Không nên bỏ kiểm dịch thịt chế biến nhập khẩu?
Bên cạnh một số ý kiến ủng hộ, giới chuyên môn lo ngại rằng nếu bỏ quy định kiểm dịch nhập khẩu, xuất khẩu sản phẩm thịt, trứng, sữa, mật ong đã qua chế biến sẽ gây ra nhiều hệ lụy.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đang lấy ý kiến các cơ quan chức năng về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 25/2016/TT-BNNPTNT, trong đó tập trung vào 2 phương án: giữ hay bỏ quy định kiểm dịch nhập khẩu, xuất khẩu sản phẩm thịt, trứng, sữa, mật ong đã qua chế biến.
Viện Nghiên cứu kinh tế trung ương, Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Hiệp hội Sữa Việt Nam ủng hộ phương án bỏ kiểm dịch. Lý do: Nếu không có khâu kiểm dịch nhập khẩu, xuất khẩu sản phẩm động vật trên cạn đã qua chế biến, số lượng hàng hóa nhập khẩu sẽ nhiều hơn. Ngoài ra, các cơ quan quản lý chuyên môn và DN Việt Nam đỡ tốn kém kinh phí, thời gian cho từng lô hàng thực phẩm chế biến nhập khẩu.
Trái với quan điểm trên, giới chuyên môn lo ngại việc bỏ kiểm dịch sẽ dẫn đến nguy cơ các dịch bệnh nguy hiểm ở động vật sẽ xâm nhiễm vào Việt Nam. Gần đây, Nhật Bản, Hàn Quốc đã phát hiện virus dịch tả heo châu Phi trong sản phẩm thịt chế biến tại một số cửa khẩu. Nhiều nước trên thế giới cũng đã ghi nhận các ổ dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vận chuyển, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm động vật đã qua chế biến.
Giới chuyên môn cho rằng bỏ kiểm dịch không phù hợp với Luật Thú y của nước ta cũng như Luật Thú y thế giới (OIE). Các nước vẫn tổ chức kiểm dịch, kiểm soát rất nghiêm ngặt sản phẩm thịt, trứng, sữa, mật ong đã qua chế biến của Việt Nam nhập khẩu thị trường họ. Chẳng hạn, DN Việt Nam muốn xuất thịt gà sang Nhật phải đáp ứng nhiều yêu cầu gắt gao từ nước này. Dù đã giám sát, kiểm tra kỹ từ Việt Nam nhưng khi sang đến Nhật, cơ quan thú y cửa khẩu của nước này vẫn lấy mẫu xét nghiệm lần nữa, nếu đạt mới cho phép thông quan. Trong khi đó, Việt Nam lại đề nghị bỏ kiểm dịch sản phẩm nước ngoài nhập khẩu là không phù hợp.
Với kinh nghiệm trong hoạt động chăn nuôi tại Việt Nam và nhiều nước, ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc châu Á - Tập đoàn De Heus (Hà Lan), cũng nêu quan điểm không nên bỏ kiểm dịch nhập khẩu, xuất khẩu sản phẩm thịt, trứng, sữa, mật ong đã qua chế biến vì chúng vẫn có những mối nguy cần phải kiểm soát. Theo ông Gabor Fluit, ngay cả những nước có nền chăn nuôi phát triển nhất thế giới vẫn có thể xảy ra sự cố về dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, cần thay đổi phương thức kiểm soát để tăng tính hiệu quả, không làm mất thời gian, chi phí không cần thiết cho DN.
Các nước kiểm dịch rất chặt chẽ mặt hàng thực phẩm chế biến trước khi cho nhập khẩu. Trong ảnh: Chế biến thịt gà xuất khẩu sang Nhật. Ảnh: NGUYỄN HẢI
"Đối với nguồn hàng rủi ro về chất lượng, an toàn thực phẩm, dịch bệnh thì phải cử người giám sát trực tiếp, lấy mẫu liên tục. Còn những nguồn hàng uy tín lâu năm thì chỉ cần kiểm tra ngẫu nhiên" - ông Fluit nhìn nhận.
Theo một chuyên gia về chăn nuôi và thú y, sản phẩm chế biến vẫn có thể chứa vi sinh vật gây bệnh cho người hoặc vật nuôi nên các nước trên thế giới đều kiểm dịch nhóm sản phẩm này. "Ai hay đi nước ngoài đều biết các nước cấm rất nghiêm ngặt một số sản phẩm chế biến như dăm bông, xúc xích… "xách tay" mà du khách mang theo vì sợ dịch bệnh. Việt Nam không thể mở toang cửa cho người ta nhập cả container thực phẩm vào, sẽ rất nguy hiểm" - chuyên gia này lo ngại.
Ngoài những lý do trên, một số ý kiến cho rằng bỏ kiểm dịch nhập khẩu sản phẩm động vật trên cạn đã qua chế biến từ các nước sẽ gây áp lực lớn đến ngành chăn nuôi trong nước. Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Đồng Nai, lo ngại nếu bỏ kiểm dịch, thịt heo, gà sạch lẫn không sạch, còn hay hết hạn sử dụng của các nước sẽ ồ ạt tràn vào Việt Nam. Những sản phẩm bẩn, hết hạn sử dụng, phế phẩm, phụ phẩm… sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý an toàn thực phẩm. Chúng sẽ cạnh tranh không lành mạnh với sản phẩm chất lượng trong nước và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.