MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không nên “gì cũng có” ở đặc khu Bắc Vân Phong

Bắc Vân Phong sẽ là một trong 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cùng với Phú Quốc và Vân Đồn...

Theo chủ trương của Chính phủ, Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) sẽ là một trong 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cùng với Phú Quốc (Kiên Giang) và Vân Đồn (Quảng Ninh).

“Để Bắc Vân Phong cất cánh và trở thành thành phố có nền kinh tế phát triển cao so với khu vực, trong một diện tích đất không lớn, thì không nên phát triển đại trà, nhiều ngành nghề lĩnh vực, để thành nơi cái gì cũng có, mà cần tập trung vào một vài lĩnh vực trọng điểm, với nguyên tắc chủ đạo: tri thức là động lực chính”, GS.TS Nguyễn Đức Khương, Trưởng khoa Tài chính, Học viện Quản lý và quản trị kinh doanh Pháp bày tỏ quan điểm.

Từ góc nhìn của ông, khác với Vân Đồn hay Phú Quốc, Bắc Vân Phong nên phát triển theo những hướng nào để có thể trở thành đầu tàu kéo kinh tế miền Trung tăng tốc?

Trước khi Thủ tướng đồng ý chủ trương định hướng xây dựng và phát triển thành một trong 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, cùng với Phú Quốc và Vân Đồn, Bắc Vân Phong đã phát triển nhiều hoạt động kinh tế theo hai phân khu: khu thuế quan và khu phi thuế quan.

Trọng tâm là hướng đến tận dụng lợi thế của vịnh Vân Phong - nơi có vịnh lớn, nước sâu, kín gió - để phát triển cảng biển quốc tế, cảng biển du lịch, trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm dịch vụ - du lịch, và kết hợp với phát triển công nghệ cao.

Có hai điểm không thuận lợi là diện tích tổng thể quy hoạch không lớn, với 660 km2 trong đó diện tích đất là 160 km2, chỉ vào khoảng 35% diện tích đất của đặc khu Vân Đồn, nhưng một phần quỹ đất đã được sử dụng cho xây dựng các khu đô thị, trung tâm thương mại.

Quy hoạch phát triển khu hành chính - kinh tế Bắc Vân Phong nên nằm trong tổng thể quy hoạch 3 khu hành chính - kinh tế đặc biệt để phát huy thế mạnh của mỗi địa phương, không cạnh tranh lẫn nhau và là hạt nhân để thiết kế được các khu vực/vùng có năng lực cạnh tranh cao kết nối các tỉnh thành xung quanh, đồng thời có thể bổ trợ lẫn nhau, nhất là đối với các lĩnh vực công nghiệp sáng tạo và giải trí.

Theo tôi, để Bắc Vân Phong cất cánh và trở thành thành phố có nền kinh tế phát triển cao so với khu vực, trong một diện tích đất không lớn, thì không nên phát triển đại trà, nhiều ngành nghề lĩnh vực, để thành nơi cái gì cũng có, mà cần tập trung vào một vài lĩnh vực trọng điểm, với nguyên tắc chủ đạo: tri thức là động lực chính.

Nghĩa là dù phát triển bất cứ ngành nghề nào thì cũng cần sử dụng tri thức, có hàm lượng giá trị gia tăng lớn để tạo điểm nhấn. Kinh tế tri thức cũng giúp tiết kiệm nguồn lực lao động phổ thông theo số lượng lớn và giảm áp lực về dân cư, chỗ ở, việc làm cho khu.

Trong ngắn và trung hạn nên tập trung đầu tư trọng điểm vào xây dựng trung tâm logistics cho cảng biển thương mại, cảng biển du lịch, dịch vụ quốc tế, do nước sâu và do vị trí chiến lược, cùng với các dịch vụ gắn với trung tâm logistics như khu vực giao dịch thương mại đầu mối cho khu vực Đông Nam Á và cửa ngõ thâm nhập thị trường quốc tế cho hàng hóa của khu vực miền Trung và miền Nam; trung tâm nuôi trồng, sản xuất, chế biến thủy hải sản; công nghiệp khai thác, lọc hóa và trung chuyển dầu, khí; trung tâm đào tạo nghề về logistics, năng lượng, chế biến thủy sản xuất khẩu.

Bên cạnh đó, một trung tâm tài chính, ngân hàng, bảo hiểm cũng nên là điểm nhấn trong chiến lược phát triển.

Về lâu dài, như đề cập trong nguyên tắc chủ đạo ở trên, để cạnh tranh được ở cấp khu vực và quốc tế, Bắc Vân Phong nên tìm cách bứt phá để vươn lên trở thành một thành phố có dân trí cao, là điểm đến của những doanh nghiệp khởi nghiệp.

Từ đó trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Lợi thế địa lý, di chuyển thuận tiện và cảnh quan thiên nhiên đẹp bản chất đã là những hấp lực đối với nhân lực có trình độ cao.

Để phát triển theo những hướng mà ông đề cập, Bắc Vân Phong liệu sẽ cần những chính sách như thế nào?

Tầm nhìn quy hoạch dài hơi, ít nhất đến 2050, với nền tảng tri thức và nguyên tắc phát triển bền vững là một yêu cầu thiết yếu để có những điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với sự vận động ở trong nước và quốc tế.

Đây cũng là điều kiện để thu hút người nhập cư và nhà đầu tư đến Bắc Vân Phong để thụ hưởng một môi trường sống, làm việc và đầu tư ổn định, trong lành.

Để làm được điều này, không thể thiếu cơ sở hạ tầng tốt, bộ máy hành chính và chính sách quản lý vượt trội, chính sách đãi ngộ, lương thưởng, quản lý minh bạch, cùng với các dịch vụ công chất lượng cao.

Tôi muốn nhấn mạnh là có rất nhiều chuyên gia người Việt ở trong và ngoài nước rất giỏi. Kết nối và biết sử dụng hiệu quả các nguồn lực này là giải pháp tối ưu cho phát triển, nhất là trong giai đoạn đầu của đặc khu.

Hiện nay, nhiều người nêu quan điểm, để các đặc khu kinh tế phát triển cần có thể chế riêng mới tạo ra được bước đột phá trong đó có cơ chế đặc khu đối với mô hình quản lý cảng. Ông có quan điểm thế nào?

Một khu vực kinh tế đặc biệt chắc chắn phải cần những thể chế đặc biệt.

Đặc khu có những cơ chế ưu đãi hơn nhiều so với các tỉnh thành khác, kể cả về kinh tế lẫn hành chính, nhưng chúng ta cần thận trọng để tránh việc triệt tiêu các lợi thế cạnh tranh ở các khu vực, thành phố khác khi xây dựng đặc khu. Mỗi đặc khu nên xây dựng một đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành có năng lực cao để tận dụng tối đa các lợi thế về cơ chế, thể chế đặc thù.

Trên thực tế, không phải cứ có cơ chế đặc thù là thành công. Hơn nữa có nhiều giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao hiệu quả đầu tư và năng suất lao động ngay cả khi chưa có đột phá về thể chế.

Cũng cần chú ý là đặc khu không được xây dựng và thiết kế để phát triển một mình. Mỗi đặc khu nên tìm ra một số thành phố vệ tinh để cùng phát triển những ngành nghề mũi nhọn của đặc khu, đồng thời có điểm dự phòng về nhân lực, tính đến khả năng mở rộng về quy mô khi cần thiết.

Theo Đặng Hương

Vneconomy

Trở lên trên