MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không nên cắt bỏ các điều khoản có lợi cho lao động nữ

12-03-2017 - 07:59 AM | Xã hội

Dự thảo Bộ luật Lao động 2017 (dự kiến nếu được thông qua sẽ bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.1.2018 và thay thế Bộ luật Lao động 2012) sẽ bỏ các điều khoản có lợi cho lao động nữ được quy định trong Bộ luật Lao động 2012.

Cụ thể là các điều khoản: Lao động nữ được nghỉ 30 phút mỗi ngày khi hành kinh, được nghỉ 60 phút khi nuôi con nhỏ và vẫn được hưởng đủ lương theo hợp đồng lao động. Đáng nói, đây được xem là quy định nhân văn, một bước tiến của Bộ luật Lao động 2012 thì lại đang bị đề xuất xóa bỏ.

Tâm lý bất ổn, sức khỏe kém khi "đèn đỏ"

Theo quy định tại khoản 5 điều 155 Bộ Luật Lao động 2012 quy định, lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút. Trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động. Nội dung trên được hướng dẫn cụ thể tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định 85/2015/NĐ-CP.

Theo chị Trần Thị Dung, Chủ tịch CĐ Cty Kollan (TPHCM), khi các quy định này có hiệu lực, chưa biết áp dụng vào thực tế như thế nào, nhưng đối với lao động nữ, đây chính là một sự thấu hiểu và chia sẻ. “Lao động nữ được nghỉ 30 phút trong thời gian hành kinh chính là thể hiện sự “thấu hiểu” nỗi khổ, mệt mỏi của chị em trong những ngày “đèn đỏ”. Tâm lý thoải mái, cảm thấy được sẻ chia này chính là động lực giúp chị em thấy an tâm trong công việc, cuộc sống. Người phụ nữ không chỉ được chia sẻ, cảm thông đó ở trong gia đình mà còn từ nơi làm việc, vấn đề về giới ở đây thể hiện khá rõ ràng và cần được tôn trọng”.

“Tùy cơ địa mỗi người mà phụ nữ khi bị hành kinh sẽ mệt mỏi hoặc khỏe mạnh bình thường. Tuy nhiên, dù khỏe hay mệt thì ai cũng cần phải có thời gian để giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, để phòng tránh viêm nhiễm phụ khoa. Quy định nghỉ 30 phút là để chị em được có thời gian làm việc đó. Bởi có một thực tế là hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp có các quy định ngặt nghèo về thời gian đi vệ sinh, tính từng giờ, đếm từng lượt, cho nên các chị em không có thời gian để làm vệ sinh cá nhân, điều này rất nguy hiểm” - chị Trần Thị Phượng, làm việc tại Cty may An Điền (TPHCM) chia sẻ.

Theo bác sĩ sản khoa Nguyễn Bích Thảo, rất nhiều chị em sẽ cảm thấy thực sự đau đớn khi tới kỳ kinh nguyệt. Đi làm với họ trong những ngày này là một cuộc đấu tranh, tâm lý của họ sẽ luôn căng thẳng và mệt mỏi. Điều rất tệ là khi có cảm giác này, lao động nữ sẽ rất khó mà hoàn thành tốt công việc của mình. Cho nên, nếu cho lao động nữ được nghỉ vào các ngày hành kinh, họ sẽ cảm thấy thoải mái hơn, chính điều này sẽ góp phần thúc đẩy năng suất công việc.

Riêng đối với phụ nữ trong thời kỳ cho con bú sẽ tiết sữa hằng ngày và việc có một khoảng thời gian nghỉ để cho con bú là cần thiết. Nếu lao động nữ đi làm liên tục, họ không có thời gian cho con bú, họ có thể vắt sữa trữ lại, bảo quản, tan ca thì mang về cho con. Nếu người mẹ bị căng thẳng, lo lắng thì việc tiết sữa cho con cũng gặp khó khăn. “Cho nên việc cho lao động nữ nghỉ khi hành kinh và nghỉ khi đang nuôi con nhỏ bằng sữa mẹ, con nhỏ dưới 12 tháng tuổi là rất cần thiết” - bác sĩ Bích Thảo nói.

Chăm sóc cho lao động nữ là chăm sóc thế hệ cho tương lai

Vấn đề sức khỏe sinh sản cho lao động nữ hiện nay chưa được chủ doanh nghiệp quan tâm đúng mức. Trong khi đó, sức khỏe của lao động nữ còn liên quan đến sức khỏe của thế hệ tương lai, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Chị Thúy L, làm việc tại một công ty may, bộc bạch: “Là con gái, tụi em rất ngại đi khám phụ khoa. Ngay cả khi công ty tổ chức khám sức khỏe tổng quát, khi biết tụi em chưa có gia đình, khâu khám cũng bỏ qua luôn. Tháng rồi em đi tiểu bị buốt, đi khám mới biết mình bị viêm đường tiểu, nguyên nhân là do nhà vệ sinh công ty quá bẩn, em thường nhịn tiểu để về phòng trọ, những ngày "đèn đỏ" em cũng không dám ra nhà vệ sinh của công ty vì quá bẩn… cho nên dẫn đến viêm nhiễm. Em đang lo ảnh hưởng đến chuyện sinh nở về sau”.

Chị Nguyễn Thị Hà, làm việc tại KCN Tân Bình (TPHCM) cho rằng, trước đây, hầu hết thời gian chị dành cho nhà xưởng, công ty tăng ca bao nhiêu chị cũng không nề hà. Tuy nhiên, khi có con, đặc biệt là con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, chị rất cần thời gian để được ở bên con. Chị nói: “Hai vợ chồng đều là công nhân, con gửi nhóm trẻ gia đình, cả ngày cứ nơm nớp lo sợ, mong đến giờ để được về đón con. Nhóm trẻ gần công ty, nên tranh thủ giờ nghỉ, tôi chạy ra cho con bú tí sữa rồi về công ty. Vì có quy định lao động nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi được nghỉ 60 phút nên tôi vào trễ một chút cũng không sao. Mình có con nhỏ nên mọi người cũng thông cảm”.

Bà Trần Thị Như Phương - Trưởng ban chính sách pháp luật (Hội Phụ nữ TPHCM) cho rằng, pháp luật hiện hành quy định, lao động nữ được nghỉ 30 phút mỗi ngày khi hành kinh là một quy định hợp tình hợp lý. Quy định này chính là tạo điều kiện để chị em vệ sinh cá nhân, giúp hạn chế các bệnh phụ khoa, đảm bảo sức khỏe sinh sản, duy trì nòi giống.

Thực tế hiện nay, tại nhiều doanh nghiệp, việc hạn chế thời gian đi vệ sinh hoặc có những quy định khá ngặt nghèo đối với việc đi vệ sinh của công nhân đã khiến chị em không có thời gian vệ sinh, không có thời gian tối thiểu để giữ gìn vệ sinh, đảm bảo sức khoẻ.

“Bố trí cho lao động nữ nghỉ 30 phút khi hành kinh, nghỉ 60 phút khi nuôi con nhỏ, chủ doanh nghiệp cho rằng ảnh hưởng đến sản xuất nhưng chủ doanh nghiệp hãy nghĩ rằng, chăm sóc sức khỏe cho lao động nữ là chăm sóc giống nòi. Những quy định có lợi cho lao động nữ mà pháp luật hiện hành đang quy định đang tiệm cận đến các công ước quốc tế, chúng ta đã có một quá trình nghiên cứu để có được những quy định này vậy thì tại sao lại dễ dàng bỏ đi. Bỏ đi hay giữ lại các quy định này, cần lắng nghe ý kiến của đối tượng thụ hưởng và các ý kiến độc lập để các nhà làm luật có đề xuất hợp lý” - bà Phương nói.

Theo PV

Lao độn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên