MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không nên rủ nhau "bùng nợ" online: Có vay thì phải có trả

10-10-2023 - 08:43 AM | Kinh tế số

Rất nhiều rắc rối, rủi ro khi mà người dùng tham gia vào dịch vụ "bùng nợ" online. Không nên có tư tưởng "quỵt nợ" để rồi gánh lấy những phiền toái sau này.

Gần đây có rất nhiều hội, nhóm trên mạng xã hội dạy nhau cách "bùng nợ", quỵt nợ của các ứng dụng cho vay tiền online, thậm chí là cả các công ty tài chính và ngân hàng. Đây là một thực trạng đáng báo động. Nguy hiểm hơn là đã và đang có rất nhiều người tham gia các hội nhóm này để chủ động tìm hiểu, dò hỏi kinh nghiệm "bùng" nợ nhằm chiếm đoạt tài sản của các tổ chức tín dụng.

Cảnh báo tình trạng rủ nhau "bùng nợ"

Trên mạng xã hội Facebook, các Hội bùng app vay tiền online, Hội bùng tiền các công ty tài chính mọc ra như nấm, với đông đảo các thành viên tham gia lên đến 21 nghìn thành viên, 32 nghìn thành viên, thậm chí là 105 nghìn thành viên…

Các tài khoản mạng xã hội mời chào trong các group này thường là ảo. Chỉ cần nhấp chuột nhắn tin là được các đối tượng chăm sóc chu đáo, với lời hứa hẹn chỉ cần hết 100.000 đồng là đã có thể xóa thông tin các cuộc gọi điện trong điện thoại. Người dùng cứ việc "bùng tiền" thoải mái các app.

Người tư vấn "bùng nợ" nói: "Không cần trả đâu, người ta bùng nhiều lần rồi. 50, 60 triệu đồng còn chẳng đến nhà, huống gì mấy triệu. Riêng app bùng trăm mấy triệu, còn chưa tính Home Cedit, FE mấy chục triệu nữa. Hết thầu luôn".

Không nên rủ nhau bùng nợ online: Có vay thì phải có trả - Ảnh 1.

Tuy nhiên, sau khi khoe khoang chiến tích bùng nợ của mình, đối tượng này lại khuyên người dùng trước khi "bùng nợ" hãy vay tiền tiếp các công ty tài chính, hay thậm chí cả ngân hàng, rồi sau đó mới "bùng" một thể. Đối tượng hứa hẹn, chỉ cần cung cấp căn cước công dân, ảnh chụp chân dung và số tải khoản ngân hàng, cùng 1,1 triệu đồng là dễ dàng mở 1 cuốn sổ tiết kiệm. Sau đó dùng chính cuốn sổ này để tín chấp vay được từ 15 đến 35 triệu đồng. Đối tượng sẽ can thiệp, chỉnh sửa các thông tin trên căn cước công dân, để ngân hàng không đòi được tiền.

Người tư vấn "bùng nợ" nói: "Nó gọi cho mình mình không nghe, nó lên xem Google xem số chứng minh mình đăng đăng ký đó. Nó gọi cho người thân nhưng số đó mình cho số ảo".

Hiện nay, việc vay tiền online chủ yếu qua 2 cách: Vay tiền qua các ứng dụng không chính thống, hay còn gọi là tín dụng đen, người dùng sẽ phải chịu mức lãi suất rất cao, lên tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn % mỗi năm.

Cách thứ 2 là vay tiền qua các công ty tài chính tiêu dùng và ngân hàng, mức lãi suất nằm trong khung quy định của pháp luật. Vậy nếu người dùng chủ đích để vay tiền rồi "bùng nợ" tại cả 2 cách hình thức trên, hệ lụy gặp phải sẽ là gì? Có đơn giản là chỉ cần mất vài trăm nghìn đồng tiền phí là có thể chỉnh sửa các thông tin cá nhân hay xóa được nợ xấu hay không?

Sự thật về dịch vụ "bùng nợ" vay online

Theo các chuyên gia công nghệ, không dễ để mà người ngoài có thể can thiệp, chỉnh sửa dữ liệu của các tổ chức tín dụng bởi dữ liệu được lưu giữ cẩn thận ở nhiều nơi khác nhau, thậm chí đã được mã hóa. Ngay cả nhân viên các tổ chức tín dụng nếu muốn thực hiện cũng sẽ để lại dấu vết.

Ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Công nghệ Công ty Công nghệ an ninh mạng Việt Nam NCS, nói: "Trường hợp là nhân viên của trong tổ chức mà muốn làm những hoạt động liên quan đến xóa sửa dữ liệu thì những dấu vết ghi lại cũng sẽ giúp các tổ chức có thể tìm ra là ai đã làm việc đó. Vì vậy, mà khả năng một người nào đó ở trong tổ chức mà thực hiện cái dịch vụ xóa dữ liệu thuê cho người bên ngoài là cực kỳ khó xảy ra".

Các chuyên gia cũng cảnh báo, người dùng không nên tin vào chuyện chỉ mất vài trăm nghìn đồng là có thể chỉnh sửa thông tin cá nhân và xóa nợ xấu bởi nếu tham gia vào dịch vụ này còn tiềm ẩn những rủi ro lớn, như nợ không bùng được mà còn rơi vào tình cảnh "tiền mất, tật mang" khi thông tin cá nhân có thể bị các đối tượng lợi dụng để thực hiện các giao dịch phi pháp. Đây cũng là tiết lộ của 1 người chuyên tư vấn "bùng nợ" trên mạng.

Không nên rủ nhau bùng nợ online: Có vay thì phải có trả - Ảnh 2.

Còn đối với các ứng dụng cho vay không chính thống, hay còn gọi là tín dụng đen. Nếu người dùng có tư tưởng "vay rồi quỵt nợ" thì sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro, bị khủng bố, bị đe dọa, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm lý và sức khỏe khi món nợ tới ngày hẹn mà không trả.

Được biết, có người vay tiền các ứng dụng tín dụng đen, sau đó không trả được thì còn bị các tổ chức này nhắn tin, gọi điện đe dọa cả người thân, thậm chí là còn in ảnh, ghép ảnh người thân đưa lên mạng với mục đích xấu.

Ngoài những rắc rối, rủi ro trên, người dùng nếu cố tình thực hiện các hành vi, thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt số tiền vay của các tổ chức tín dụng, thì còn có nguy cơ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Hệ lụy khi tham gia dịch vụ "bùng nợ" vay online

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc điều hành Công ty Luật Anvi: "Trường hợp họ xóa dấu vết, thay tên đổi họ, có hành vi gian dối hay trốn nợ, hay bất kể hành vi gian dối nào nhằm mục đích trốn nợ, không phải trả nợ thì sẽ là vi phạm tội hình sự lừa đảo, chiếm đoạt tài sản".

Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật Thiên Thanh: "Bạn có một khoản nợ mà bạn phải thi hành thì bạn sẽ rất khó thực hiện các câu chuyện kinh doanh vay mượn sau này, nhất là lịch sử tín dụng của bạn, sẽ liệt vào thành phần tồi tệ. Đề án 06 của Bộ Công an liên quan đến cơ sở dữ liệu sẽ là nền tảng cho câu chuyện quản trị. Trước đây bạn có thể lẩn khuất ở đâu đó, trên môi trường không gian mạng, không biết bạn là ai, nhưng bạn sẽ quên chuyện này đi khi đề án 06 được thực hiện tốt, dữ liệu về dân cư sẽ quản lý chặt hơn, lúc đấy, bạn gần như không có cơ hội nào".

Rất nhiều rắc rối, rủi ro khi mà người dùng tham gia vào dịch vụ "bùng nợ" online. Có vay thì phải có trả. Các chuyên gia cho rằng người dùng cần cân nhắc trước khi quyết định vay một khoản tiền nào đó, chỉ vay tiền khi thực sự cần thiết và nên có kế hoạch để trả nợ rõ ràng. Không nên có tư tưởng "quỵt nợ" để rồi gánh lấy những phiền toái, rủi ro sau này.

Theo VTV Digital

vtv.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên