Không phải mục tiêu tiền bạc hay thành công, đây mới là "nỗi ám ảnh" lớn nhất của những tỷ phú tự thân
Những tỷ phú tự thân đều bị ám ảnh bởi một điều khiến chúng ta ngạc nhiên. Đó không phải tiền bạc, danh vọng hay sự cạnh tranh. Cũng không phải sự phát triển doanh nghiệp của họ, mặc dù đó là mục tiêu chính của sự nghiệp.
- 27-03-2017Đây là lý do khiến bất cứ ai đọc xong cũng muốn trở thành nhân viên của huyền thoại truyền hình - David Letterman
- 27-03-2017Làm việc càng ít càng hiệu quả và thành công? Cứ nhìn Charles Darwin thì biết
Công việc cho tôi cơ hội làm việc và tìm hiểu một số doanh nhân trên thế giới, bao gồm cả các tỷ phú tự thân. Tôi nhận ra rằng, hầu hết họ vừa được đánh giá rất cao vừa rất dễ bị hiểu lầm. Họ luôn xuất hiện với sự bảo vệ nghiêm ngặt và giữ khoảng cách nhất định với mọi người.
Thực tế, khi nghiên cứu cuộc sống của những tỷ phú tự thân, mỗi người đều có một câu chuyện thành công khác nhau. Nhưng tất cả đều có chung một nỗi ám ảnh về Áp Lực và Phiền Nhiễu. Họ đều có mong muốn mãnh liệt để giảm đi nỗi ám ảnh này.
Và mỗi người lại lựa chọn một phương pháp khác nhau, như dưới đây:
Kiểm soát cuộc sống của bản thân
Tôi đã vinh dự làm việc trực tiếp với Dave Liniger - CEO, Chủ tịch hội đồng quản trị và người sáng lập RE/MAX. Ông là một tỷ phú tự thân, đồng thời là một lãnh đạo có khả năng chỉ huy đám đông để tận dụng tối đa nguồn lực xung quanh. Khi trò chuyện với ông tôi nhận ra, ông kiểm soát rất kỹ những thông tin mà ông tiếp cận hàng ngày.
Khi di chuyển bằng ô tô, ông hạn chế nghe tin tức vì thói quen này giúp giảm áp lực và sự nhiễu thông tin trong quá trình giao dịch hàng ngày. Dave thậm chí khuyến khích những người làm việc cùng ông tránh nghe tin tức trong xe ô tô bởi nó quá tiêu cực và gây mất tập trung.
Nỗi ám ảnh này cũng được thể hiện trong ví dụ về việc kiểm soát môi trường xung quanh. Bill Gates rất tập trung vào môi trường và nước sạch, còn Mark Zuckerberg thì từng chỉ ăn những thứ anh tự tay "chế biến" trong suốt một năm.
Lựa chọn cuộc sống cô lập
Hầu hết các nhà tỷ phú tự thân đều có xu hướng sống cuộc sống cô lập với thế giới. Mark Zuckerberg đã bỏ tiền mua toàn bộ khu vực xung quanh nơi anh sống để tăng cường an ninh, Richard Branson mua đảo Necker để tạo không gian nghỉ dưỡng sang trọng và tách biệt với thế giới ngày càng phức tạp.
Warren Buffett từng dành 80% thời gian một ngày để đọc sách và suy ngẫm trong phòng riêng.
Warren Buffett chia sẻ, ông từng dành 80% thời gian một ngày để đọc sách trong phòng, không tham gia họp hành hay xây dựng chiến lược đầu tư. Ông coi đó là một điều "cô độc" cần thiết để thu thập thông tin và dữ liệu để đưa ra các quyết định quan trọng. Sự yên tĩnh và tách biệt thế giới giúp ông tập trung thu thập thông tin mà không phải chịu đựng áp lực hay tiếng ồn từ bên ngoài.
Đơn giản hóa mọi thứ để không bị phân tâm
Các tỷ phú tự lập thường đối mặt với sự căng thẳng rất lớn, nhất là khi họ phải đưa ra quyết định có ảnh hưởng đến doanh nghiệp, xu hướng, thị trường, thậm chí là nền kinh tế toàn cầu. Vì vậy, không ngạc nhiên khi họ cố gắng hạn chế và đơn giản hóa những nhu cầu hàng ngày của cuộc sống.
Steve Jobs thường xuyên mặc áo màu đen và quần jeans. Mark Zuckerberg chỉ mặc áo thun xám và áo khoác hàng ngày. Những người vĩ đại như Albert Einstein đến Barack Obama cũng thường xuyên mặc trang phục giống nhau mỗi ngày. Đối với họ, việc lựa chọn trang phục hàng ngày tốn quá nhiều thời gian và không cần thiết.
Warren Buffett thậm chí còn không sử dụng máy tính trên bàn làm việc, không dùng điện thoại thông minh. Phương tiện liên lạc ông dùng là một chiếc điện thoại nắp gập với chức năng đơn giản.
Làm việc với những người thành công nhất trên thế giới giúp tôi nhận ra nỗi ám ảnh về Áp Lực và Sự Phiền Nhiễu không chỉ đúng với các tỷ phú tự lập, mà nó đúng với hầu hết những người thành công.
Khi có cơ hội tiếp xúc với Marcus Lemonis, người được coi là "lợi nhuận" của CNBC, tôi nhận thấy cách tiếp cận độc đáo và hiệu quả của Lemonis để đối phó với áp lực và sự phiền nhiễu. Anh bị ám ảnh bởi tính minh bạch và có xu hướng luôn chia sẻ câu chuyện cá nhân với đối tác kinh doanh. Với hầu hết những người chuẩn bị hợp tác, Lemonis thiết lập mối quan hệ minh bạch ngay từ đầu bằng cách chia sẻ việc anh là trẻ mồ côi, được nhận nuôi, từng bị làm dụng tình dục khi còn nhỏ và nỗi sợ lớn nhất của anh là chết đi trong cô độc. Thông thường, mọi người không nhắc đến những vấn đề cá nhân của bản thân. Lemonis giải thích rằng, anh muốn đối tác biết anh là ai và loại bỏ những phiền nhiễu trong trường hợp đối tác bận tâm đến quá khứ của anh và làm ảnh hưởng đến mối quan hệ làm ăn.
Những tỷ phú tự thân luôn phải vận động không ngừng để loại bỏ áp lực và sự phiền nhiễu trong cuộc sống của họ. Họ cố gắng tự làm mọi thứ theo cách riêng của mình. Bằng cách này, họ tránh được những điều phiền nhiễu trong cuộc sống và có thể tập trung toàn bộ tâm trí cho mục tiêu lớn nhất. Mỗi doanh nhân càng có khả năng loại bỏ áp lực và sự phiền nhiễu thực sự trong cuộc sống thì càng thành công. Đó là chiến lược chung của họ, cho dù mỗi người lựa chọn một con đường khác nhau để đi tới đỉnh vinh quang.