MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không nới room tín dụng, lợi nhuận ngân hàng có “về đích”?

20-09-2018 - 13:45 PM | Tài chính - ngân hàng

Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng khó có thể được nới thêm hạn mức (room) trong nửa cuối năm 2018, các ngân hàng vẫn tự tin sẽ hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận xây dựng đầu năm.

Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thể hiện rõ quan điểm sẽ không dễ dàng nới room tín dụng như các năm trước đây, nhiều ngân hàng thương mại đã có những bước đi điều chỉnh phù hợp về chỉ tiêu lợi nhuận năm 2018. Đơn cử như mới đây, LienVietPostBank đã cho điều chỉnh giảm chỉ tiêu lợi nhuận cả năm 2018 từ 1.800 tỷ đồng xuống còn 1.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, xét trong bối cảnh chung thì hầu hết các ngân hàng đều đang giữ được đà tăng trưởng tín dụng rất cao và khá tự tin vào việc hoàn thành chỉ tiêu.

Đơn cử như ACB, HDBank, TPBank lần lượt đạt 11,7% và 15,1% và 16,2% trong nửa đầu năm. Nhìn rộng ra, trong 6 tháng đầu năm nay, các ngân hàng đã báo lãi rất tích cực so với cùng kỳ năm trước, nhiều ngân hàng đã hoàn thành hơn một nửa chỉ tiêu cả năm.

Chẳng hạn, Vietcombank đạt trên 8.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, hoàn thành được 57% kế hoạch năm; MB có lợi nhuận trước thuế đạt 3.829 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ và hoàn thành 56% mục tiêu đề ra cho 2018. Hay VIB đạt 1.151 tỷ đồng, đi được 57% kế hoạch cả năm… Thậm chí, một số ngân hàng nhỏ còn sớm hoàn tất chỉ tiêu đưa ra cho cả năm trong 6 tháng như Nam A Bank đạt 292 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tương đương 97,3% kế hoạch. Đây là cơ sở để các ngân hàng lạc quan về việc hoàn thành chỉ tiêu cả năm, dù dư địa tăng trưởng tín dụng không còn nhiều trong những tháng cuối năm.

CTCK HSC vừa đưa ra dự báo tổng lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng đã niêm yết sẽ tăng trưởng 32,28% trong năm 2018 và tiếp tục tăng trưởng 22,52% trong năm 2019. Theo HSC, với Chỉ thị mới, có vẻ NHNN sẽ không nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại trong quý III như vẫn thường làm trong nhiều năm trước. Tuy nhiên, do mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay là 17%, trong khi hạn mức dành cho các ngân hàng thương mại chủ yếu là 14% nên NHNN vẫn còn dư địa để nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho một số trường hợp cụ thể, mà không làm ảnh hưởng đến mục tiêu chung.

Theo một số chuyên gia kinh tế phân tích, trong ngắn hạn ngân hàng nào đang có sức sinh lời tốt thì vẫn sẽ sinh lời tốt, thậm chí cũng có thể tăng lợi nhuận trong điều kiện không nhất thiết phải tăng trưởng tín dụng. Bài toán từ đầu năm đã chứng minh không nhất thiết dư nợ tín dụng cao các ngân hàng họ cũng đạt lợi nhuận tốt. Vì thực ra cấu trúc lợi nhuận của các ngân hàng đến từ nhiều giỏ, nhiều hoạt động khác nhau. Ngoài cho vay thì ngân hàng còn phát triển các dịch vụ khác như thanh toán, bảo hiểm, các hoạt động mới… ngay bản thân cấu trúc tín dụng của ngân hàng bây giờ cũng đa dạng.

Ngoài ra, ngân hàng muốn tăng lợi nhuận còn có hai cách khác, một là tiết giảm chi phí bằng cách tăng năng suất lao động, giảm các chi phí không cần thiết.

Thứ hai là ngân hàng cho vay với chất lượng tốt hơn. Nợ xấu ngân hàng ngày trước lên cao nhưng nợ xấu giờ còn khoảng 1%, rõ ràng ngân hàng cho vay giờ thì mất đi ít hơn lượng tín dụng sinh lời cao hơn nhằm giúp tăng lợi nhuận. Nhiều ngân hàng từ đầu năm có các khoản nợ xấu thu được thì sẽ thu được các khoản dự phòng rủi ro, đưa vào bức tranh lợi nhuận.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng trong dài hạn dĩ nhiên room tăng trưởng tín dụng hạn chế thì sẽ hạn chế về tăng trưởng quy mô và kỳ vọng lợi nhuận trong tương lai dài. Còn trong ngắn hạn việc hạn chế room tín dụng cũng không ảnh hưởng quá nhiều tới khả năng sinh lời của các ngân hàng. Nếu ngân hàng nào có sự chuẩn bị tốt thì vẫn có thể có sự tăng trưởng đột biến từ việc chất lượng tài sản, tín dụng tốt hơn, quản lý chi phí hoạt động tốt hơn, mà không nhất thiết phải tăng lãi suất, tăng room tín dụng.

Theo B.Chương

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên