Không phải thành tích học tập, đây mới là việc có thể quyết định thành bại cả đời con trẻ
Nhiều bậc cha mẹ hiện nay đang quá chú trọng đến thành tích học tập của con mà quên mất một việc có tầm quan trọng hơn rất nhiều.
- 26-08-2019Không phải đòn roi, đây mới là những bài học đúng đắn mà cha mẹ thông thái nên khuyên răn mỗi khi con mắc lỗi
- 25-08-2019Cha mẹ Việt dạy con điều hay lẽ phải nhưng khi ra đường lại hay khôn vặt, lách luật trước mặt chính con của mình
- 25-08-2019Bi kịch xã hội hiện đại Trung Quốc: Cha mẹ về già bị con cái bỏ rơi, sống cô quạnh, không một lời hỏi thăm, chết không ai biết
Coi trọng thành tích học tập, vô tình xem nhẹ giáo dục, tu dưỡng nhân cách
Trong cuốn "Sự tu dưỡng của người Trung Quốc", tác giả Thái Nguyên Bồi nói rằng: Quyết định một đời đứa trẻ không phải là thành tích học tập mà là sự tu dưỡng nhân cách một cách kiện toàn.
Ông cho rằng một đứa trẻ, về mặt nhân cách phải được phát triển hài hòa bình thường, các yếu tố tâm sinh lý, đạo đức, xã hội cũng bắt buộc phải thống nhất, cân bằng, như thế mới không bị "khiếm khuyết" về mặt lý tưởng.
Tuy nhiên, trong suy nghĩ của nhiều bậc phụ huynh Trung Quốc hiện nay, thành tích học tập đang trở thành tất cả với trẻ nhỏ, giống như tấm kim bài miễn tử vậy.
Con của một gia đình nọ vừa mới học trung học phổ thông đã theo nhóm anh chị xã hội học hút thuốc, uống rượu.
Bạn bè khuyên bố mẹ cậu ta nên quản giáo con chặt hơn, nào ngờ họ nói: "Thành tích học tập của nó tốt rồi, thi lần nào điểm cũng thuộc nhóm 3 người cao nhất lớp, thi thoảng thả lỏng một chút chúng tôi cũng không dám quản chặt."
Rồi cuối cùng một ngày, đứa trẻ nó vì thường xuyên đến những tụ điểm ăn chơi nên nghiện hút, bị đưa vào trại giáo dưỡng.
Nhiều bậc cha mẹ ở Trung Quốc hiện đều như vậy, chỉ cần nói đến giáo dục đều không quên nhắc đến thành tích của con.
Khi trẻ mới lên hai, lên ba tuổi, bố mẹ đã bắt đầu cho trẻ đọc thơ Đường, bốn, năm tuổi cho học tiếng Anh, lên tiểu học thì tìm gia sư, lớn hơn chút nữa thì giúp con tìm các lớp học thêm.
Không chỉ có vậy, nhiều bậc phụ huynh còn yêu cầu con luôn phải đứng đầu lớp về thành tích, phải thi vào trường điểm, chỉ có như thế mới là "đứa trẻ ngoan", mới có "tương lai tốt"...
Ảnh minh họa.
Nhưng cái giá phải trả cho việc này là gì? Tính cách trẻ sẽ trở nên lạnh lùng ích kỷ, dễ nổi nóng, sống thiếu trách nhiệm, không hiểu chuyện, sống như người giời, thiếu thực tế, thiếu tu dưỡng nhân cách.
Một ngày nào đó, nếu một sự việc nào đó động chạm đến chỗ đau của trẻ, rất có thể sẽ xuất hiện một hậu quả khó lường.
Người Trung Quốc hẳn chưa thể quên được vụ án của Mã Gia Tước – một sinh viên ngành Hóa của trường Đại học Phúc Đán ra tay đầu độc, giết hại bạn cùng phòng hay vụ án giết người ở trường Đại học Y Phương Nam, trong những vụ việc này, làm gì có đứa trẻ nào không có thành tích học tập tốt?
Nhưng thành tích của chúng có tốt đến đâu, khi chúng làm ra những việc trời không dung đất không tha thì việc đánh giá nhìn nhận lại thành tích học tập của chúng, nào có ích gì.
Trong xã hội, tiêu chuẩn cuối cùng để kiểm nghiệm một con người, từ trước đến giờ chưa bao giờ là điểm số và sự xếp hạng trong nhà trường.
Du Mẫn Hồng - người sáng lập và chủ tịch của New Oriental Education & Technology Group Inc nói: "Có giáo dục tốt nhân phẩm và đạo đức của con cái hay không, đó mới là chìa khóa quyết định đến thành công một đời đứa trẻ."
Khi một đứa trẻ bị thiếu hụt nghiêm trọng về mặt tu dưỡng nhân cách, thì vẻ ngoài dù có đẹp đến đâu, tâm hồn cũng vẫn bị méo mó.
Ảnh minh họa.
Câu chuyện đau lòng
Cậu chuyện dưới đây là một minh chứng cho điều này.
Một gia đình nọ năm đời đều làm nông nghiệp, khó khăn lắm mới có một đứa con thi đỗ đại học. Điều này khiến họ tự hào, cảm thấy được mở mày mở mặt với xóm làng.
Chỉ có điều sau khi con trai vào đại học, người cha ngoài 60 tuổi mới đột nhiên phát hiện ra rằng, tất cả những gì đang diễn ra đều không như ông tưởng tượng.
Cả một học kỳ, con trai gọi điện về nhà đúng 3 lần, mà lần nào nội dung cũng rất đơn giản, đó là xin tiền.
Để con trai yên tâm học hành, người cha ngoài 60 tuổi ấy làm thuê đủ việc còn người mẹ thì cả ngày đi trông trẻ thuê, thù lao cũng chỉ được 5 đồng một ngày.
Ảnh minh họa.
Cho đến một ngày mùa đông, con trai họ liên tục gọi điện về nhà, lần nào cũng vừa mở miệng ra đã đòi năm, sáu ngàn nhân dân tệ.
Người cha già không đủ sức gánh vác, lúc này mới cảm thấy khó hiểu, sao học đại học lại tốn kém thế, tiền tiêu mỗi lúc một nhiều.
Về sau, nhờ người nghe ngóng tin tức, ông mới biết con trai mình ở trường học có người yêu, động tí là quà cáp, ăn uống, thậm chí là vào những nhà hàng sang trọng và còn ra vào cả nhà nghỉ… cuộc sống rất thoải mái, vui vẻ.
Điều khiến họ đau đớn hơn cả là khi về nhà, con trai họ lấy giấy thông báo đóng tiền học ra đưa cho bố mẹ sau khi đã sửa số tiền trên đó, hòng lấy thêm tiền từ bố mẹ.
Đối diện sự thật tàn khốc này, người cha khổ sở thốt lên: "Con trai tôi, trước đây học hành thành tích tốt là thế, tại sao lên đại học, một chút lương tâm cũng không học được?"
Lời bình
Nhà giáo dục nổi tiếng người Mỹ Dale Carnegie từng tiến hành một cuộc điều tra rộng rãi với đối tượng điều tra là những người nổi tiếng trong các giới và phát hiện ra một kết quả tương đồng:
Người thành công chỉ có 15% là dựa vào các kỹ năng nghề nghiệp ưu việt, 85 % là dựa vào sự tu dưỡng nhân cách đạt tới đỉnh cao.
Nếu coi trẻ con là một cái cây, nhân cách phẩm chất kiện toàn sẽ là bộ rễ vùi sâu dưới đất. Chỉ khi có một bộ rễ chắc chắn, cây mới có thể trưởng thành tươi tốt, ra hoa kết trái. Còn thành tích học tập chẳng qua chỉ là một trái cây mà thôi, không thể đại diện cho toàn bộ.
Nếu rễ cây thối hỏng, vậy thử hỏi cái cây đó sẽ sống được bao lâu?
Trí thức trẻ