MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Không thể vẽ viễn cảnh như New York hay Paris khi nguồn lực có hạn"

"Không thể vẽ viễn cảnh như New York hay Paris khi nguồn lực có hạn"

Phù hợp với nguồn lực, đầu tư có trọng tâm trọng điểm, cụ thể hoá hơn… là nhiều ý kiến đóng góp cho Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Sáng 6/1, Quốc hội thảo luận ở tổ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phát biểu ý kiến tại tổ, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) lưu ý, quy hoạch đang xây dựng có giai đoạn 2030 - 2050, nên tình trạng quy hoạch "treo" là vấn đề đặt ra. Do đó, ông cho rằng xây dựng quy hoạch cần có tầm nhìn, với những dự án chưa thực hiện ngay nhưng đưa vào quy hoạch, cần đảm bảo quyền lợi người dân trong việc thực hiện quy hoạch.

"Đang là quy hoạch và ý tưởng, mà khu nhà dân đã được quy hoạch thì sẽ bị vướng quyền lợi, nên cần phải có tầm nhìn và phân đoạn. Người dân lo lắng là sẽ dính quy hoạch gì đây, nên khi thực hiện phải thông báo cho người dân", ông Ngân nói.

Không thể vẽ viễn cảnh như New York hay Paris khi nguồn lực có hạn - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh)

Bên cạnh đó, ông Ngân cho rằng để thực hiện quy hoạch thì cần đảm bảo tính khả thi, có cơ chế và làm rõ nguồn lực thực hiện quy hoạch. Mặc dù chúng ta học tập kinh nghiệm các nước, song khi thực hiện, vẽ ra đồ án thì phải đặt trong bối cảnh nguồn lực của Việt Nam. "Ta không thể vẽ viễn cảnh như New York hay Paris trong khi nguồn lực có hạn", ông Ngân nói.

Với vấn đề thể chế để thực hiện quy hoạch, do nguồn lực đầu tư công là có hạn, nên thay vì đầu tư dàn trải trước đây cần phải chuyển hướng đầu tư trọng điểm. Gắn với đó, thể chế phải khai thác được nguồn lực trong dân, gắn với đẩy mạnh hợp tác công tư, huy động nguồn lực này trong xã hội…

"Quy hoạch quốc gia nhưng vẫn mang "hình hài" của tỉnh, thành nào đó"

Thảo luận tại tổ Hà Nội, đại biểu Tạ Đình Thi cho biết, đây là lần đầu tiên Việt Nam triển khai Quy hoạch tổng thể quốc gia nhưng cơ quan chủ trì soạn thảo đã làm việc rất công phu, khoa học.

Tuy nhiên, theo đại biểu việc triển khai thực hiện Quy hoạch ra sao cho hiệu quả mới là vấn đề được người dân quan tâm. Đồng thời, Quy hoạch cần chú trọng đến việc phát huy các nguồn lực của nền kinh tế, hướng đến phát triển "nền kinh tế số", "nền kinh tế xanh"; định hướng phát triển không gian biển…

"Việt Nam là một quốc gia biển nhưng trong Quy hoạch chưa làm rõ những tiềm năng, thế mạnh cũng như chiến lược phát triển các ngành kinh tế biển của nước ta. Vì thế, cần phải bổ sung và làm rõ quan điểm này, trong đó nhấn mạnh đến bảo đảm an ninh kinh tế và môi trường biển", đại biểu Tạ Đình Thi nói.

Không thể vẽ viễn cảnh như New York hay Paris khi nguồn lực có hạn - Ảnh 2.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng quy hoạch quốc gia nhưng vẫn mang "hình hài" của một tỉnh, thành nào đó và chưa cụ thể hóa được chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mang tầm quốc gia

Cũng đánh giá cao các nội dung được đề cập trong Quy hoạch, song đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng đây là "quy hoạch quốc gia nhưng vẫn mang "hình hài" của một tỉnh, thành nào đó và chưa cụ thể hóa được chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mang tầm quốc gia".

Cụ thể, các thành phần kinh tế "độc lập, tự chủ, tự cường" thì dựa vào đâu để phát triển, chủ thể tham gia ở đây là ai? Định hướng phân bổ các thành phần kinh tế và tham gia vào nền kinh tế quốc gia như thế nào? Những vấn đề này chưa được đề cập trong Quy hoạch nên cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ.

Đại biểu cũng cho rằng, trong Quy hoạch cần làm rõ từng ngành kinh tế thì các sản phẩm cần phát triển cụ thể là gì, ngành nào là xương sống của nền kinh tế và chúng ta cần ưu tiên cho ngành nào, việc phân bổ nguồn lực ra sao để hình thành các vùng trọng điểm kinh tế.

Quy hoạch "quá chung" thì giống cương lĩnh, chiến lược và kết luận

Phát biểu tại thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Thanh - Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đây là lần đầu tiên thực hiện một quy hoạch tầm cỡ với hơn 1.000 trang tài liệu; Chính phủ và Quốc hội rất nỗ lực để hiện thực hóa kết luận số 45. "Lần đầu tiên, chưa có tiền lệ trên thế giới người ta làm cho nên việc làm vừa khó, vừa mới chúng ta hiểu điều kiện hoàn cảnh để chia sẻ", bà Thanh nói.

Không thể vẽ viễn cảnh như New York hay Paris khi nguồn lực có hạn - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Thanh - Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Theo bà Nguyễn Thị Thanh, quy hoạch vừa đảm bảo tính định hướng, không quá chung chung, không quá chi tiết bởi nếu quá chi tiết nếu làm bị lệch sửa lại rất khó; nếu quá chung thì giống cương lĩnh, chiến lược và kết luận.

Góp ý cụ thể, đại biểu đoàn Ninh Bình nêu: "Dự thảo Nghị quyết có nêu là phát huy tối đa lợi thế của vùng, miền thì tôi đề nghị bổ sung thêm địa phương, bởi cốt cơ sở là ở địa phương".

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thanh, có thêm vùng, miền nhưng nội lực của từng địa phương không tốt thì không thể kết nối được các vùng, miền tốt.

"Tất nhiên, vùng miền mà kết nối tốt thì cũng có sự bổ trợ của các cực tăng trưởng của vùng cho các địa phương. Bổ sung thêm vào vùng, miền, có địa phương để đảm bảo 63 địa phương thấy có người ta trong đó, người ta có trách nhiệm và thấy rằng đã được đề cập đầy đủ. Nếu chỉ ghi phát triển lợi thế vùng, miền chưa đủ, phải có cả địa phương", bà Thanh nói.

Theo Thùy An

VTV.VN

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên