MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không phải tranh gốc nhưng có hàng nghìn USD chưa chắc đã mua được "Nàng Mona Lisa" này: "Bản sao" các kiệt tác hội họa có gì hay mà ai cũng thi nhau đấu giá?

26-02-2020 - 20:06 PM | Sống

Dưới con mắt của những người bình thường, bức tranh “Nàng Mona Lisa” được đấu giá tại Sotheby vào đầu tháng 2 vừa qua trông chẳng khác gì bản đang nằm tại bảo tàng Louvre.

Hai cây cột bên rìa bức vẽ là một chi tiết rất nhỏ cho thấy đây không phải là bản gốc của danh họa Leonardo da Vinci. Ngoài ra, còn một điểm khác biệt nữa, đó là giá tiền.

Ra đời vào năm 1600 - khoảng 1 thế kỷ sau khi Leonardo da Vinci qua đời, phiên bản “Nàng Mona Lisa” được hy vọng sẽ bán với giá từ 60.000-80.000 USD. Đặc biệt, nhà đấu giá Sotheby's còn giới thiệu cả 6 bản sao tranh khác trong dịp này. 

Chúng đều là bản sao của những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng, bao gồm bức “Medusa” của Caravaggio, bộ ba tranh “Khu vườn lạc thú trần tục” của Hieronymus Bosch. Sotheby's cũng sẽ bán đấu giá bản sao tác phẩm của những danh họa tài hoa bậc nhất thế kỷ 19 ở châu Âu, chẳng hạn như Diego Velásquez hay Correggio.

Không phải tranh gốc nhưng có hàng nghìn USD chưa chắc đã mua được Nàng Mona Lisa này: Bản sao các kiệt tác hội họa có gì hay mà ai cũng thi nhau đấu giá? - Ảnh 1.

Bản sao bức tranh "Khúc khải hoàn của Bacchus" được vẽ vào thế kỷ 19 có giá 10.000 USD tại một buổi đấu giá. (Ảnh: Sotheby's)

Nguồn gốc của những bản sao tranh nổi tiếng

Thông thường trong giới nghệ thuật, việc sao chép tranh là trái phép. Tuy nhiên, theo Christopher Apostle - Phó Chủ tịch và Trưởng bộ phận phụ trách tranh của các danh họa thời xưa, những bản sao này được tạo ra đều vì lý do chính đáng. 

“Về mặt lịch sử, ngày xưa việc sao chép tranh không bị nhìn nhận một cách tiêu cực như sau này”, ông nói. “Chúng ta đều biết rằng nhiều nhà sưu tầm đã thuê một số họa sĩ nhất định nhằm tạo ra bản sao các bức tranh nổi tiếng để đem tặng hoặc treo trong nhà”.

Vào thế kỷ 20, việc sao chép những kiệt tác thuộc thời kỳ Phục hưng hay Baroque cũng là một phương pháp luyện tập hội họa quen thuộc, giúp người học hoàn thiện được kỹ năng đổ màu, đánh bóng và xây dựng kết cấu. Một số bản sao được vẽ bởi chính học trò của chính các nghệ sĩ tạo ra bản gốc. Thỉnh thoảng, họ sẽ được phép sao chép tác phẩm của các bậc thầy hội họa, nhưng chỉ khi có đủ các kỹ năng cần thiết để đảm bảo chất lượng hội họa.

Không phải tranh gốc nhưng có hàng nghìn USD chưa chắc đã mua được Nàng Mona Lisa này: Bản sao các kiệt tác hội họa có gì hay mà ai cũng thi nhau đấu giá? - Ảnh 2.

Bản sao bộ ba tranh “Khu vườn lạc thú trần tục” của Hieronymus Bosch, vẽ vào thế kỷ 19-20. (Ảnh: Sotheby's)

“Bình thường, việc sao chép tranh là cách duy nhất để các họa sĩ truyền bá một tác phẩm thành công và nổi tiếng”, Apostle nói. “Bản thân những họa sĩ này cũng có xưởng vẽ riêng của mình. Nếu họ nghĩ mình có thể trở nên nổi tiếng với một tác phẩm nào đó, họ sẽ để học trò của mình sao chép nó”. 

Rẻ hơn bản gốc nhưng giá vẫn cao "ngất trời"

Mặc dù rẻ hơn bản gốc, những bản sao chép này vẫn có mức giá thuộc hàng “khủng” trên thị trường buôn bán các tác phẩm hội họa. Năm ngoái, nhà đấu giá Sotheby's đã giám sát một buổi bán đấu giá bản sao “Nàng Mona Lisa” với giá 1,7 triệu USD. Nhiều nhà đấu giá tin rằng đây là mức giá kỷ lục cho một bản sao tranh. 

Tuy nhiên, Sotheby's mong rằng giá cả phải chăng của các bản sao sẽ thu hút các nhà sưu tầm mới. Theo ông Apostle, đây là một giải pháp hợp lý trong bối cảnh tranh gốc của các danh họa thời xưa có giá rất cao trên thị trường. Chẳng hạn, một bản sao bức tranh “Khúc khải hoàn của Bacchus” của Velázquez trong thế kỷ 19 có giá ước chừng là 10.000 USD.

Không phải tranh gốc nhưng có hàng nghìn USD chưa chắc đã mua được Nàng Mona Lisa này: Bản sao các kiệt tác hội họa có gì hay mà ai cũng thi nhau đấu giá? - Ảnh 3.

Bản sao bức tranh "Dịch bệnh ở Thành phố Cổ" của Michael Sweerts được vẽ bởi một người thân cận với tác giả bản gốc. (Ảnh: Sotheby's)

“Với việc thị trường được mở rộng toàn cầu và chúng tôi có thêm nhiều khách hàng từ châu Á và các thị trường đang phát triển khác, tôi nghĩ các bản sao tranh này là một bước khởi đầu rất hợp lý”, Apostle cho biết. “Họ có thể mua tranh của Leonardo hay Caravaggio với mức giá dễ chịu hơn bản gốc”.

Đối với những người hoài nghi liệu đây có phải một khoản đầu tư khôn ngoan, chuyên gia tư vấn hội họa Tim Warner-Johnson khuyên họ cần phải phân biệt giữa bản sao của những kiệt tác hội như “Nàng Mona Lisa” với các bức tranh ít tên tuổi hơn.

“Tranh càng nổi tiếng thì càng đáng để mua”, ông cho biết. Warner-Johnson cũng nói thêm, dù là bức tranh nào thì chất lượng và tình trạng bảo quản của tác phẩm là yếu tố chính mà khách hàng nên cân nhắc trước khi quyết định mua.

“Ngoài ra, thời gian thực hiện cũng như cách xử lý tranh cũng là yếu tố cần xem xét. “Ví dụ, nếu đó là một bức tranh của Leonardo, bản sao được vẽ cùng thời với ông ấy là tuyệt nhất, tốt hơn so với việc mua bản sao từ thế kỷ 19”.  

Không phải tranh gốc nhưng có hàng nghìn USD chưa chắc đã mua được Nàng Mona Lisa này: Bản sao các kiệt tác hội họa có gì hay mà ai cũng thi nhau đấu giá? - Ảnh 4.

Sotheby's tin rằng đây là bản sao đúng tỷ lệ duy nhất của tác phẩm "Thánh Jerome ở vùng hoang dã" vẽ bởi Leonardo da Vinci. (Ảnh: Sotheby's)

Có tiền chưa chắc đã mua được tranh sao chép

Từng có thời gian làm việc tại nhà đấu giá Christie's, Warner-Johnson cảnh báo rằng đôi khi sẽ có những vị khách bất ngờ xuất hiện tại buổi đấu giá, khiến giá bị đội lên. Thay vì bổ sung vào bộ sưu tập tranh của các danh họa nổi tiếng hay dùng để đầu tư, những khách hàng tiềm năng này sẽ mua bản sao vì lý do cá nhân.

“Bạn có thể phải cạnh tranh với những người sẵn sàng trả giá một lần để mua đứt tác phẩm mà không nghĩ gì đến chuyện đầu tư”, ông giải thích. “Vì vậy, họ có thể vượt mặt bạn trong buổi đấu giá”.

“Nếu tôi có khách hàng sưu tầm tác phẩm được vẽ bởi học trò của Leonardo da Vinci, tôi sẽ giới thiệu một bản sao tranh của Leonardo để bổ sung vào bộ sưu tập của họ. Tuy nhiên, đối với một bức tranh như ‘Nàng Mona Lisa’, bạn sẽ phải cạnh tranh với những người sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền hơn mức giá mà bạn sẽ tư vấn cho người khác. Họ chỉ đơn giản là muốn sở hữu bằng được bức tranh huyền thoại đấy”.

Không phải tranh gốc nhưng có hàng nghìn USD chưa chắc đã mua được Nàng Mona Lisa này: Bản sao các kiệt tác hội họa có gì hay mà ai cũng thi nhau đấu giá? - Ảnh 5.

Bản sao tác phẩm "Medusa" được ước tính có trị giá từ 70.000-90.000 USD. (Ảnh: Sotheby's)

Dù không phải là một nhà sưu tầm, Apostle cũng treo bản sao tranh của các danh họa nổi tiếng trên tường. Nhiều tuần trước khi diễn ra buổi đấu giá, ông đã treo bức “Medusa” của Caravaggio trong văn phòng.    

“Tôi treo nó ở đó vì muốn dọa người khác”, ông nói đùa. “Bức tranh đó là tuyệt tác. Các bản sao khác cũng vậy. Tôi nghĩ rằng, chúng chính là biểu tượng của văn hóa và tình yêu với các danh họa, giống như trong thế kỷ 16 và 17”.

“Việc bạn có một bức tranh nổi tiếng của Velázquez trên tường sẽ cho thấy bạn đề cao tác phẩm và tư duy hội họa của ông. Vì thế, tôi nghĩ đó cũng là một phần lý do mà các bản sao này được tạo ra”.

“Nếu sở hữu được tranh của Bosch thì rất tuyệt”, ông bổ sung. “Bạn có thể treo trên đầu giường - đó là một tác phẩm vô cùng thú vị”.

Theo CNN

Ngọc Hà

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên