần của Bộ Công Thương. Bởi lẽ, theo nguyên tắc, khi xác định có độc quyền thì mới áp giá trần; trường hợp xác định có độc quyền nhóm mua thì quy định giá sàn; độc quyền thuần túy thì quy định mức giá cụ thể. Song, hiện nay, không xác định được việc có hay không DN có thị phần thống lĩnh cũng như chưa đưa ra được bằng chứng mặt bằng giá có sự biến động bất thường, bất hợp lý hoặc gây ảnh hưởng đến ổn định kinh tế - xã hội.
Ông Vũ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Sữa Việt Nam, nhìn nhận sau khi gỡ bỏ trần, giá sữa có “nhảy múa” hay không phụ thuộc vào việc quản lý, giám sát của cơ quan chức năng. “Biện pháp quản lý hiệu quả nhất là cơ quan quản lý kiểm soát được đầu vào, chi phí vận chuyển, sản xuất, thuế, phí… Nếu cơ quan có trách nhiệm là Bộ Công Thương quản lý tốt thì sẽ kiểm soát được thị trường” - ông Quỳnh nhìn nhận.
Trước nỗi lo ngại tái diễn tình trạng loạn giá sữa, các DN cho rằng thị trường sữa bột dành cho trẻ em phân chia rõ ràng theo 3 phân khúc cao cấp, trung cấp và bình dân với hơn 1.000 sản phẩm thuộc diện phải đăng ký giá với Bộ Công Thương. Do đó, tùy theo nhu cầu, người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn sản phẩm phù hợp.
Cạnh tranh gay gắt
Các DN kinh doanh sữa cho rằng việc bãi bỏ quy định áp giá trần sẽ trả mặt hàng sữa về đúng bản chất thị trường. DN có nhiều “đất” để khai thác, phát triển hơn nhưng không kỳ vọng thị trường sữa sẽ tăng trưởng trở lại như thời hoàng kim.
Thị trường sữa đã bão hòa. Hầu hết các thương hiệu lớn trên thế giới thuộc phân khúc cao cấp đều đã có mặt tại Việt Nam và gần như không có tăng trưởng trong 3 năm qua. Tỉ lệ sinh hằng năm tại Việt Nam ổn định ở mức 1,2 - 1,5 triệu trẻ em/năm và chính sách khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ cũng là những nguyên nhân khiến thị trường sữa luôn cạnh tranh gay gắt.
Kê khai giá sữa và thực phẩm chức năng
Theo thông báo mới đây của Bộ Công Thương, 8 DN sản xuất, kinh doanh sản phẩm sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi phải đăng ký, kê khai giá với Vụ Thị trường trong nước gồm: Công ty TNHH FrieslandCampina Việt Nam, Công ty Nestlé Việt Nam, Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A, Công ty Mead Johnson Nutrition Việt Nam, Công ty CP Sóng Thần Hà Nội, Công ty TNHH phân phối Tiên Tiến, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) và Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood.
Những DN không có tên trong danh sách nêu trên thực hiện việc đăng ký, kê khai, thông báo giá tại Sở Công Thương các tỉnh, TP nơi DN có trụ sở chính.
Người lao động