Không phải bỗng nhiên mà hết tiền, chuyên gia cảnh báo 4 lý do khiến bạn “cháy ví” sau nghỉ lễ
Tại sao vào các ngày nghỉ lễ, chúng ta thường dễ tiêu nhiều tiền hơn bình thường?
- 28-04-2024Các điểm tham quan, vui chơi ở Nha Trang đông nghịt trong ngày nghỉ lễ thứ hai
- 28-04-2024Mẹ vợ trẻ đẹp nhất làng bóng đá Việt tung ảnh nghỉ lễ: Nhan sắc, vóc dáng còn cuốn hút hơn con gái Top 10 Hoa hậu Việt Nam
- 28-04-2024Clip giới trẻ TP HCM xếp hàng dài mua vé vào Dinh Độc Lập, cà phê bệt "hóng gió" trong ngày toàn dân nghỉ lễ
- 25-04-2024Giá vé máy bay dịp nghỉ lễ tăng mạnh, xu hướng tự lái xe đi chơi lên cao: Phỏng vấn nhanh xem các gia đình trẻ lựa chọn địa điểm "đổi gió" như thế nào?
- 25-04-2024"Tips sinh tồn" cho kỳ nghỉ lễ yên ấm, chị em nên gửi ngay cho chồng
Thoáng tay tiêu tiền trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5
Với nhịp sống vội vã của công việc và học tập, kỳ nghỉ lễ dài ngày được mọi người xem là khoảng thời gian "xả hơi" sau chuỗi ngày làm việc mệt mỏi và tận hưởng bên người thân, bạn bè. Cũng vì thế, họ không ngại thoáng tay chi tiêu nhiều hơn ngày thường. Thậm chí, không ít bạn trẻ còn tiêu số tiền bằng 1-2 tháng lương trong dịp nghỉ lễ này.
Trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày, An Phương (27 tuổi) đã chi 8 triệu đồng để đi du lịch, thực hiện ước muốn ấp ủ được đi xa sau chuỗi ngày làm việc cường độ cao. 8 triệu đồng là số tiền cô dành để mua quần áo và chi phí cho chuyến đi Hà Giang một mình.
“Cả năm mới có 1 dịp nghỉ lễ dài ngày nên mình không muốn tiết kiệm, tính toán quá chi ly khi chi tiêu cho bản thân nữa. Ngày thường, mình làm việc chăm chỉ và tích cóp từng đồng một. Cố gắng như thế để đến nghỉ lễ, mình có thể thoải mái tận hưởng thành quả lao động. Đồng thời, mình cũng không thấy tiếc cho số tiền bỏ ra để trải nghiệm, tận hưởng cho kỳ nghỉ dài ngày”, An Phương chia sẻ.
Ảnh minh hoạ
Một trường hợp khác, Hà Trang (26 tuổi) lại tốn nhiều tiền cho các bữa ăn ngoài cùng người thân và bạn bè trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5. Hà Trang nói: “Mình dự tính sẽ chi 2 triệu đồng cho tiền ăn uống trong dịp nghỉ lễ này, bằng với tiền ăn ngoài của một tháng bình thường, không có nghỉ lễ. Do mình học tập và làm việc xa quê, một năm về nhà ít ngày nên lần nào về quê cũng có nhiều cuộc hẹn ăn uống và vui chơi cùng bạn bè, người thân. Từ hôm 27/4, ngày nào mình cũng có lịch ăn uống, hết ăn lẩu cho đến ăn nhẹ, uống nước…”.
Hà Trang chia sẻ thêm, có một khoản tiêu dùng phát sinh trong đợt nghỉ lễ này là tiền dành mua đồ online. Trong đợt nghỉ lễ, do có nhiều thời gian rảnh nên cô thường xuyên lướt các sàn thương mại điện tử. Cũng vì thế, Hà Trang cũng chốt đơn một vài món đồ để “tự thưởng” cho bản thân.
Còn về phía T.N (26 tuổi) đã dự tính chi 1 tháng lương là 20 - 25 triệu đồng để đi du lịch kéo dài 1 tuần từ Hà Nội vào TP. HCM để thăm họ hàng, người yêu. Khoản chi bao gồm tiền vé máy bay, đi chơi Đà Lạt, quà tặng cho người yêu và họ hàng, đi kèm chi phí phát sinh. T.N nói thêm, dẫu biết chuyến du lịch này đắt đỏ hơn so với ngày thường nhưng anh vẫn thấy đây là khoản chi xứng đáng. Bởi chỉ có dịp nghỉ lễ, anh mới có thể thu xếp thời gian dành cho người thân và người yêu.
Ảnh minh hoạ
Vì sao chúng ta thường không tiếc tiền chi tiêu trong ngày lễ?
Ngày nghỉ lễ có một khả năng đặc biệt là làm giảm đi cảm giác mệt mỏi và cả tài khoản tiết kiệm của chúng ta. Tất nhiên, sau một thời gian dài làm việc mệt nhọc và không có thời gian dành cho gia đình và bạn bè, việc bạn vung tay trong đợt nghỉ dài ngày là không sai. Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính nhấn mạnh rằng điều này có thể sẽ rất nguy hiểm với tài chính cá nhân nếu mọi người không biết chi tiêu nằm trong tầm kiểm soát của mình.
Chuyên gia tài chính Chris Berger chia sẻ: "Bạn phải hiểu những ngày nghỉ lễ có ý nghĩa như thế nào với bản thân. Nếu nó có khả năng làm tan vỡ tài chính của bạn, có lẽ đã đến lúc thay đổi cách tiêu tiền và đơn giản là không chạy theo đám đông".
Dưới đây là những lý do phổ biến dẫn đến việc bạn thoáng tay chi tiêu trong kỳ nghỉ lễ hơn mức bình thường, thậm chí có thể trở nên "rỗng ví".
- Tâm lý tự thưởng cho bản thân và người thân yêu: Những ngày lễ chính là thời điểm thích hợp nhất trong năm để mọi người vung tiền cho buổi tụ tập cùng bạn bè và người thân. Cũng vì thế, không khó hiểu khi các địa điểm du lịch, nhà hàng, quầy bán đồ ăn liên tục đắt khách hàng và có doanh thu khủng trong khoảng thời gian này.
- Thời gian dành cho mua sắm gia tăng: Nghỉ lễ dài ngày giúp chúng ta có nhiều thời gian nhàn rỗi. Có lẽ không ít người đã từng trải qua tình trạng bội chi chỉ vì quá nhàm chán sau đó tiện tay lướt các trang thương mại điện tử và mua đồ. Hơn thế nữa, vào khoảng thời gian nghỉ, chúng ta thường sẽ ngủ muộn hơn và những quyết định mua sắm, đặc biệt vào nửa đêm, thường diễn ra nhanh chóng và ít cân nhắc hơn.
Ảnh minh hoạ
- Cảm giác FOMO (nỗi sợ bỏ lỡ): Khi nhìn người khác tiêu tiền và đăng ảnh mua sắm, ăn uống mà bản thân không làm vậy thường khiến bạn cảm thấy "lạc lõng". Tức là bạn đang không tận hưởng cuộc sống vì đang không giống như những người xung quanh.
- Các chiến dịch quảng cáo và bán hàng đã "thao túng tâm lý" người tiêu dùng: Các thương hiệu luôn biết cách khiến chúng ta muốn chi tiêu nhiều hơn trong dịp lễ, chẳng hạn chính sách giảm giá hay nhãn hàng liên tục phát đi thông điệp quảng cáo "nghỉ lễ là phải tự thưởng cho bản thân, hay nói cách khác là chi tiêu nhiều hơn".
Nhìn chung, kỳ nghỉ lễ sẽ rất vui nếu bạn được gặp người thân và bạn bè, tuy nhiên sẽ tuyệt vời hơn nếu bạn bước qua chúng mà không bị rỗng túi hay mang gánh nặng nợ nần. Lời khuyên cho bạn là vui chơi nhưng đừng quên thực hiện đúng kế hoạch tài chính đã đề ra. Đồng thời, bạn chỉ nên tiêu tiền nằm trong kế hoạch cá nhân thay vì đừng vung tay vào các khoản chi tiêu không xứng đáng.
Nhịp sống thị trường