Không phải vàng, đây mới là kim loại quý tăng mạnh nhất từ đầu năm - giá tăng 26% 1 tháng qua, nguồn cung cực thấp
Giá bạc đang tăng nhanh hơn vàng và các chuyên gia nhận định bạc sẽ sớm cán mốc 30 USD/ounce.
Phiên thứ Năm (19/4), giá bạc giao ngay tăng 0,9% lên 28,44 USD/ounce. Trước đó, giá đã đạt 29,79 USD/ounce vào thứ Sáu (12/4), mức cao nhất trong vòng hơn 3 năm, trong đợt tăng giá kéo dài từ đầu tháng 3/2024.
Với thành tích tăng gần 20% từ đầu năm đến nay, trong đó riêng từ đầu tháng 3/2024 tới nay tăng 26%, giá bạc đã tăng vượt trội so với giá vàng.
Giá bạc từ đầu năm đến nay tăng mạnh nhất trong số các kim loại cơ bản.Thị trường dự đoán đà tăng giá bạc vẫn chưa kết thúc, mặc dù giá sẽ có sự điều chỉnh mang tính kỹ thuật, song sẽ tăng trở lại và đạt 30 USD/ounce nhờ hào quang từ giá vàng cao kỷ lục cùng với ảnh hưởng từ việc giá đồng tăng mạnh.
Lần gần đây nhất bạc chạm mức giá 30 USD là tháng 2/2021.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng cho biết giá bạc – mặt hàng vừa là tài sản đầu tư vừa là kim loại công nghiệp, được sử dụng trong ngành điện tử và tấm pin mặt trời - cũng có thể khó giữ ở mức 30 USD trong thời gian dài nếu hoạt động sản xuất trên toàn cầu và nhu cầu từ các quỹ đầu tư không hồi phục.
Philip Newman, giám đốc điều hành của công ty tư vấn Metals Focus cho biết: “Bạc đang bắt đầu hoạt động như một kim loại quý hơn là kim loại công nghiệp”.
Ông cho biết: “Tỷ lệ giá vàng - bạc đã giảm đáng kể kể từ đầu tháng 4/2024 và từ quan điểm kỹ thuật, thị trường có thể sắp đến lúc điều chỉnh (giá giảm), nhưng vẫn còn động lực đáng kể, điều đó có nghĩa là vẫn có thể đạt 30 USD.”
Tỷ lệ vàng - bạc, biểu thị một ounce vàng có thể mua được bao nhiêu ounce bạc, được thị trường sử dụng để đánh giá xu hướng trong tương lai vì nó cho thấy hiệu suất hiện tại của bạc so với mối tương quan lịch sử của bạc với vàng.
Ngân hàng Citi thậm chí cho rằng nhu cầu đầu tư vào bạc có thể giúp đẩy giá lên khoảng 32 USD/ounce vào nửa cuối năm 2024.
Tuy nhiên, quá khứ đầy biến động của kim loại trắng này đã khiến một số nhà phân tích thận trọng xem xét đợt tăng giá hiện nay.
Nhà phân tích Rhona O'Connell của StoneX cho biết: “Bạc nổi tiếng vì khả năng giảm giá mạnh và nhanh”. Kim loại này đã từng tăng lên gần 50 USD vào năm 2011 và sau đó giảm xuống còn 12 USD vào năm 2020.
Về yếu tố cung – cầu, Metals Focus nhận định thị trường bạc năm nay sẽ phải đối mặt với năm thứ 4 liên tiếp thâm hụt do kỳ vọng nhu cầu sẽ tăng từ lĩnh vực công nghiệp trong năm 2024.
Phillip Streible, giám đốc chiến lược thị trường của Blue Line Futures (trụ sở ở Chicago), cho biết, để giá bạc giao dịch trên mốc 30 USD, thị trường sẽ cần chứng kiến sự phục hồi sản xuất và nhu cầu năng lượng mặt trời tăng.
Tại một thị trường khổng lồ về tiêu thụ bạc - Trung Quốc, hoạt động sản xuất trong tháng 3/2024 đã lần đầu tiên tăng trưởng sau 6 tháng suy giảm.
Trên thị trường hiện đang xuất hiện hiện tượng nhu cầu bạc tăng từ các lĩnh vực khác, chẳng hạn như dòng vốn đổ mạnh vào các quỹ hoán đổi bạc (ETF) trong tháng 4/2024, nhưng chưa hình thành xu hướng bền vững.
Maria Smirnova, nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại Sprott Asset Management, cho biết: “Những tuần gần đây dòng vốn ETF bạc đã đảo ngược và tôi nghĩ đó là tác động từ giá bạc tăng. Nói cách khác, dòng vốn ETF đã đi theo giá hơn là dấu hiệu của xu hướng”.
Bà nói thêm: “Do đó, nếu giá bạc tiếp tục tăng thì dòng vốn ETF sẽ tiếp tục và thậm chí còn tăng tốc”.
Macquarie cũng cho rằng tình trạng thiếu cung bạc sẽ tiếp tục tồn tại trong suốt khoảng thời gian dự báo của mình (5 năm), mặc dù lượng tồn trữ dồi dào tại các kho dự trữ vẫn tiếp tục bù đắp cho sự thiếu hụt.
Tuy nhiên, việc không chắc chắn về triển vọng kinh tế toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực điện tử, lĩnh vực rất quan trọng đối với tiêu dùng công nghiệp của bạc, có thể hạn chế sử dụng kim loại này trong thời gian tới.
Kết quả khảo sát của Viện Bạc Thế giới (SI) dự kiến thiếu cung bạc trên toàn cầu năm 2024 sẽ tăng 17% lên 215,3 triệu ounce do nhu cầu tăng 2% - bởi tiêu dùng mạnh trong lĩnh vực công nghiệp - và tổng nguồn cung giảm 1%.
Philip Newman, giám đốc điều hành tại công ty tư vấn Metals Focus, đơn vị thực hiện cuộc Khảo sát này, cho biết: “Thiếu hụt trên thị trường bạc đã thúc đẩy giá tăng mạnh mẽ”. “Năm ngoái thâm hụt đã giảm 30%, nhưng xét về mặt tuyệt đối – thiếu hụt ở mức 184,3 triệu ounce - thì vẫn đáng kinh ngạc. Nguồn cung toàn cầu nhìn chung ổn định ở mức khoảng 1 tỷ ounce, trong khi nhu cầu công nghiệp tăng rất nhanh với tốc độ tăng trưởng 11%."
Newman nói thêm: “Lượng bạc trữ ở các kho của Sàn giao dịch có thể xác định được, cũng như lượng kim loại không được trao đổi trên sàn giao dịch vẫn còn khá lớn. Tuy nhiên, một phần trong số lượng bạc này có thể được giữ chặt, vì vậy sẽ rất thú vị để xem thị trường sắp tới sẽ như thế nào và đâu là những tác động gì đến tình trạng thâm hụt đang diễn ra trên thị trường”.
Báo cáo của SI cho biết, lượng dự trữ tại các kho đăng ký với sàn London đã giảm 5% trong năm ngoái và tương đương gần 15 tháng nguồn cung toàn cầu tính đến cuối năm 2023.
Phần lớn sự sụt giảm tồn trữ được báo cáo diễn ra ở Trung Quốc, nơi trước đây là thị trường dư thừa do sản xuất bạc từ tinh quặng bạc nhập khẩu. “Tuy nhiên, sự gia tăng chóng mặt về nhu cầu công nghiệp ở Trung Quốc (44%) đang làm thay đổi động lực cung/cầu và tồn kho tại nước này”.
Tham khảo: Reuters
Nhịp sống thị trường