MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không núi nào đủ cao, không đại dương nào đủ sâu để thoát khỏi nỗi ám ảnh này của nhân loại

24-12-2021 - 11:21 AM | Tài chính quốc tế

Không núi nào đủ cao, không đại dương nào đủ sâu để thoát khỏi nỗi ám ảnh này của nhân loại

Vi nhựa từ châu Phi và Bắc Mỹ đã được tìm thấy ở nơi được cho là có không khí sạch nhất.

Từ đỉnh núi Everest đến Rãnh đại dương Mariana, vi nhựa xuất hiện ở khắp mọi nơi. Thậm chí chúng còn xuất hiện ở tầng đối lưu của Trái đất, nơi gió cuốn chúng đi đến những nơi xa xôi nhất.

Vi nhựa là những mảnh nhựa nhỏ có kích thước dưới 5mm. Chúng xuất hiện từ bao bì, quần áo, xe cộ và các nguồn khác. Trong đất, nước và không khí, đâu đâu cũng có sự xuất hiện của các hạt vi nhựa.

Các nhà khoa học từ Viện nghiên cứu quốc gia Pháp CNRS đã lấy mẫu không khí tại Đài quan sát Pic du Midi ở Pyrenees, Pháp. Trạm có độ cao 2.877 mét so với mực nước biến và được gọi là "trạm sạch" vì ít bị ảnh hưởng bởi khí hậu và môi trường địa phương.

Ở đó, các nhà khoa học đã kiểm tra 10.000 mét khối không khí mỗi tuần, từ tháng 6 đến tháng 10/2017 và phát hiện tất cả các mẫu đều chứa vi nhựa.

Dựa vào dữ liệu thời tiết, các nhà nghiên cứu tính toán quỹ đạo của các khối không khí khác nhau từ mỗi mẫu. Kết quả phát hiện ra các nguồn vi nhựa xa xôi như Bắc Phi và Bắc Mỹ.

Tác giả của nghiên cứu, Steve Allen thuộc Đại học Dalhousie ở Canada, trao đổi với AFP rằng các hạt nhựa có thể di chuyển những khoảng cách xa như vậy vì chúng có thể bay lên rất cao. Ông nói: "Một khi đạt đến tầng đối lưu, vi nhựa như chạy trên một đường cao tốc siêu nhanh".

Nghiên cứu cũng chỉ ra các nguồn vi nhựa từ biển Địa Trung Hải và Đại Tây Dương. Allen cho biết nguồn vi nhựa từ biển là điều đáng chú ý nhất. Ông cho biết nhựa rời khỏi biển để bay vào không khí. Điều này cho thấy nhựa cuối cùng sẽ không chìm, chúng chỉ trôi nổi đâu đó trong một chu kỳ bất định.

Tuy nhiên, lượng vi nhựa tìm thấy trong các mẫu không khí ở Pic du Midi không gây nguy hiểm đến sức khoẻ. Tác giả đồng nghiên cứu Deonie Allen lưu ý rằng các hạt nhựa này đủ nhỏ để con người có thể hít vào.

Bà nói rằng sự xuất hiện của vi nhựa ở khu vực được cho là "cách ly" với nguồn ô nhiễm khiến con người phải thay đổi suy nghĩ. Đây là một vấn đề toàn cầu và câu hỏi đặt ra là mối quan hệ giữa con người và nhựa, bà nói thêm.

Allen cũng nhấn mạnh rằng việc xử lý nhựa bằng cách chuyển chúng ra nước ngoài là một chiến lược sai lầm vì chúng sẽ quay trở lại bằng nhiều cách.

Tham khảo: The Guardian

Khánh Ly

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên