Không phải Mỹ, hai quốc gia châu Á này là những nước có mật độ robot trên công nhân cao nhất thế giới
Rô bốt công nghiệp không còn là đặc sản của một vài doanh nghiệp. Và hiện nay, rô bốt không còn trong tư thế chuẩn bị, mà đã thực sự tham gia vào quá trình sản xuất.
- 26-04-2018Amazon bí mật tạo ra những con robot phục vụ trong từng gia đình
- 18-04-2018Tesla nếm trái đắng vì coi thường con người, dây chuyền lắp ráp Model 3 đình trệ vì robot
- 09-11-2017TGĐ Vingroup nói về chuyện robot cướp việc làm của con người ở APEC: "Có một số sản phẩm chỉ có thể làm bằng tay, ví dụ như chiếc áo dài tôi đang mặc"
- 31-10-2017Vừa nhận quyền công dân, nữ robot Sophia đã phạm pháp!
Từ năm 2015 đến năm 2016, trung bình số lượng công nhân rô bốt trên toàn cầu đã tăng từ 66 lên 74 đơn vị trên 10.000 người lao động.
Theo dữ liệu của Liên hiệp Rô bốt Quốc tế (IFR) về số lượng rô bốt công nghiệp được lắp đặt trong ngành công nghiệp sản xuất toàn cầu vào năm 2016, con số này vẫn đang tăng lên.
Hàn Quốc sở hữu 631 rô bốt trên 10.000 người lao động - mật độ cao nhất thế giới. Nguyên nhân đằng sau tình hình này là việc lắp đặt một lượng lớn rô bốt đặc biệt là trong các ngành điện/ điện tử và ô tô.
Theo sát là Singapore với 488 rô bốt được lắp đặt trên 10.000 người lao động. Theo IFR, khoảng 90% số lượng rô bốt được lắp đặt trong ngành điện tử tại quốc gia này.
Đức là quốc gia có quy mô tự động hoá lớn nhất tại châu Âu và đứng thứ ba thế giới với mật độ 309 rô bốt trên 10.000 người lao động. Theo IFR, Đức cũng chiếm 41% tổng sản lượng rô bốt tại châu Âu vào năm 2016 với nguồn cung dự tính tăng thêm 5% từ năm 2018 đến 2020.
So sánh giữa các lục địa
Nhiều quốc gia châu Âu cũng có nhiều lao động rô bốt hơn số lượng trung bình toàn cầu. Mật độ rô bốt tại Thuỵ Điển, Đan Mạch, Ý và Bỉ lần lượt là 223, 221, 185 và 184.
Tuy nhiên, trong G7, Anh là nền kinh tế duy nhất có mật độ rô bốt thấp hơn (71/10.000) so với mật độ trung bình toàn bầu trong năm 2016. Theo IFR, tại Anh, ngành công nghiệp rất cần đầu tư để hiện đại hoá và tăng năng suất. Tỉ lệ rô bốt thấp là biểu hiện của tình trạng này.
Tại đông Âu, Slovenia (137 đơn vị) và Slovakia (135 đơn vị), mật độ rô bốt đang tăng lên. Tại Cộng Hoà Séc với mật độ 101 rô bốt/10.000 người lao động, ngành công nghiệp tăng trưởng nhanh đồng nghĩa với việc các chủ nhà máy dần chuyển sang sử dụng máy móc.
Trong cuộc phỏng vấn với The New York Times, Zbynek Frolik, chủ sở hữu công ty Linet sản xuất giường bệnh hiện đại nhất hiện nay, cho biết công ty gặp khó khăn trong việc tuyển dụng đủ người lao động. Ông cho biết: "Chúng tôi cố gắng thay thế người bằng máy móc ở bất cứ công đoạn nào có thể."
Thêm vào đó, báo cáo do các cố vấn quản lý toàn cầu của McKinsey thực hiện dự đoán trên một phần năm lực lượng lao động toàn cầu, tương đương 800 triệu người lao động, có thể mất việc do quá trình tự động hoá.
Trên đây đều là các ví dụ cực đoan cho thấy mối lo ngại của người lao động trước quá trình tự động hoá tiên tiến, tuy nhiên, số lượng rô bốt chỉ có thể tăng trong một vài năm tới.
Bắc Mỹ
Tại Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, mật độ rô bốt đã tăng vọt lên 189 đơn vị trên 10.000 người lao động vào năm 2016.
Theo IFR, động cơ tăng trưởng chính là xu hướng tự động hoá trong sản xuất nhằm củng cố các ngành công nghiệp Mỹ trên thị trường thế giới và bảo đảm giữ chân sản xuất trong nước.
Ở phía nam biên giới, Mexico được coi là một trung tâm sản xuất tự động hoá. Tuy nhiên, do quốc gia này chủ yếu xuất khẩu rô bốt sang Mỹ, nên mật độ rô bốt của Mexico chỉ là 33 đơn vị trên 10.000 người lao động.
Châu Á
Ngoài Hàn Quốc và Singapore dẫn đầu về mật độ lắp đặt rô bốt toàn cầu và tại thị trường châu Á, thì số lượng công nhân rô bốt của Trung Quốc cũng tăng đáng kể. Mặc dù mật độ rô bốt vào năm 2016 chỉ là 68 đơn vị trên 10.000 người lao động, nhưng con số này đã cao gần gấp ba lần so với ba năm trước (25 đơn vị/10.000 người).
Chính phủ Trung Quốc dự định tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng này với cam kết đột phá vào top 10 quốc gia tự động hoá sâu rộng trên toàn thế giới vào năm 2020. Theo IFR, vào thời điểm đó, mật độ rô bốt của Trung Quốc sẽ đạt 150 đơn vị. Thêm vào đó, mục tiêu của Trung Quốc là bán ra tổng cộng 100.000 rô bốt sản xuất nội địa vào năm 2020.
Junji Tsuda, chủ tịch của IFR, cho biết: "Mật độ rô bốt là một tiêu chuẩn so sánh tuyệt vời khi xem xét sự khác biệt về mức độ tự động hoá trong ngành công nghiệp sản xuất giữa các nước. Với số lượng rô bốt lắp đặt lớn trong những năm gần đây, châu Á là khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất. Trong giai đoạn 2010-2016, tốc độ tăng trưởng mật độ rô bốt trung bình hàng năm tại châu Á là 9%, của châu Mĩ là 7% và của châu Âu là 5%.