MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không phải nói phá sản là phá sản ngay

01-04-2017 - 10:55 AM | Tài chính - ngân hàng

Vấn đề cho phá sản ngân hàng được nêu cụ thể trong dự thảo Luật Hỗ trợ tái cơ cấu TCTD và xử lý nợ xấu.

Phá sản ngân hàng là bước đường cùng

Đó là ý kiến của các chuyên gia tài chính - ngân hàng khi đề cập đến nội dung trong dự thảo Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD) và xử lý nợ xấu (XLNX). Hai vấn đề luôn được xem là khá quan trọng của ngành Ngân hàng sẽ được “luật hóa”, khi Dự thảo Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD và XLNX đang được NHNN Việt Nam (cơ quan soạn thảo) lấy ý kiến đóng góp.

Theo đánh giá của các nhà khoa học, các chuyên gia tài chính - ngân hàng, các luật sư thì việc ban hành luật này sẽ là bước đột phá và “chốt” lại sau hàng loạt phương án được đưa ra trước đây như: Ban hành nghị quyết về XLNX, xây dựng một luật để sửa nhiều luật hay ban hành riêng một đạo luật cho vấn đề tái cơ cấu các TCTD và XLNX.

Thu giữ TSBĐ là bất động sản sẽ được thực hiện nghiêm minh theo luật

Mặc dù được xây dựng khá khẩn trương nhưng về cơ bản, các chuyên gia cho rằng, dự thảo luật vừa được NHNN đưa ra đã phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội của Việt Nam nhưng cũng đảm bảo gần gũi với thông lệ, chuẩn mực quốc tế, nhất là với nội dung tái cơ cấu các TCTD có thể cho phá sản ngân hàng - vấn đề khá nhạy cảm ở nước ta.

Theo dự thảo luật, NHNN xem xét, quyết định đặt TCTD vào tình trạng kiểm soát đặc biệt khi TCTD lâm vào một trong các trường hợp: Mất khả năng thanh toán; Có nguy cơ mất khả năng chi trả; Có nguy cơ mất khả năng thanh toán…

Ngoài ra, khi TCTD hai năm liên tục bị xếp loại ở mức xếp loại thấp nhất theo quy định của NHNN; Không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định của NHNN trong thời hạn 1 năm liên tục hoặc tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu thấp hơn 4% trong thời hạn 6 tháng liên tục... cũng sẽ được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.

TCTD này sẽ được vay đặc biệt của NHNN, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng Hợp tác xã và các TCTD khác để hỗ trợ thanh khoản khi TCTD lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống; để hỗ trợ phục hồi hoặc xử lý pháp nhân theo phương án phục hồi, phương án phá sản, phương án mua bắt buộc đã được phê duyệt.

Sau khi hoàn thành việc đánh giá thực trạng tổng thể của TCTD yếu kém, Ban Kiểm soát đặc biệt (do NHNN thành lập để để kiểm soát hoạt động của TCTD yếu kém) sẽ đề xuất với NHNN chủ trương xử lý TCTD yếu kém.

Đối với TCTD thuộc diện phục hồi, khi hết thời hạn thực hiện phương án phục hồi mà TCTD được kiểm soát đặc biệt không phục hồi theo các tiêu chí nêu tại phương án đã được phê duyệt; hoặc NHNN xét thấy TCTD được kiểm soát đặc biệt không có khả năng phục hồi theo Phương án phục hồi đã được phê duyệt thì NHNN quyết định hoặc trình Chính phủ quyết định việc thực hiện phương án phá sản, giải thể hoặc mua bắt buộc theo quy định.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính – ngân hàng, tiến trình cho phá sản TCTD như dự thảo luật là rất phù hợp, tức là không đe dọa phá sản ngay mà đưa TCTD yếu kém vào diện kiểm soát đặc biệt và bắt đầu tiến trình tái cơ cấu để hỗ trợ các TCTD này phục hồi... “Cuối cùng chỉ đến khi TCTD đó không phục hồi được thì mới đi đến vấn đề loại khỏi thị trường”, ông Hiếu đồng tình và cho rằng, đây là tiến trình dài nhưng đúng với thông lệ quốc tế.

Một trong những quy định đáng chú ý tại dự thảo là khi TCTD có tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu thấp hơn 4% trong thời hạn 6 tháng liên tục cũng sẽ được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Các chuyên gia cho biết, ở các nước tỷ lệ an toàn vốn mà xuống tới mức từ 5% - 8% là các cơ quan quản lý cảnh báo và yêu cầu bổ sung vốn; từ 3% trở xuống thì họ có thể bắt NH đóng cửa hoặc cho phương án sáp nhập, thanh lý tài sản NH. TS. Nguyễn Trí Hiếu góp ý, chúng ta cũng nên có một quy trình tương tự như vậy, vì vốn của NH, tỷ lệ an toàn vốn là vấn đề cốt lõi đối với hoạt động và sự tồn tại của một NH.

Cho rằng “phá sản ngân hàng là bước đường cùng” - TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia chia sẻ và ông ví von: Ngân hàng yếu kém cũng giống cơ thể của người bị ung thư giai đoạn cuối, sống dở, chết dở, mặc dù đã được điều trị nhưng rất khó kéo dài sự sống.

Phá sản ngân hàng là cực chẳng đã, nhưng nguyên tắc phá sản là phải đảm bảo quyền lợi người gửi tiền, đảm bảo không đổ vỡ hệ thống, rủi ro lan truyền. Nguyên tắc nữa là phải ứng xử hành động nhanh, nhất là sự phối kết hợp giữa các bên liên quan. Theo TS. Cấn Văn Lực, những nội dung này sẽ phải đưa vào trong nghị định hướng dẫn sau khi luật này được thông qua. Cơ quan nào đề xuất ngân hàng phá sản, cơ quan nào phê duyệt thì phải có đề án, phương án, có kịch bản cho trường hợp xấu nhất. Nói chung để phá sản một ngân hàng còn qua nhiều bước, cẩn trọng và tính toán kỹ lưỡng chứ không phải nói phá sản là phá sản ngay.

Quyền thu giữ TSBĐ

Ngoài ra, dự thảo Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD và XLNX cũng đưa ra nhiều nội dung liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) của TCTD mà thời gian qua các TCTD và Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) đã gặp vướng mắc trong quá trình XLXN.

Dự thảo luật nhấn mạnh đến vấn đề quyền thu giữ TSBĐ; thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến TSBĐ đã đăng ký giao dịch bảo đảm. Theo đó, TCTD hoặc VAMC có quyền thu giữ TSBĐ nếu sau 10 ngày kể từ ngày phải giao TSBĐ để xử lý theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo đảm mà bên bảo đảm, bên cầm giữ tài sản không giao TSBĐ cho TCTD, VAMC để xử lý.

Đặc biệt, khi thực hiện thu giữ TSBĐ là động sản mà bên bảo đảm có mặt tại thời điểm thu giữ TSBĐ, nhưng có hành vi chống đối, cản trở, không giao TSBĐ thì người xử lý TSBĐ có quyền yêu cầu cơ quan công an và ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có TSBĐ hỗ trợ thu giữ TSBĐ.

Theo ông Nguyễn Ngọc Phương - Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, tình hình XLNX thời gian qua gặp rất nhiều vướng mắc, nhất là việc xử lý TSBĐ của khách hàng. “Nợ xấu đang khiến ngân hàng khó giảm lãi suất, ảnh hưởng tới nền kinh tế, nên dự thảo Luật Hỗ trợ trợ tái cơ cấu các TCTD và XLNX là rất cấp bách. Quốc hội thông qua được luật này càng sớm càng tốt” - đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương nhấn mạnh.

Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, nếu dự thảo luật này sớm được thông qua và xử lý những vấn đề bất cập, còn chồng chéo trong vấn đề xử lý TSBĐ thì chỉ trong khoảng thời gian 6 tháng đến 1 năm, hệ thống ngân hàng có thể xử lý được 150 nghìn tỷ đồng nợ xấu và sẽ rất tốt cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội và các chuyên gia cũng lưu ý, vấn đề xây dựng luật và thi hành Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD và XLNX cần đặt trên nguyên tắc, dù theo phương án nào thì vẫn phải đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính - ngân hàng, đảm bảo quyền lợi người gửi tiền.

Theo Đức Nghiêm

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên