MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không phải Quảng Ninh hay Hải Phòng, một tỉnh miền Tây 14 năm liên tiếp luôn nằm trong top 5 địa phương có năng lực cạnh tranh cao nhất cả nước

Không phải Quảng Ninh hay Hải Phòng, một tỉnh miền Tây 14 năm liên tiếp luôn nằm trong top 5 địa phương có năng lực cạnh tranh cao nhất cả nước

Theo Báo cáo PCI 2021 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 của Đồng Tháp xếp thứ 3 cả nước và tiếp tục đứng đầu các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (viết tắt: PCI) là chỉ số đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành của Việt Nam về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp dân doanh.

Kết quả PCI 2021, Quảng Ninh tiếp tục xác lập vững chắc ngôi vị quán quân bảng xếp hạng trong 5 năm liên tiếp với điểm số PCI đạt 73,02 điểm. Xếp vị trí thứ 2 là Hải Phòng với 70,81 điểm.

Với 70,53 điểm, tỉnh Đồng Tháp xếp vị trí thứ 3 Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2021. Đây cũng là cột mốc ghi dấu 14 năm liên tiếp Đồng Tháp vinh dự được xếp trong nhóm 5 tỉnh, thành phố đứng đầu PCI toàn quốc. 

Các tỉnh tiếp theo trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu PCI 2021 là Đà Nẵng (70,42 điểm), Vĩnh Phúc (69,69 điểm), Bình Dương (69,61 điểm), Bắc Ninh (69,45 điểm), Thừa Thiên Huế (69,24 điểm), Bà rịa Vũng Tàu (69,03 điểm) và Hà Nội (68,60 điểm).

So với PCI 2020 (72,81 điểm), PCI 2021 của Đồng Tháp giảm 2,28 điểm (70,53 điểm) và giảm 1 hạng. 

Phân tích sâu chỉ số này cho thấy, trong 10 chỉ số thành phần được sử dụng làm thước đo đánh giá PCI, Đồng Tháp có 03 chỉ số thành phần đứng top 5 cả nước là: Gia nhập thị trường, Tính minh bạch, Chi phí không chính thức. 

Đây cũng là 03 chỉ số thành phần tăng điểm so với kết quả của năm 2020. Đặc biệt, Chi phí không chính thức – một yếu tố được đánh giá gắt gao khi cân nhắc lựa chọn địa điểm đầu tư của Đồng Tháp được các doanh nghiệp đánh giá cao và xếp thứ 2 cả nước.

Trong khi đó, Chi phí thời gian, Tính năng động của chính quyền tỉnh, Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự... là những chỉ số thành phần sụt giảm điểm nhiều và cần được cải thiện trong thời gian tới.

Không phải Quảng Ninh hay Hải Phòng, một tỉnh miền Tây 14 năm liên tiếp luôn nằm trong top 5 địa phương có năng lực cạnh tranh cao nhất cả nước - Ảnh 1.

Kết quả chi tiết 10 thành phần PCI của tỉnh Đồng Tháp

Theo Báo cáo PCI 2021, tính từ năm 2008 đến 2021, tỉnh Đồng Tháp đã có 14 năm liên tiếp nằm trong nhóm 5 tỉnh có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước. Được biết đến với sáng kiến "Cà phê doanh nhân" bắt đầu từ năm 2016, Đồng Tháp hiện nay còn mở rộng thêm nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp và nâng cao năng lực quản trị của các hộ kinh doanh.

Báo cáo PCI 2021 nhận xét, tỉnh Đồng Tháp cũng khuyến khích thành lập các hội quán và các hợp tác xã nhằm tăng cường kết nối giữa những cá nhân và các cơ sở sản xuất kinh doanh, qua đó cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ nhau lớn mạnh hơn trong hoạt động kinh doanh.

Đồng Tháp là đại diện duy nhất của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có mặt trong top 10 PCI 2021 của cả nước. Cho đến thời điểm này, Đồng Tháp là tỉnh có thời gian nằm trong top 5 tỉnh/thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước lâu nhất của Việt Nam.

Theo bảng xếp hạng PCI, tỉnh Đồng Tháp liên tục nằm ở top 5 trong vòng 14 năm (từ năm 2008 - 2021) và duy trì thứ hạng trong top 3 trong 8 năm (từ năm 2014 - 2021).

Không phải Quảng Ninh hay Hải Phòng, một tỉnh miền Tây 14 năm liên tiếp luôn nằm trong top 5 địa phương có năng lực cạnh tranh cao nhất cả nước - Ảnh 2.

Trong năm 2021, tỉnh Đồng Tháp có 20 dự án được chấp thuận chủ trương/cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký 3.345 tỷ đồng, trong đó có 3 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 858 tỷ đồng. 

Ngoài ra, Đồng Tháp chú trọng đầu tư các công trình trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế và an sinh, nhất là giao thông kết nối; hoàn thành dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự; đường Sở Tư pháp kết nối đường Tân Việt Hòa; dự án đường ĐT.849 (giai đoạn 1) đoạn từ ĐT.848 đến Quốc lộ 80..

Đặc biệt trong năm 2022, tỉnh Đồng Tháp cũng đang đẩy nhanh Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là hơn 6.000 tỷ đồng bao gồm chi phí xây dựng và thiết bị là hơn 4.000 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư dự kiến khoảng 856 tỷ đồng.

Nếu được phê duyệt, dự án sẽ thực hiện từ năm 2022-2026, trong đó bước chuẩn bị dự án được triển khai trong năm 2022; giải phóng mặt bằng, tái định cư trong năm 2022-2023 cơ bản đạt 90%-95%; thi công xây dựng công trình từ năm 2023 và cơ bản hoàn thành năm 2025; hoàn thành dự án, đưa vào sử dụng từ năm 2026.

https://cafef.vn/khong-phai-quang-ninh-hay-hai-phong-mot-tinh-mien-tay-14-nam-lien-tiep-luon-nam-trong-top-5-dia-phuong-co-nang-luc-canh-tranh-cao-nhat-ca-nuoc-20220512114811568.chn

Anh Tuấn

Tổ Quốc

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên