MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không mua phân bón tích trữ tạo thời cơ cho việc tăng giá

13-07-2021 - 08:33 AM | Thị trường

Không mua phân bón tích trữ tạo thời cơ cho việc tăng giá

Nông dân không nên quá lo lắng phải mua phân bón tích trữ, làm đẩy giá phân bón lên cao hơn và cần sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả hơn.

Theo Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam nhập khẩu khoảng 2,3 triệu tấn phân bón, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó, xuất khẩu khoảng 667.000 tấn phân bón, tăng 44,7% so với cùng kỳ năm trước.

“Dù lượng xuất khẩu 6 tháng đầu năm tăng cao, nhưng tổng nguồn cung từ sản xuất trong nước và nhập khẩu đạt trên 6,6 triệu tấn. Sau khi trừ đi lượng phân bón đã xuất khẩu, lượng phân bón vẫn cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, do đó, chưa đủ cơ sở để tạm dừng xuất khẩu phân bón”, đại diện Cục Hóa chất cho biết.

Hiện nay, năng lực sản xuất của các nhà máy phân bón trong nước đạt trên 8 triệu tấn, nếu nhập khẩu khoảng 4 triệu tấn về cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ khoảng 11 triệu tấn. Việt Nam cũng cơ bản tự chủ được mặt hàng phân bón với phân urê, lân và NPK; đáp ứng khoảng 86% nhu cầu DAP và MAP; chỉ nhập khẩu phân SA và kali do trong nước không có nguồn nguyên liệu.

“Có thời điểm nhu cầu phân bón tăng đột biến nên nguồn cung thiếu hụt cục bộ nhưng chỉ có tính chất tạm thời. Dù vậy, nông dân không nên quá lo lắng, mua phân bón tích trữ, làm đẩy giá phân bón lên cao hơn; cần sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả hơn”, đại diện Cục Hóa chất khuyến cáo.

Để bình ổn thị trường, thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ NN&PTNT cùng các đơn vị liên quan để đánh giá, rà soát biện pháp tự vệ đối với phân bón DAP, MAP một cách khách quan, tổng thể và phù hợp với quy định của pháp luật...

Bộ Công Thương cũng sẽ chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá. Đồng thời đề nghị doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, ưu tiên tiêu thụ trong nước và hạn chế xuất khẩu nhằm bình ổn giá phân bón tại thị trường trong nước.

Trong quý I/2021, giá bán các mặt hàng phân bón trong nước vẫn được duy trì ở mức thấp hơn so với giá thế giới. Tuy nhiên, từ đầu quý II đến nay, mặt bằng giá phân bón tại Việt Nam cũng điều chỉnh tăng theo quy luật thị trường thế giới.

Đáng chú ý, theo thống kê của Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV), giá nguyên liệu sản xuất phân bón và giá phân bón thế giới để sản xuất các loại phân bón tổng hợp trong tháng 6/2021 đã tăng mạnh so với tháng 12/2020. Cụ thể, phân đạm ure tăng 62%, DAP tăng trên 54%, Kali tăng 45%...

Liên quan đến hiện tượng tăng giá phân bón diễn ra mạnh và đồng loạt, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (PVTM - Bộ Công Thương) cho biết, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã có các biện pháp tự vệ với phân bón DAP và MAP nhập khẩu để bảo vệ sản xuất trong nước. Sau khi điều tra, cân nhắc các yếu tố tác động kinh tế - xã hội, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định áp thuế chống bán phá giá từ năm 2017.

“Cục PVTM thường xuyên theo dõi tình hình thị trường phân bón, có đánh giá nguyên nhân khiến giá phân bón tăng trong thời gian gần đây. Phân tích ban đầu cho thấy, giá phân bón tăng đợt này này chủ yếu do các yếu tố như nguyên liệu sản xuất tăng, chi phí vận tải tăng”, ông Dũng nói.

Cụ thể theo ông Dũng, nguyên liệu cho sản xuất phân DAP và MAP là lưu huỳnh đã tăng 2 lần, giá ammoniac tăng khoảng 30%, giá vận chuyển tăng 5 lần. Thêm nữa, trong quá trình phối hợp với Bộ NN&PTNT để đánh giá cung cầu, Bộ Công Thương nhận thấy lượng phân bón thời gian qua hoàn toàn đủ năng lực cung ứng nhu cầu trong nước khi phân bón DAP và MAP nhập khẩu tăng 50% và sản xuất trong nước tăng 130%, trong khi đó nhu cầu cũng không phải quá lớn.

Trong khi đó, từ khi có lượng sản xuất trong nước làm đối trọng với hàng nhập khẩu, mức tăng của phân bón DAP và MAP sản xuất trong nước thấp hơn so với mức tăng của hàng nhập khẩu (giảm còn 8-10 triệu/tấn so với 14-15 triệu/tấn) chính là đối trọng kìm hãm sự tăng giá phân bón, giúp bình ổn thị trường./.

Theo PV

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên