MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không phải Grab, chính Softbank mới là thế lực đứng sau gây sức ép khiến Uber buông súng trên khắp các mặt trận châu Á?

30-03-2018 - 16:24 PM | Tài chính quốc tế

Cổ đông chiến lược Softbank tiếp tục “ép” Uber phải cắt giảm chi phí và từ bỏ thị trường Ấn Độ cho Ola sau khi đã “đầu hàng” Đông Nam Á về tay Grab vào đầu tuần này.

SoftBank và Masayoshi Son – thế lực mới đằng sau Uber

Vào đầu năm nay, Uber đã "tự hạ thấp" bản thân khi bán 15% cổ phần cho Softbank với giá "sale 30%" so với mức định giá kỷ lục 68 tỷ USD trước đó. Với 1,25 tỷ USD tiền đầu tư trực tiếp và 15% cổ phần, tập đoàn Softbank Nhật Bản đã trở thành cổ đông lớn nhất và đồng thời là thế lực có sức ảnh hưởng nhất tại Uber.

Cuộc thương thuyết giữa Uber và Ola – đối thủ nặng ký nhất của Uber tại Ấn Độ đã được Softbank ngỏ ý từ tận năm ngoái. Nhưng đến tận hôm nay, với việc Softbank đã trở thành cổ đông chiến lược và thuyết phục Uber từ bỏ Đông Nam Á cho Grab thành công, cuộc sáp nhập giữa Uber và Ola ngày càng được chính thế lực đằng sau này "hâm nóng".

"Đã có khá nhiều cuộc trao đổi trực tiếp giữa các nhân viên cấp cao từ hai phía (Uber và Ola)," một nhân viên giấu tên tham gia cuộc thương thuyết trên cho hay, "Thương vụ rất có thể được thống nhất trong vài tháng tới."

Một nguồn tin khác cho rằng SoftBank đang "khuyến khích" Ola mua lại mảng kinh doanh của Uber tại Ấn Độ, nhưng các chi tiết khác thì vẫn còn bị bỏ ngỏ. Cả Ola và Uber đều đang muốn nắm phần lớn cổ phần nếu như hai thế lực đối địch này hợp nhất, đó chính là lý do cuộc đàm phán vẫn đang phải kéo dài và chưa có hồi kết.

Các đại diện của Softbank từ chối bình luận về tình hình thương thuyết giữa hai bên, trong khi đại diện Uber vẫn phủ nhận các lời đồn trên.

Về phía Ola, startup sinh ra tại chính Ấn Độ này vẫn chưa dám bình luận về cơ hội sáp nhập, tuy nhiên các nhân vật cấp cao tại Ola đang ám chỉ rằng họ rất sẵn sàng và luôn tìm kiếm cơ hội để mở rộng thị trường ngay tại nước nhà. "Trong thời đại công nghệ thông tin mới của Ấn Độ, Ola sẽ luôn là một cái tên dẫn đầu và hoạt động một cách tích cực trong các thập kỷ tiếp theo. SoftBank và các nhà đầu tư khác của Ola luôn ủng hộ chúng tôi trên tham vọng này." – đại diện Ola đã tự tin tuyên bố trong một cuộc họp báo gần đây.

Không phải Grab, chính Softbank mới là thế lực đứng sau gây sức ép khiến Uber buông súng trên khắp các mặt trận châu Á? - Ảnh 1.

Tương lai không mấy sáng sủa của Uber

Thương vụ sáp nhập này nếu thành công sẽ đánh dấu lần thứ 4 Uber phải chịu bại trận trước các đối thủ "nội địa". Từ kết quả đau đớn đầu tiên tại Trung Quốc trước Didi, tháo chạy ra khỏi Nga trước sự phát triển của Yandex, và gần đây nhất là chấp nhận thua Grab một cách "chóng vánh" ngay tại Đông Nam Á - thị trường được đánh giá là tiềm năng nhất cho dịch vụ gọi xe.

"Mặt tích cực sau thương vụ với Grab là chúng tôi có thể tập trung phát triển tốt nhất tại các thị trường cốt lõi của mình – và Ấn Độ là một trong những thị trường cốt lõi đó. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không ngần ngại đàm phán để đem lại giá trị sau cùng cho các đối tác và nhà đầu tư. Chúng tôi tin rằng mình có thể tự quyết định số phận tại Ấn Độ", Dara Khosrowshahi - tân CEO của Uber, đã gửi nội dung trên đến các nhân viên của mình, và sau đó nội dung này cũng đã được đăng tải công khai trên website của Uber.

Trong khi cả Uber và Ola đều tự tin rằng mình mới là thế lực mạnh nhất tại thị trường Ấn Độ, các nhà phân tích và chuyên gia trong ngành lại cho rằng cả hai công ty gần như tương đồng nhau khi xét về thị phần và sức ảnh hưởng lên thị trường này. Đây là lý do chính khiến cho Uber và Ola khó tìm được tiếng nói chung trong các chuộc đàm phán trước đây dưới sự giám sát của Softbank.

Nhưng một động thái rất đáng chú ý gần đây là cả Uber và Ola đều bị các tài xế cáo buộc đang đồng thời cắt giảm các phần thưởng và trợ cấp, đồng thời các chương trình khuyến mãi "khủng" tại Ấn Độ cũng ngày một thưa thớt hơn, đó chính là dấu hiệu rõ ràng nhất về một "thỏa thuận hòa bình" giữa hai kỳ phùng địch thủ này.

Uber hiện đang "đốt" ít nhất từ 22 tới 25 triệu USD mỗi tháng để duy trì hoạt động của mình tại Ấn Độ, một con số tuy không lớn bằng chi phí hoạt động tại Trung Quốc và Đông Nam Á của gã khổng lồ này, nhưng đó là một chi phí quá lớn để các nhà đầu tư chấp nhận được. Và cũng nên nhớ là, Trung Quốc và Đông Nam Á đều là thị trường mà Uber đã phải chịu thua một cách đau đớn cách đây không lâu.

Theo Lê Thanh Sang

Trí thức trẻ

Trở lên trên