Không tốn tiền thuê mặt bằng, Thế giới di động vẫn thu về 12.000 tỷ từ mảng online - cao gần bằng tổng doanh thu FPT Shop
Với mức doanh thu Online lên tới 12.350 tỷ đồng, Thế giới di động hiện là công ty đóng góp doanh thu lớn nhất trong tổng giá trị toàn thị trường bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam.
- 09-02-2019Sau 2 quý sụt giảm sâu, "tia sáng" đã trở lại với Thế giới Di động?
- 25-01-2019Nhờ công thức này, Thế giới di động, Vingroup tìm và giữ được nhân tài như cách các tập đoàn lớn nhất thế giới Microsoft, Intel, Alphabet... đang làm
- 24-12-2018Tiếng là “ông lớn” Lazada, Shopee, doanh số chảy về Thế Giới Di Động
Theo báo cáo KQKD năm 2018, Thế giới di động (MWG) đạt doanh thu hợp nhất 86.516 tỷ đồng và lợi nhuận ròng hợp nhất đạt 2.880 tỷ đồng, tương đương với mức tăng trưởng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 30% và 31% so với năm 2017.
Trong đó, đáng chú ý doanh thu Online năm 2018 đạt 12.350 tỷ đồng, tăng trưởng 116% so với năm 2017 và hoàn thành 123% kế hoạch cả năm.
Những năm qua, mảng kinh doanh Online của Thế giới di động đã tăng trưởng ngoạn mục. Từ mức doanh thu Online dưới 1.000 tỷ đồng (năm 2014) và chỉ chiếm tỷ trọng 5,9%, đến nay doanh thu Online của Thế giới di động đã lần đầu vượt mốc 10.000 tỷ đồng và đóng góp tới 14,3% trong tổng doanh thu năm 2018. Bình quân mỗi ngày có tới 12 nghìn giao dịch thành công qua các website của Thế giới di động.
Chỉ tính riêng doanh thu Online của Thế giới di động đã gần bằng tổng doanh thu của FPT Retail (hơn 15.000 tỷ năm 2018), thậm chí bỏ xa nhiều đối thủ trong ngành điện máy như Media Mart, Nguyễn Kim, PICO…
Doanh thu chỉ tính riêng mảng Online của TGDĐ đã gần bằng tổng doanh thu FPT Retail
Với mức doanh thu Online lên tới 12.350 tỷ đồng, Thế giới di động hiện là công ty đóng góp doanh thu lớn nhất trong tổng giá trị toàn thị trường bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam.
Những năm gần đây, thị trường thương mại điện tử Việt Nam bùng nổ mạnh mẽ với sự xuất hiện của nhiều tên tuổi lớn như Lazada, Shopee, Adayroi, Sendo…và ngay cả những đối thủ trong ngành điện máy như Nguyễn Kim, Chợ Lớn, FPT Retail…cũng đẩy mạnh bán hàng Online. Quy mô thị trường bán lẻ trực tuyến Việt Nam năm 2018 được ước tính trên 7 tỷ USD và dự báo của Bộ Công Thương cho biết đến năm 2020 sẽ đạt 10 tỷ USD, chiếm khoảng 5% thị trường bán lẻ Việt Nam.
Dữ liệu từ Bản đồ thương mại điện tử Việt Nam cho biết, trong quý 4/2018, Thế giới di động có 29,4 triệu lượt truy cập và là doanh nghiệp thương mại điện tử có lượt truy cập lớn thứ 4 tại Việt Nam, xếp sau Shopee (41,06 triệu), Tiki (35,97 triệu) và Lazada (32,53 triệu).
Hiện tại, MWG đang vận hành 3 website đang phục vụ nhu cầu mua sắm online về các sản phẩm điện thoại, điện máy và hàng tiêu dùng nhanh (FMCGs) là thegioididong.com, dienmayxanh.com và bachhoaxanh.com.
Trước đó, vào cuối năm 2018, trang thương mại điện tử Vui Vui (vuivui.com) của Thế giới Di Động đã chính thức đóng cửa. Khách hàng khi truy cập vào website này sẽ tự động chuyển sang bachhoaxanh.com, website chuyên phục vụ việc bán lẻ thực phẩm, nhu yếu phẩm hàng ngày.
Trên thực tế, kết thúc này không quá bất ngờ khi trước đó đã xuất hiện khá nhiều thông tin về việc thua lỗ kéo dài của Vui Vui. Cuộc chiến thương mại điện tử Việt Nam hiện hết sức khốc liệt khi các doanh nghiệp "thi nhau lỗ", thậm chí nhiều cái tên như Beyeu.vn, Deca.vn, Cucre.vn…đã phải chia tay thị trường do không chịu được áp lực cạnh tranh.
Với việc chia tay Vui Vui, Thế giới di động đã cho thấy chiến lược thống lĩnh mảng online 3 nhóm sản phẩm trong thị trường bán lẻ sản phẩm tiêu dùng tại Việt Nam bao gồm điện thoại, điện máy và thực phẩm/nhu yếu phẩm với 3 website Thegioididong.com, Dienmayxanh.com và Bachhoaxanh.com.
Trí Thức Trẻ