Không nên “o ép” lãi suất cho vay
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, lãi suất huy động vẫn duy trì như hiện nay, khó có thể giảm thêm.
Thời gian vừa qua, các ngân hàng đã tiết giảm chi phí, giảm mạnh lãi suất cho vay hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Dự kiến từ nay đến cuối năm, các ngân hàng cắt giảm thêm 20.300 tỷ đồng từ lợi nhuận để giảm lãi suất cho khách hàng. Song mới đây, có đề xuất NHNN nghiên cứu, chỉ đạo hệ thống ngân hàng giảm từ 3 - 5%/năm lãi suất cho vay. Liệu đề xuất trên có khả thi? ngân hàng còn dư địa để giảm thêm lãi suất không? Phóng viên đã trao đổi nhanh với Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia TS. Lê Xuân Nghĩa xoay quanh vấn đề này.
Theo ông, từ nay đến cuối năm, lãi suất huy động diễn biến như thế nào?
Tôi cho rằng, lãi suất huy động sẽ tạm thời duy trì ở mức hiện tại hoặc có thể tăng nhẹ. Còn việc giảm, theo tôi là rất khó có khả năng vì áp lực lạm phát cả ở bên trong và bên ngoài khá lớn. Lạm phát thế giới đang tăng trở lại do sản xuất, tiêu dùng phục hồi. Nhìn vào giá xăng dầu – vật liệu cơ bản tăng ở mức khá cao. Dù thời gian vừa rồi có điều chỉnh nhẹ, nhưng xu hướng tăng thấy rất rõ vì dường như là các quốc gia có vị trí then chốt về kinh tế toàn cầu tỷ lệ tiêm vắcxin cho người dân khá cao như ở Mỹ, châu Âu, Trung Quốc... Như vậy, việc mở cửa kinh tế du lịch cũng có thể bắt đầu khoảng 3-4 tháng nữa. Đó là khuynh hướng tạo tâm lý lạc quan cho người dân tiêu dùng mạnh mẽ hơn, giúp cho kinh tế phục hồi tốt hơn.
Còn ở trong nước, mặc dù tính đến cuối tháng 7/2021 xuất khẩu của Việt Nam tăng khá mạnh như đồ gỗ, điện tử… đặc biệt là nông sản tăng rất ấn tượng. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản cả nước ước đạt trên 53,2 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 28,6 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm ngoái… Song, nhập khẩu những tháng qua tăng nhanh, do kỳ vọng kinh tế phục hồi nên doanh nghiệp nhập nhiều vật tư nguyên liệu máy móc thiết bị để đầu tư trung, dài hạn. Vì vậy, cán cân thương mại cũng thâm hụt tương đối.
Lạm phát trên thế giới vẫn tăng cao sẽ có tác động gián tiếp tới nước ta, khi giá nhiều loại nguyên, nhiên, vật liệu tiếp tục ở mức cao khiến giá hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam tăng, dẫn tới nguy cơ nhập khẩu lạm phát. Do đó, không thể chủ quan với lạm phát ở Việt Nam.
Giả sử lạm phát được kiểm soát ở mục tiêu 4%/năm như Quốc hội đặt ra trong khi lãi suất tiền gửi hiện nay bình quân khoảng 5%/năm thì lãi suất thực dương chỉ là 1%/năm. Theo đó, ngân hàng không thể giảm thêm được lãi suất huy động được. Vì nếu thế lãi suất thực âm người dân không gửi tiền nữa, ngân hàng sẽ rơi vào bẫy thanh khoản.
TS. Lê Xuân Nghĩa
Theo ông, đề xuất giảm mạnh lãi suất cho vay 3-5% so hiện tại có khả thi?
Tôi cho rằng, đề xuất đó không khả thi. Muốn giảm lãi suất cho vay thì phải giảm lãi suất huy động tương ứng. Như phân tích ở trên, không thể nào giảm lãi suất huy động thêm được. Hiện các ngân hàng khó tiết giảm thêm chi phí để giảm thêm lãi suất được. Vì tiến độ số hoá vẫn còn chưa nhanh, đồng đều nên chưa thể tiết kiệm nhiều chi phí về nhân lực. Hai là nợ xấu tiềm ẩn còn rất lớn. Ngân hàng cần có nguồn lực để trích lập dự phòng. Hơn thế, khoản cho vay cũ chưa thu được còn đang kẹt ở nợ xấu, ngân hàng lại phải huy động thêm vốn để cho vay. Muốn huy động cho vay thì phải tăng lãi suất để hút vốn. Chính vì thế, theo tôi lãi suất huy động vẫn duy trì như hiện nay, khó có thể giảm thêm. Như vậy, không thể nào giảm mạnh được lãi suất cho vay.
Theo tôi, không nên đưa ra những kiến nghị như vậy vì nó không khả thi xét trên nhiều góc độ.
Ông có thể nói rõ hơn vì sao đề xuất trên là bất khả thi?
Trên thực tế, không có một nước nào trên thế giới, giai đoạn khủng hoảng lại đòi ngân hàng giảm mạnh lãi suất cho vay như ở Việt Nam. Vì ngân hàng hoạt động trên nền tảng tiền gửi của người dân. Khi nhận tiền gửi để kinh doanh, ngân hàng có trách nhiệm trả lãi cho người dân như đã thoả thuận và còn phải đảm bảo lãi suất phải thực dương so với lạm phát.
Trong khi bản thân hệ thống ngân hàng đang phải đối mặt với khó khăn nội tại đó là gánh nặng nợ xấu thời gian tới là rất lớn. Nếu không có đủ nguồn lực để trích lập dự phòng, xử lý nợ xấu ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng nói riêng, kinh tế vĩ mô nói chung.
Ở các nước trên thế giới, khi kinh tế khủng hoảng họ thường phải sử dụng công cụ chính sách tài khoá với các gói kích cầu lớn thay vì sử dụng chính sách tiền tệ. Chẳng hạn như ở Mỹ, các gói kích cầu lớn lên tới trên 9.000 tỷ USD bằng tổng GDP của nước này. Do vậy, theo tôi ở Việt Nam cũng nên sử dụng công cụ chính sách tài khoá để hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế trong giai đoạn tới. Chúng ta cũng nên rút kinh nghiệm về thất bại của gói kích cầu bằng hạ lãi suất cho vay ngân hàng giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 2009. Do vậy, theo tôi Chính phủ thận trọng trong việc sử dụng chính sách tiền tệ để hỗ trợ doanh nghiệp khi mà dư địa chính sách này đang rất hạn hẹp.
Xin cảm ơn ông!
Thời báo ngân hàng