Không thể có chuyện Thủ tướng kiêm phó Thủ tướng
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói như vậy khi trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ: tại sao Quốc hội không miễn nhiệm chức vụ phó Thủ tướng đối với ông Nguyễn Xuân Phúc trước khi bầu ông làm Thủ tướng?
- 09-04-2016Tiểu sử các Tân Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và thành viên Chính phủ
- 09-04-2016Hôm nay, Quốc hội bầu 3 Phó Thủ tướng, 18 Bộ trưởng mới
- 08-04-2016Hôm nay, Quốc hội miễn nhiệm một số Phó Thủ tướng, Bộ trưởng
Cuộc họp báo quốc tế công bố kết quả kỳ họp thứ 11 của Quốc hội vừa kết thúc trưa 12-4. Dưới đây là một số câu hỏi và trả lời.
* Pháp luật TP.HCM: phản ánh từ một số chức danh bị miễn nhiệm cho thấy cũng có băn khoăn, bị động do không được thông báo sớm, bởi người đứng đầu các cơ quan nhà nước đã chuẩn bị kế hoạch hành động đến cuối nhiệm kỳ, nay bị miễn nhiệm sớm sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch công việc của người đó. Xin hỏi ông Nguyễn Hạnh Phúc là qua lần này có những kinh nghiệm nào cần rút ra, có gì cần điều chỉnh không?
- Ông Nguyễn Hạnh Phúc: kỳ họp này dành khá nhiều thời gian cho công tác kiện toàn nhân sự. Đây không phải là việc bị động, mà đều có chuẩn bị, cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ đã thông báo cho các đồng chí có liên quan. Chúng ta thực hiện theo đúng quy trình về quản lý, bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ của Đảng và Nhà nước.
Đây cũng không phải là việc mới, mà chúng ta đã từng kiện toàn các chức danh lãnh đạo ở Khóa XI, tôi nhớ là lúc đó Quốc hội đã kiện toàn 9 chức danh.
- Ông Lê Minh Thông (Phó Tổng thư ký): đợt kiện toàn vừa rồi đúng chủ trương, đúng pháp luật, vì vậy đã diễn ra suôn sẻ. Còn việc có cần hoàn thiện quy định pháp luật không, tôi nghĩ rằng việc nghiên cứu, sửa đổi để từng bước hoàn thiện các quy định của pháp luật, đảm bảo đáp ứng nhu cầu bố trí cán bộ sau Đại hội đảng là cần thiết, các cơ quan của Quốc hội sẽ có nghiên cứu, đề nghị sửa đổi, bổ sung pháp luật trong thời gian tới.
*Tuổi Trẻ: Thưa Tổng thư ký, phó chủ tịch Quốc hội là chức danh do Quốc hội bầu, phó thủ tướng Chính phủ là chức danh do Quốc hội phê chuẩn, những người được bầu hoặc phê chuẩn muốn thôi nhiệm vụ phải được sự đồng ý của Quốc hội (miễn nhiệm); xin ông cho biết tại sao Quốc hội không miễn nhiệm chức vụ Phó chủ tịch Quốc hội đối với bà Nguyễn Thị Kim Ngân và chức vụ phó thủ tướng đối với ông Nguyễn Xuân Phúc trước khi bầu họ giữ chức vụ mới?
- Trong trường hợp này, đương nhiên chúng ta đã bầu đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân làm Chủ tịch Quốc hội rồi thì không có miễn nhiệm chức vụ phó chủ tịch của đồng chí nữa, vì phó chủ tịch giúp việc cho chủ tịch nên không có chuyện Chủ tịch kiêm phó chủ tịch.
Với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng vậy, khi được bầu thì không thể có chuyện thủ tướng kiêm phó thủ tướng.
Điều này khác với trường hợp phó chủ tịch hoặc phó thủ tướng khác, ví dụ Quốc hội phải miễn nhiệm phó chủ tịch đối với ông Huỳnh Ngọc Sơn sau đó mới bầu ông Đỗ Bá Tỵ làm phó chủ tịch.
* Tuổi Trẻ: Đầu giờ sáng 5-4, Quốc hội nghe công bố kết quả bầu một số phó chủ tịch và thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, liền ngay sau đó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng dân tộc và Chủ nhiệm một số Ủy ban của Quốc hội. Đề nghị ông giải thích: Ủy ban thường vụ Quốc hội mới được bầu xong thì làm sao có được danh sách đề cử ngay lập tức?
- Đúng là sau khi bầu thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội thì Chủ tịch Quốc hội đã trình đề cử Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng dân tộc và Chủ nhiệm một số ủy ban của Quốc hội.
Trong thời gian này, chúng ta vẫn có Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoạt động nên vẫn làm việc bình thường. Nên việc trình như vậy cũng theo đúng quy định của pháp luật.
* Vneconomy: Lễ tuyên thệ rất trang nghiêm, trang trọng, nhưng trong lúc đang diễn ra tuyên thệ thì có những đại biểu giơ máy ảnh, máy điện thoại để chụp hình, điều này khiến nhiều bạn đọc, cử tri không hài lòng. Xin hỏi ông như vậy có đảm bảo trang nghiêm không?
- Tuyên thệ cũng không phải là việc mới. Năm 1945 Bác Hồ cũng đã tuyên thệ tại đình Tân Trào, Tuyên Quang. Có người hỏi là tại sao lúc tuyên thệ thì đại biểu không đứng lên? Tôi thấy ở quốc tế cũng có nơi đứng, nơi ngồi, không có quy định nào cụ thể mà tùy điều kiện, hoàn cảnh.
Việc các đại biểu chụp ảnh là cũng muốn lưu giữ lại kỷ niệm trong lễ tuyên thệ này. Tất nhiên, chúng ta vẫn phải nghiên cứu để hoàn thiện dần nghi lễ tuyên thệ cho phù hợp hơn.
* Thanh Niên: Vừa qua có thông tin có một số tổ chức phản động đứng sau người tự ứng cử, sau đó có nhiều đề nghị phải làm rõ thông tin này, đề nghị ông cho biết đến nay thông tin này đã được làm rõ như thế nào, có khởi tố hay không?
- Vừa rồi chúng tôi có nhận được đơn của ông Nguyễn Quang A về vấn đề này, và chúng tôi đã trả lời đây không phải là quan điểm của Hội đồng bầu cử, không phải ý kiến của tiểu ban an ninh, chỉ là ý kiến của một cá nhân nào đó, cho nên chúng tôi không khẳng định việc này.
* Thanh Niên: Có thông tin cho rằng tại một số hội nghị cử tri đối với người ứng cử có xảy ra chuyện “đấu tố”, thậm chí “đấu tố” như thời cải cách ruộng đất đối với người ứng cử, ông có nắm được thông tin này không ?
- Việc lấy ý kiến cử tri nơi cư trú là theo quy định của pháp luật. Tôi nghĩ rằng không ai hiểu người tự ứng cử bằng bà con cử tri ngay tại nơi người ứng cử sinh sống. Người ta hiểu rõ người ứng cử đó thế nào, gia đình ra sao, lối sống, đạo đức… vì vậy cử tri nơi cư trú đánh giá, có ý kiến, biểu quyết rất rõ ràng, sòng phẳng.