MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không phải lần đầu một hãng hàng không Việt Nam bị rút giấy phép vì không chịu bay, có hãng còn mất hơn 10 năm!

Không phải lần đầu một hãng hàng không Việt Nam bị rút giấy phép vì không chịu bay, có hãng còn mất hơn 10 năm!

Không chỉ có Globaltrans Air, hàng loạt hãng hàng không Việt Nam cũng từng bị thu hồi giấy phép bay trong quá khứ. Thậm chí, có hãng sau 10 năm được cấp phép, vẫn chưa có hoạt động khai thác nào, chưa được cấp chứng chỉ nhà khai thác tàu bay.

Ngày 18/8/2021, Bộ Giao thông vận tải ký quyết định hủy bỏ giấy phép kinh doanh hàng không chung số 1/2018 của Công ty Cổ phần dịch vụ Globaltrans Air. Theo quyết định, doanh nghiệp này có trách nhiệm giải quyết các hợp đồng vận chuyển, các nghĩa vụ về tài chính liên quan đến kinh doanh hàng không chung theo quy định của pháp luật.

Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải hủy bỏ giấy phép kinh doanh hàng không chung của Globaltrans Air, do đã quá hạn cấp giấy chứng nhận người khai thác tàu bay.

Globaltrans Air được cấp giấy phép kinh doanh hàng không chung ngày 17/4/2018. Song, đến nay Globaltrans Air chưa được Cục Hàng không cấp chứng chỉ nhà khai thác tàu bay (AOC). Vì vậy, từ ngày cấp phép đến nay Globaltrans Air chưa có hoạt động bay.

Theo quy định của nghị định 89 về kinh doanh hàng không, giấy phép kinh doanh hàng không chung sẽ bị hủy bỏ nếu không được cấp AOC trong vòng 3 năm kể từ ngày được cấp giấy phép này.

Globaltrans Air có số vốn điều lệ 100 tỷ đồng, trụ sở tại 48-250 Nguyễn Đình Chiểu, phường 6, Quận 3, TP. HCM. Đây là doanh nghiệp 100% vốn trong nước với 4 cổ đông, do ông Nguyễn Trường Giang (nắm 80% vốn điều lệ) là người đại diện pháp luật và Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Thực tế, đây không phải là lần đầu một hãng hàng không Việt đầu tiên bị thu hồi giấy phép bay.

Sau 10 năm được cấp phép nhưng không bay, Blue Sky Air bị "khai tử"

Tháng 10/2020, Bộ Giao thông vận tải cũng ra quyết định hủy bỏ Giấp phép kinh doanh hàng không chung của Cục Hàng không Việt Nam cấp cho Công ty cổ phần hàng không Bầu Trời Xanh (Blue Sky Air).

Không phải lần đầu một hãng hàng không Việt Nam bị rút giấy phép vì không chịu bay, có hãng còn mất hơn 10 năm! - Ảnh 2.

Blue Sky Air đăng ký tham gia thị trường khai thác các loại máy bay như trực thăng, thủy phi cơ và tất cả các loại máy bay cánh bằng khác với đăng ký khai thác hơn 20 tuyến du lịch trong nước.

Tháng 8/2010, Blue Sky Air từng được Cục Hàng không cấp giấy phép hoạt động. Mặc dù vậy, sau 10 năm, Blue Sky Air vẫn chưa có hoạt động khai thác hàng không nên thuộc diện phải hủy bỏ giấy phép theo quy định của pháp luật.

Sau hơn 2 hai năm hoạt động, Air Mekong cũng bị thu hồi giấy phép bay

Đầu năm 2015, Bộ Giao thông vận tải ban hành quyết định hủy bỏ Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không số 06/2008/GPKDVCHK ngày 30/10/2008 cấp cho Công ty cổ phần hàng không Mê Kông (Air Mekong).

Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam có văn bản đề xuất Bộ thu hồi giấy phép của hãng hàng không Air Mekong do hãng này không đủ điều kiện hoạt động hàng không.

Hãng Air Mekong được Bộ Giao thông vận tải cấp giấy phép Kinh doanh vận chuyển hàng không ngày 30/10/2008. Hãng này bắt đầu tổ chức khai thác các chuyến bay thương mại từ tháng 10/2010 và tạm ngừng khai thác từ ngày 1/3/2013, với lý do tái cơ cấu đội tàu bay.

Đến tháng 4/2014, Air Mekong không đủ các điều kiện để duy trì giấy phép kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng không theo quy định.

Indochina Airlines bị thu hồi quyền vận chuyển hàng không

Trước Air Mekong, 2 hãng hàng không tư nhân Indochina Airlines và Trãi Thiên cũng bị Bộ Giao thông - Vận tải rút giấy phép kinh doanh do không đáp ứng được năng lực bay.

Tháng 1/2010, Cục Hàng không Việt Nam đã có quyết định thu hồi quyền vận chuyển hàng không nội địa của Công ty cổ phần hàng không Đông Dương (Indochina Airlines - ICA).

Lý do ICA bị thu hồi quyền vận chuyển (được cấp ngày 4/11/2008) là hãng chưa chứng minh được có đủ số vốn pháp định như thông báo trước đó với Cục Hàng không cũng như chưa có máy bay để hoạt động. Bên cạnh đó, ICA chưa đạt được các thỏa thuận trả nợ với các đối tác.

Hãng hàng không Việt chưa ai biết đã... "khai tử"

Tháng 12/2011, Bộ Giao thông vận tải đã chính thức có công văn hủy bỏ giấy phép kinh doanh của hãng hàng không Trai Thien Air Cargo.

Trai Thien Air Cargo là hãng hàng không thuộc công ty Cổ phần Hàng không Trãi Thiên. Đây là hãng hàng không đầu tiên của Việt Nam chuyên vận chuyển hàng hoá, bưu phẩm, bưu kiện. Trai Thien Air Cargo được thành lập ngày 11/6/2008 theo giấy phép kinh doanh số 4103010581 của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM, với số vốn đăng ký 5 trăm tỷ đồng.

Khi ấy, đại diện Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam đã thông tin, việc huỷ bỏ giấy phép kinh doanh của hãng hàng không này là tất yếu do tất cả văn bản của Cục yêu cầu hãng hàng không này báo cáo về tình hình hoạt động đều không được hồi đáp.

Chưa kịp cất cánh, một hãng đã xin rút lui

Đầu năm 2020, Tập đoàn Vingroup cho biết đã xin rút khỏi lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không. Quyết định được đưa ra sau chưa tới nửa năm tập đoàn công bố những bước đi đầu tiên và cũng chỉ cách gần 7 tháng để Vinpearl Air cất cánh, theo kế hoạch đã đưa ra từ trước.

Đây được đánh giá là một quyết định bất ngờ. Hai tuần trước khi Vingroup tuyên bố rút khỏi lĩnh vực hàng không, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã có báo cáo thẩm định dự án Vinpearl Air gửi Thủ tướng, trong đó, các nội dung chính của dự án được Bộ Giao thông vận tải và Bộ Kế hoạch & Đầu tư đánh giá là "phù hợp với quy hoạch".

Trong khi hầu hết các hãng bay khác dừng bước chủ yếu do việc không tìm được đối tác phù hợp hoặc không được cấp phép.

Nhìn chung, ngành hàng không hai năm qua không chỉ ở Việt Nam, mà trên toàn thế giới cũng đã phải chịu tác động từ những "cú đấm" liên hoàn của đại dịch Covid-19. 

Hiện nay, đường bay quốc tế bị đóng băng, đường bay chở khách nội địa cũng tê liệt khi hàng loạt tỉnh thành tiến hành giãn cách toàn xã hội. Các hãng Bamboo Airways, Vietjet Airs, Pacific Airlines đã tạm dừng khai thác các chuyến bay chở khách thường lệ. Chỉ còn Vietnam Airlines, Vasco khai thác một số đường bay.

Anh Vũ

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên