Không phải biệt thự nghỉ dưỡng, đây mới là bất động sản đem lại mức hoa hồng cao gấp nhiều lần cho môi giới
Thực hiện thành công một thường vụ giao dịch loại hình bất động sản này có thể đem lại mức hoa hồng cho nhà môi giới cao gấp 6 lần mức phí thông thường. Tuy nhiên, công việc này không hề dễ dàng.
Đó là chia sẻ của ông Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch HĐQT Cengroup về chuyện kinh doanh dịch vụ tư vấn và bán bất động sản nước ngoài cho người Việt – một xu hướng đang nổi lên hiện nay.
“Hốt bạc” với nghề bán BĐS nước ngoài?
Trong những năm qua, nghề môi giới bất động sản luôn cuốn hút dân sale tham gia bởi thu nhập cao nhờ thị trường sôi động trở lại. Chuyện kiếm tiền tỷ mỗi năm mỗi năm không phải là hiếm.
Thông thường, mức hoa hồng mà chủ đầu tư trả cho nhà môi giới căn hộ thường dao động từ 1,5% đến 2% trên tổng giá trị hợp đồng. Các công ty dịch vụ hoặc sàn BĐS thường chia khoảng 65-70% doanh thu hoa hồng cho nhân viên kinh doanh. Tuy nhiên, do tính cạnh tranh rất khốc liệt, nên thông thường các môi giới phải “cắt máu” để kiếm khách hàng, do đó, thực chất họ chỉ nhận về khoảng 0,5% đến 0,7% giá trị sản phẩm.
Với một môi giới được cho là giỏi thì mỗi tháng họ đạt doanh số khoảng 3-5 căn hộ, giá trị mỗi căn hộ khoảng 2-3 tỷ đồng. Với mức hoa hồng trên, thu nhập của những môi giới này hàng tháng vào khoảng 50 – 60 triệu đồng là chuyện bình thường.
Ở phân khúc bất động sản cao cấp đang bùng nổ là biệt thự nghỉ dưỡng, với giá trị BĐS rất cao thường dao động từ 15-30 tỷ đồng mỗi căn, lại có mức hoa hồng lên tới 3% giá trị hợp đồng, thì những nhà môi giới phân khúc này có khả năng kiếm tiền tỷ mỗi năm cũng không phải hiếm.
Tuy nhiên, gần đây với trào lưu mới mua nhà, đầu tư bất động sản nước ngoài của giới nhà giàu Việt nhằm mục đích du học, định cư ngày càng lên ngôi, nghề môi giới loại hình bất động sản này được xem là “hốt bạc” với mức hoa hồng cao ngất ngưởng.
Là một trong những đơn vị vừa mới khai thác dịch vụ này, ông Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch HĐQT Cengroup, cho biết hiện Cengroup đã ký kết hợp tác với một số đối tác ở nước ngoài để tham dò thị trường. Tuy nhiên, với số liệu nghiên cứu thống kê cho thấy mỗi năm chắc chắn có hơn 1.000 giao dịch thành công, cao hơn cả người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam thì quả là thị trường không nhỏ. Trong khi, số đơn vị kinh doanh dịch vụ này chỉ đếm trên đầu ngón tay.
“Vì thế, nghề môi giới BĐS này cực kỳ hấp dẫn. Không những thế chỉ một giao dịch thành công thôi cũng đã đem lại hoa hồng rất lớn. So với trong nước phí giao dịch rất cao, thường dao động từ 5% đến 10% giá trị hợp đồng tùy từng nước, các thị trường mới nổi như đảo Síp còn cao hơn nữa. Bên cạnh đó phí tư vấn pháp lý cũng rất cao” ông Hưng nói.
Ông Hưng lấy ví dụ, để có thể định cư ở đảo Síp theo chương trình PR – Permenent Resident, nhà đầu tư cần đầu tư tối thiểu là 300.000 EURO để mua bất động sản, thì mức tư vấn pháp lý có thể lên tới 30% tức là khoảng 90.000 EURO. Phí tư môi giới tối thiểu 5%, thì nhà môi giới kiếm được tính ra cũng phải 500 triệu đồng.
Nhưng…không “ngon ăn”
Nhìn vào con số trên thì thấy việc bán BĐS nước ngoài vô cùng hấp dẫn, nhưng thực tế thì đây là một công việc cực khó, không phải ai cũng làm được. Những người quan tâm mua BĐS ở nước ngoài thường là người có hiểu biết, họ đã đi nước ngoài nhiều. Vì vậy, môi giới cũng không cần nói nhiều để thuyết phục họ mua, họ biết rõ điều đó. Nhưng, cái khó ở đây là thủ tục pháp lý và tài chính (vấn đề chuyển tiền).
Theo ông Phạm Thanh Hưng, để có thể mua BĐS ở nước ngoài người mua có thu nhập cao nhưng cần phải chứng minh được dòng tiền đó lấy từ đâu, có minh bạch hay không. Dòng tiền đem lại cho họ cũng cần phải có thời gian chứ không phải ngày một ngày hai.
“Muốn chứng minh thu nhập phải có những công việc kinh doanh thực sự, như một doanh nhân có cổ phần cổ phiếu, có nộp thuế, chia cổ tức…hệ thống ngân hàng chứng minh, thì đó mới là dòng tiền sạch,” ông Hưng nói
Một vấn đề khác cũng khiến việc môi giới này rất phúc tạp đó là thủ tục chuyển tiền, theo quy định hiện hành thì NHNN chưa cho phép công dân Việt Nam chuyển tiền ra nước ngoài với mục đích mua nhà. Đây là một trở ngại cho các giao dịch mua bán BĐS ở nước ngoài.
Chính vì thế, thị trường mới có những hình thức đầu tư ra nước ngoài. Thông thường cá nhân thường “lách” bằng cách xin cấp phép đầu tư các dự án ở nước ngoài để được chuyển tiền. Vì thế, để tiến hành một giao dịch thành công đối với nhà môi giới là không hề đơn giản như trong nước.
Bên cạnh đó, để mua BĐS nước ngoài kể từ khi có nhu cầu đến lúc hoàn thiện thủ tục mất rất nhiều thời gian, thậm chí là cả năm trời. Môi giới phải bay đi bay lại nhiều lần, chi phí bỏ ra sẽ rất cao.
Những khó khăn này khiến nghề bán BĐS nước ngoài tưởng chừng sẽ “hốt bạc” nhưng lại không hề “ngon ăn”. Tuy vậy, đó vẫn là một công việc đầy hấp dẫn, triển vọng và thách thức chỉ dành cho những nhà môi giới thực sự tâm huyết, kinh nghiệm.