MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không thi IELTS, nam sinh vẫn cùng lúc trúng tuyển vào nhiều trường ĐH top đầu của Mỹ: Bí quyết nằm ở yếu tố cực "khó nhằn" này!

20-05-2023 - 21:52 PM | Sống

Cuối tháng 8 tới đây, nam sinh này sẽ chính thức "xuất ngoại", bắt đầu hành trình du học Mỹ của mình.

Nguyễn Quang Minh là học sinh 12E1, trường THPT Marie Curie (Hà Nội). Mùa ứng tuyển đại học Mỹ năm nay, cậu đã trúng tuyển vào loạt trường đại học danh giá của "xứ sở cờ hoa". Sau tất cả, Minh chọn theo học tại trường Đại học Northeastern. Cuối tháng 8 tới đây, Minh sẽ chính thức "xuất ngoại", bắt đầu hành trình du học Mỹ của mình. Ngành mà Minh chọn lựa là Quản trị kinh doanh.

Không có IELTS, nam sinh vẫn cùng lúc trúng tuyển trường vào trường đại học top đầu Mỹ: Bí quyết nằm ở yếu tố cực "khó nhằn" này! - Ảnh 1.

Nguyễn Quang Minh

Trúng tuyển vào nhiều trường đại học Mỹ

Ngay từ khi còn nhỏ, Quang Minh đã dành một tình cảm đặc biệt cho nước Mỹ. Lớn lên, nam sinh xác định rõ mục tiêu của mình là "chinh phục" được ít nhất một trường đại học tại "xứ sở cờ hoa" tráng lệ.

Cậu bắt đầu mong ước đó bằng việc xây dựng một profile đẹp. Không chỉ học giỏi, Minh còn năng nổ tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa trong và ngoài trường và là thành viên "cốt cán" của rất nhiều CLB, chương trình như: Người đồng sáng lập CLB Amsterdam Crew - CLB nhảy của trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam, Founder và Chủ tịch dự án L' âme - một dự án nghệ thuật cộng đồng nhằm đưa nghệ thuật tới các bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật, khách mời của UNICEF Vietnam tham gia buổi hội thảo về sức khỏe tâm thần của trẻ em và thanh thiếu niên, CTV của Ủy ban Olympic Việt Nam trong năm 2021...

Quang Minh tham gia nhiều chương trình ngoại khóa khác nhau

Lý giải về việc tham gia nhiều CLB, nam sinh cho hay nếu các quốc gia khác thường quan tâm nhiều đến học thuật, thì bộ tiêu chí đánh giá thí sinh của các trường đại học Mỹ sẽ toàn diện hơn, bao gồm cả các năng khiếu ứng viên có được, hoạt động ngoại khoá, hoạt động cộng đồng ra sao... Có thể nói, hoạt động ngoại khóa cũng quan trọng không kém thành tích học tập khi apply du học Mỹ.

"Cách xét tuyển của các trường đại học Mỹ rất khác biệt, họ không chỉ nhận hồ sơ nào ấn tượng mà còn ưu tiên các ứng viên phù hợp với các tiêu chí của trường, chứ không hẳn là cứ thật giỏi là sẽ chắc suất được nhận. Nên nghịch lý là nhiều bạn trượt các trường có thứ hạng thấp nhưng lại trúng tuyển vào các trường có thứ hạng cao của Mỹ, do yếu tố phù hợp là vô cùng quan trọng", Quang Minh nói.

Vì đã nắm chắc được cách thức tuyển chọn thí sinh, nên Minh đã biết cách làm nổi bật bộ hồ sơ của mình để dễ lọt vào "mắt xanh" của hội đồng tuyển sinh. Tính đến thời điểm hiện tại, nam sinh đã trúng tuyển nhiều trường top đầu, tiêu biểu như: Đại học California, San Diego - một trong những trường đại học công lập tốt nhất nước Mỹ, Đại học Northeastern, Đại học Washington, Đại học Fordham... Ngoài ra, cậu còn giành được học bổng danh dự của các trường: 30.000$ (hơn 700 triệu đồng)/ 1 năm của Đại học Bently, 28.000$ (hơn 650 triệu đồng)/1 năm của Đại học Clark...

Sau nhiều lần cân nhắc, Quang Minh quyết định lựa chọn trường Đại học Northeastern bởi bản thân nam sinh nhận thấy, đây sẽ là môi trường phù hợp để cậu được phát triển toàn diện. Nhớ lại khoảnh khắc nhận được thông báo trúng tuyển, Minh không khỏi hào hứng vì đây là một trong những trường mà nam sinh nhắm đến đầu tiên trong quá trình chuẩn bị hồ sơ du học.

"Mình rất vui và bất ngờ khi nhận được học bổng cũng như trúng tuyển vào nhiều trường đại học Mỹ, trong đó có Đại học Northeastern. Mình lập tức chia sẻ với bố mẹ niềm vui của mình, nói lời cảm ơn đến họ vì đã luôn đồng hành và ủng hộ mình trong mọi quyết định", Quang Minh kể lại.

Đặc biệt, sau khi biết kết quả học bổng, thay vì "khoe" với bạn bè thì Quang Minh lại quyết định giấu nhẹm đi. Theo lý giải, cậu không muốn những người bạn cũng đang có dự định du học như mình nhưng chưa nhận được thông báo trúng tuyển bị áp lực hay rơi vào trạng thái sốt ruột, lo lắng.

Gây ấn tượng mạnh với bài luận

Quang Minh là một người tài năng. Cậu tham gia chơi và thuần thục ở rất nhiều môn nghệ thuật như: trượt băng, đánh đàn, vẽ... Chính điều đó đã định hình tính cách và giúp Minh trưởng thành hơn từng ngày.

"Nếu như trượt băng cho dạy cho mình sự nỗ lực, kiên trì, vượt khó của một vận động viên chuyên nghiệp, khả năng làm việc độc lập thì nhảy múa lại rèn giúp mình tinh thần làm việc tập thể. Một bài nhảy hay là khi có sự phối hợp chặt chẽ, ăn ý của nhiều cá nhân mới nhau.

Đặc biệt khi có cơ hội được làm tổng đạo diễn showcase Ảo vọng - một chương trình nhảy nổi tiếng của CLB trường chuyên Ams, mình phải quan tâm tất cả mọi người từ dancer, đến hậu cần, đạo cụ, trang phục, âm thanh, ánh sáng... để phối hợp được với nhau nhịp nhàng đúng là rất khó. Và sau showcase mình đã trưởng thành hơn rất nhiều".

Từ những trải nghiệm mà bản thân có được, Quang Minh đã lấy đó làm ý tưởng để phát triển thành bài luận ứng tuyển của mình. Trong đó "trượt băng" và "nhảy múa" là hai chủ thể chính xuất hiện xuyên suốt trong bài luận của nam sinh.

"Dù có một vài thành tích nổi bật ở lĩnh vực trượt băng nhưng mình lại dành tình yêu nhiều hơn một chút cho việc nhảy múa. Và mình đã thổ lộ điều đó rất rõ trong bài luận chính. Mình nghĩ con người mình thế nào thì phải thể hiện đúng 'chất' trong bài luận vì nó sẽ giúp mình không thể lẫn lộn với bất kỳ ứng viên nào khác. Nhưng cái khó là phải viết sao cho khéo để người đọc vừa thấy được nhiệt huyết, vừa thấy được khả năng của mình", Minh kể lại.

Nam sinh có một vài thành tích nổi bật ở lĩnh vực trượt băng

"Trách nhiệm" và được "sống hết mình với đam mê" cũng là những điều Quang Minh muốn nhấn mạnh. Chi tiết hơn, mở đầu bài luận nam sinh vẽ ra viễn cảnh bản thân được tham gia giải vô địch trượt băng nghệ thuật thế giới dành cho thanh thiếu niên với nội dung Icedance. Vì là lần đầu tiên nên lo lắng, hồi hộp, sợ hãi... là những cảm giác không thể tránh khỏi. Nhưng Minh vẫn cố gắng hết mình để "make the history" (kiến tạo lịch sử) khi đưa Việt Nam vào bản đồ trượt băng nghệ thuật thế giới. Hình ảnh của lá cờ quốc kỳ Việt Nam tung bay phấp phới trong sân vận động cũng để lại trong Minh những rung động khó phai.

Dẫu vậy, điều làm Minh ấn tượng nhất trong quá trình apply học bổng du học Mỹ đó chính là các bài luận phụ. Nhiều trường ra đề bài luận phụ khó, chưa kể đến số lượng còn rất nhiều. Một số câu hỏi bài luận phụ khó mà khiến Minh phải "vắt óc suy nghĩ" có thể kể đến như: Hãy đưa ra một ví dụ minh họa về một khía cạnh của bản thân mà chúng tôi không thể tìm thấy trong đơn ứng tuyển của bạn.

Hay một câu hỏi khác: "Socrates từng nói rằng: Cuộc sống mà không được kiểm tra thì không đáng sống. Thảo luận về thời điểm mà sự suy ngẫm, cầu nguyện hoặc xem xét nội tâm dẫn đến sự rõ ràng hoặc hiểu biết về một vấn đề quan trọng đối với bạn".

Lúc đọc yêu cầu này, Minh bị sốc toàn tập và dường như cậu còn không thể hiểu hết hàm ý trong từng câu chữ của câu hỏi trên. Nam sinh phải dành ra nhiều thời gian đọc sách và tìm hiểu để viết câu luận này. Nghĩ lại khoảng thời gian đó, Minh cảm thấy áp lực vì deadline ngập đầu và thường xuyên trong tình trạng ngồi mơ màng nghĩ xem mình phải viết gì để độc đáo nhất.

Chọn thi TOEFL thay vì IELTS

Thay vì chọn IELTS, nam sinh này lại đăng ký học và ôn thi TOEFL. Cho những ai chưa viết TOEFL là bài kiểm tra năng lực tiếng Anh quốc tế nhằm kiểm tra khả năng tiếng Anh của bạn trong môi trường học thuật, cụ thể hơn là ở môi trường tại các quốc gia nói tiếng Anh.

Với TOEFL Junior 895/900 và TOEFL IBT 100/120, nam sinh đã đạt được một trong những yêu cầu về chứng chỉ tiếng Anh để xét tuyển cho học viên nước ngoài vào học tại hầu hết các trường đại học và cao đẳng ở Mỹ.

Có thể nói quyết định thi TOEFL của Quang Minh là khá ngược đời bởi thời gian gần đây, trào lưu học và thi IELTS phát triển cực mạnh mẽ, thậm chí rất nhiều người còn đang giữ cho mình tư duy "thần thánh hóa" chứng chỉ ngoại ngữ này. Không phủ nhận lợi ích của bài thi IELTS mang lại nhưng Minh cũng không đồng tình với việc "thần thánh hóa" như vậy.

"IELTS hay các chứng chỉ ngoại ngữ khác chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải là đủ để có thể đi du học. Để xuất ngoại còn cần rất nhiều kiến thức ở các môn học khác, chưa kể kĩ năng sống, sự tự lập, khả năng hòa nhập vào cuộc sống và phương pháp học tập ở nước ngoài...", Minh chia sẻ.

Không có IELTS, nam sinh vẫn cùng lúc trúng tuyển trường vào trường đại học top đầu Mỹ: Bí quyết nằm ở yếu tố cực "khó nhằn" này! - Ảnh 4.

Nam sinh chọn thi TOEFL thay vì IELTS

Ngoài ra, nam sinh cũng chia sẻ những khác biệt nho nhỏ giữa hai chứng chỉ này. Theo quan điểm chủ quan của Minh, TOEFL khó để luyện thi hơn IELTS bởi nó cần kiến thức nền chắc, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các kĩ năng với nhau. Chẳng hạn khi thi IELTS ở phần Nghe (Listening), các bạn sẽ được biết trước câu hỏi rồi sau đó mới nghe, còn thi TOEFL thì phải nghe trước rồi sau đó mới biết câu hỏi. Do đó bạn phải nghe và tóm tắt được ý chính của toàn bộ bài. Hoặc ở kĩ năng Viết (Writing), thi TOEFL bạn phải nghe đề bài rồi sau đó luận giải ra để viết...

"Mình không ôn luyện quá nhiều trước khi thi vì kiến thức là cả một quá trình dài tích lũy, ngoài học trên lớp mình nghe nhạc hoặc xem phim... bằng tiếng Anh để vừa học vừa giải trí. Sau đó mình cũng có học một khóa ôn luyện để hiểu cấu trúc và biết cách làm bài", Minh chia sẻ.

Còn về lời khuyên, nam sinh cho hay với du học Mỹ chỉ cần TOEFL 100, IELTS 7.0 là có thể đủ điều kiện để nộp vào tất cả các trường rồi nên các bạn không cần quá mất thời gian ôn luyện để có điểm chứng chỉ ngoại ngữ thật cao. Thay vào đó, hãy chú ý nâng cao điểm GPA, SAT và dành thời gian tham gia các hoạt động ngoại khóa để khám phá bản thân và cũng để có thêm hoạt động khi apply.

Chẳng lâu nữa là Quang Minh sẽ chính thức bắt đầu hành trình du học Mỹ của mình. Song cậu bạn không cảm thấy quá lo lắng vì đã có kinh nghiệm đi rất nhiều nước và cũng khá quen với cuộc sống ở nước ngoài. Điều Minh lo nhất có chăng là cảm giác nhớ nhà vì dù sao ở Việt Nam cũng được bố mẹ chăm sóc, đi du học thì thì sẽ phải tự mình làm hết tất cả, chỉ vậy thôi.

Ảnh: NVCC


Theo Huỳnh Đức - Design: Thành Đạt

Trí thức trẻ

Trở lên trên