Không sản xuất, nhập điện thoại 2G, 3G là… tin rất vui
Lãnh đạo nhiều nhà sản xuất điện thoại và bán lẻ trong nước đều cho rằng quy định dừng sản xuất và nhập điện thoại 2G, 3G là một tin vui và tích cực...
- 21-01-2021Điện thoại 2G, 3G sẽ không được sản xuất, nhập vào Việt Nam từ 1/7
- 20-01-2021Báo Hàn đưa tin Vingroup muốn mua lại mảng kinh doanh điện thoại của LG tại thị trường Mỹ
Chia sẻ với VnEconomy về chủ trương không sản xuất và nhập khẩu điện thoại chỉ có tính năng 2G hoặc 3G của Bộ Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo nhiều nhà sản xuất điện thoại và bán lẻ sản phẩm công nghệ trong nước đều cho rằng đây là một tin rất vui và tích cực.
Trước đó Thông tư 43 về "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất – phần truy cập vô tuyến" mới được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành và sẽ có hiệu lực từ 1/7 tới, quy định tất cả các máy điện thoại di động được sản xuất hoặc nhập khẩu vào Việt Nam từ thời điểm trên phải được tích hợp công nghệ E-UTRA (tức công nghệ 4G).
Thông tư áp dụng đối với "các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có hoạt động sản xuất, kinh doanh các thiết bị thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chuẩn trên lãnh thổ Việt Nam".
Với thông tư trên, các sản phẩm thiết bị điện thoại di động nếu đơn thuần chỉ có tính năng 2G hoặc 3G hoặc kết hợp cả 2G và 3G thì đều không được sản xuất hoặc nhập khẩu vào Việt Nam. Tất nhiên với những điện thoại có tính năng 4G, đồng thời có cả 2G, 3G thì vẫn được sản xuất và nhập vào Việt Nam. Những điện thoại chỉ có tính năng 2G, 3G được sản xuất hoặc nhập khẩu vào Việt Nam trước thời điểm trên (1/7) thì vẫn được phép lưu hành.
Với quy định trên, chia sẻ với VnEconomy, ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc ngành hàng Viễn thông Di động FPT Shop – hệ thống bán lẻ sản phẩm điện thoại công nghệ lớn thứ hai hiện nay, cho biết, đây là một tin rất vui và là một tín hiệu rất tốt để hãng tiếp tục đầu tư phát triển mảng kinh doanh này (khi FPT Shop là một trong những đơn vị đứng đầu thị trường, là điểm đến công nghệ của người tiêu dùng, đặc biệt Apple MacBook).
Ông Kha cũng phân tích, hiện nay Foxconn (hãng chế tạo linh kiện điện tử, máy tính được xem là lớn nhất thế giới - PV) có thể coi là đầu tàu về gia công, sản xuất, lắp ráp các thiết bị công nghệ cao cấp đặc biệt các sản phẩm có yêu cầu cao như iPad, MacBook của Apple, nên cũng sẽ tác động tích cực về xu hướng dịch chuyển các hoạt động sản xuất, lắp ráp khác tại Việt Nam trong tương lai gần và đây là một điểm tích cực cho cả nền kinh tế.
Do vậy, theo ông Kha, khi thông tư về quy chuẩn về thiết bị đầu cuối thông tin di động trên của Bộ Thông tin và Truyền thông có hiệu lực, ngoài việc nguồn cung sẽ ổn định và dồi dào cho thị trường Việt Nam (không bị ảnh hưởng từ đứt gãy nguồn cung như đợt Covid vừa qua do việc sản xuất gần như ở Trung Quốc) thì việc phát triển nền kinh tế tại Bắc Giang với thu nhập người dân được cải thiện thì cũng là cơ sở để hệ thống bán lẻ FPT Shop phát triển việc cung cấp nhiều hơn máy tính/máy tính bảng đến người tiêu dùng khu vực phía bắc.
Trong khi đó, đại diện Thế Giới Di Động thì cho rằng, quy định trên sẽ giúp khách hàng – người dùng điện thoại di động sẽ có cơ hội nâng cấp sản phẩm lên sử dụng dịch vụ tốt hơn, nhanh và phong phú hơn, phục vụ cho nhu cầu học tập, giải trí và cho công việc tốt hơn. Hơn nữa nhà bán lẻ cũng có cơ hội để gia tăng bán hàng.
Dưới góc độ nhà sản xuất, ông Trần Hữu Quyền, Chủ tịch Tổng công ty VNPT Technology (đơn vị thuộc tập đoàn VNPT) cho rằng, quy định điện thoại 2G hoặc 3G không được sản xuất, nhập khẩu vào thị trường từ 1/7 tới là rất phù hợp bởi chủ trương của bộ ngành là tối ưu quy hoạch tần số và tiết kiệm được nguồn lực của xã hội.
Theo ông Quyền, việc duy trì hạ tầng 2G, 3G, trong đó đặc biệt 2G hiện đang ngốn chi phí vận hành rất lớn, trong khi đó hiệu quả xã hội đem lại không nhiều, chỉ phục vụ cho mỗi nhu cầu gọi. Thậm chí, chưa kể nhu cầu "a-lô" đã có trong các thế hệ công nghệ mới (như 4G, OTT…) sẽ hiệu quả hơn rất nhiều trong sử dụng tài nguyên tần số.
Mặt khác, vị Chủ tịch VNPT Technology còn cho rằng, Thông tư trên còn tác động tích cực vì nằm trong lộ trình của Chính phủ là tắt sóng 2G, phổ cập smartphone để phục vụ chương trình chuyển đổi số quốc gia, do vậy nếu để 2G chắc chắn sẽ không phục vụ hiệu quả cho chủ trương chuyển đổi số.
Ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch Tập đoàn công nghệ Bkav cùng quan điểm rằng đây là chủ trương rất đúng đắn, bởi hiện nay các nhà mạng ở Việt Nam đang phải duy trì BTS (trạm phát sóng) cho các loại công nghệ từ 2G, 3G, 4G và tới đây là 5G, do vậy rất tốn kém.
Thứ nữa công nghệ 2G đã cũ rồi và 4G thay thế được (dùng cho cả gọi và data). Ngoài ra, việc tắt 2G cũng đã là chủ trương của Chính phủ từ hơn một năm trước. Điều này sẽ giúp các nhà mạng tiết kiệm rất nhiều, đồng thời cũng tránh công nghệ lạc hậu vào thị trường, các công nghệ mới sẽ có cơ hội phát triển hơn.
Ông Quảng cũng cho biết, Bkav đã, đang hợp tác với Viettel để chuẩn bị cho các dòng điện thoại tương thích với quy định mới trên, cụ thể là các dòng điện thoại smart feature phone (dòng điện thoại cơ bản có tính năng 4G) và các dòng smartphone 4G giá rẻ để phục vụ nhu cầu của hàng chục triệu người dùng trong nước.
Vneconomy