MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không tiếc thưởng Tết do chuyển việc lương tăng gấp đôi

11-11-2022 - 09:05 AM | Lifestyle

Có nên vì nỗi sợ áp lực tài chính, cố gắng gắn bó với công ty để nhận thưởng Tết.

Hai tháng cuối năm là khoảng thời gian hầu hết mọi người hạn chế chuyển công việc vì muốn ổn định để nghỉ lễ, có khoản thưởng Tết. Đặc biệt cuối năm thường phải chi tiêu nhiều hơn, thưởng Tết phần nào đỡ đần trong câu chuyện tiền bạc, tránh áp lực tài chính.

Tuy nhiên, quan điểm này có còn phù hợp với các bạn trẻ ngày nay? Liệu có nên hạn chế chuyển việc sát Tết để không bị rơi vào áp lực tài chính?

Không tiếc thưởng Tết vì chuyển việc lương tăng gấp đôi

Q.Như, 27 tuổi, làm việc trong lĩnh vực IT vừa mới chuyển sang công ty mới trước Tết dương - giai đoạn thưởng Tết - 2 tháng. Khi được hỏi có cảm thấy tiếc nuối thưởng Tết không, Q.Như chia sẻ rằng không cảm thấy như vậy bởi vì hiện tại mức thu nhập của cô khá tốt.

"Nhiều người cảm thấy áp lực hay tiếc thưởng Tết, song nếu tính trên mức thu nhập, sang công ty mới đối với mình là lựa chọn tốt hơn. Cuối năm các công ty rất thiếu nguồn lực, phỏng vấn và thỏa thuận lương khá dễ. Chưa kể để thu hút nhân viên, họ sẽ có những khoản thưởng nửa hoặc cả tháng lương tương đương với lương tháng 13. Do vậy, mình không thấy tiếc nuối".

Tuy nhiên, Q.Như nhấn mạnh rằng để không có áp lực tài chính chỉ nên chuyển công việc khi được tăng lương, thường sẽ khoảng 25% so với mức hiện tại. Ví dụ, trong lần chuyển việc này, Q.Như đã được tăng 100% lương.

Bên cạnh đó, theo quan điểm của Q.Như, nếu muốn chuyển việc, hãy tìm hiểu công ty xem có phù hợp không. Chuyển việc trước Tết có thể là lợi thế bởi vì sau Tết ai cũng có tâm lý muốn thay đổi môi trường làm việc nên sẽ khó thỏa thuận lương hơn.

"Song, mình vẫn nghĩ thưởng Tết là 1 tiêu chí cần suy tính đến khi nghỉ việc. Những công ty lớn hay ngân hàng thường thưởng khá lớn, cần phải xét bài toán tài chính, xem phương án nào sẽ được lợi hơn".

Không tiếc thưởng Tết do chuyển việc lương tăng gấp đôi - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ: Pinterest

Có khoản tích lũy rồi nên nghỉ việc trước Tết cũng không quá áp lực

Thảo Vân, 26 tuổi, nhân viên văn phòng, cuối năm năm 2020 đã nghỉ việc và đến tháng 3/2021 mới đi làm trở lại. "Trước khi nghỉ việc mình đã tích cóp được 1 khoản khá ổn. Đồng thời, gia đình cũng không áp lực nên cảm thấy không còn phù hợp với công việc, mình liền nghỉ".

Cô bạn chia sẻ rằng mỗi tháng sau khi nhận lương sẽ tích lũy 30% số đó. Thảo Vân có đầu tư, tùy vào kết quả lợi nhuận hàng tháng sẽ trích phần trăm hợp lý để tiết kiệm, thường khoảng 2%. Nhờ khoản tích lũy này, cô bạn đã khá thoải mái trong việc đưa ra quyết định nghỉ việc.

Cũng giống như Thảo Vân, Vũ Tiên, 26 tuổi, đã quyết định nghỉ cuối năm 2021 và cũng không có quá nhiều áp lực do đã tiết kiệm được 70 triệu, tương đương 6 tháng sinh hoạt phí ở Hà Nội. Ngoài ra, cô cũng có làm tự do khoảng 4-5 triệu/ tháng, đủ tiền chi trả chỗ ở.

"Trước khi quyết định nghỉ việc, mình khá lo lắng, phải suy nghĩ trong 1 tháng. Sau đó, mình nhắn tin hỏi mẹ là Tết này con có thể không mang tiền về được không, trước đó mình hay đưa mẹ 15-20 triệu để sắm Tết. Mẹ ủng hộ, bảo là tuổi trẻ có thể thử thách nhiều điều. Lúc đó, mình chỉ có áp lực trang trải sinh hoạt phí nhưng có khoản tiết kiệm nên cũng thấy đỡ hơn".

Vũ Tiên cũng nhấn mạnh rằng khi nghỉ việc đặc biệt trước Tết, nên có khoảng 6 tháng sinh hoạt phí để có thể xoay sở khi không có thu nhập. Nếu đã chấp nhận bỏ thưởng Tết đổi lấy cơ hội thay đổi hay khoảng thời gian nghỉ ngơi, hãy cố gắng để điều đó trở thành quyết định đúng đắn.

"Nên cân nhắc thưởng Tết khi nghỉ việc, tùy vào tình hình kinh tế mỗi người. Mình không cần lo lắng về Tết nên là khoản thưởng Tết với mình không quá quan trọng. Nhưng mình biết với nhiều bạn là lớn và cần thiết, nếu vậy hãy cố đợi qua Tết. Nhưng trong trường hợp cảm thấy thật sự quá áp lực, hãy ưu tiên sức khỏe tinh thần hơn tiền bạc".

Không tiếc thưởng Tết do chuyển việc lương tăng gấp đôi - Ảnh 2.

Vũ Tiên - Ảnh: NVCC

Đối với Thảo Vân, trước khi nghỉ việc hãy cân nhắc đến nguyên nhân khiến bản thân muốn đưa ra quyết định đó. Có người đơn giản là chán và muốn thay đổi môi trường, tức là không có áp lực phải nghỉ ngay, nếu vậy nên cố gắng làm tiếp lấy thưởng Tết. Còn nếu rơi vào trường hợp như môi trường tệ, cảm thấy áp lực không chịu nổi, hay bị nợ lương thì nên nghỉ ngay.

"Mình nghĩ kiếm tiền là chuyện cả đời, không ở công ty hay thời gian này, vẫn có thể ở chỗ khác vào năm sau chẳng hạn. Chuyện công việc, phấn đấu, rèn luyện vẫn quan trọng hơn kiếm tiền. Vậy nên tìm công việc phù hợp và phát huy hết khả năng sẽ giúp mỗi người kiếm lại được số tiền thưởng Tết nhanh hơn" , Thảo Vân chia sẻ.

Theo Tô Diệp - TK Thủy Tiên

Trí thức trẻ

Trở lên trên