Không về quê ăn Tết vì muốn kiếm thêm tiền
'Vừa phải trả nợ, bố mẹ vừa lớn tuổi, nhiều lúc tôi cũng khá mâu thuẫn và chịu nhiều áp lực. Hiện tại, tôi chỉ muốn kiếm nhiều tiền hơn và hy vọng sẽ trả hết tiền nhà trong vòng 5 năm'.
- 03-01-2023Thuật kiếm tiền từ sói già 99 tuổi: Kẻ bất tài mới cầu thuận buồm xuôi gió, chọn bạn mà chơi chính là "nghệ thuật đầu tư"
- 28-12-2022Chỉ 2,4% người giàu đổi đời nhờ cổ phiếu, còn lại đều kiếm tiền từ kinh doanh: Muốn hốt bạc trong chốn thương trường thì phải làm được điều này
- 27-12-2022Khối tài sản khủng của 'Vua bóng đá' Pelé, mặc dù sức khỏe nguy kịch nhưng vẫn kiếm tiền tỷ mỗi ngày
"Tết không về nhà" vốn là một chủ đề mang nhiều ý kiến trái chiều, nhưng với việc đón Tết tại chỗ đang ngày một trở nên phổ biến, tình cảm gia đình cũng được diễn giải theo một cách mới trong dịp Lễ Tết. Không về quê ăn Tết, không có nghĩa là không nhớ về gia đình, có rất nhiều lý do đằng sau đó, và có những điều rất đáng để thông cảm.
01
"Được thưởng thêm tháng rưỡi lương, rất hấp dẫn"
Dũng, nhân viên bán hàng, nơi anh sống và làm việc cách nhà 1.600 km.
Đã 2 năm liền tôi không về nhà vào dịp Tết. Nguyên nhân chính là vì dịch bệnh.
Hơn nữa, mỗi dịp về nhà ăn Tết, tiền vé khứ hồi cộng với quà mua cho người thân và bạn bè cũng tiêu tốn một khoản kha khá, 2 năm không về, tôi có thể tiết kiệm rất nhiều tiền.
Một trong những lý do quan trọng nhất là tiền thưởng cho những ai làm xuyên Tết 3 năm trở lại đây quả thực rất hậu hĩnh. Vào dịp này, tiền lương được tăng gấp ba, lì xì cho ai tăng ca, hoa hồng cho những đơn đặt hàng… Chỉ tính riêng tiền thưởng thôi cũng bằng một tháng rưỡi lương.
Tôi có cha mẹ, gia đình nhỏ phải chăm sóc, còn tiền nhà phải trả, rất áp lực. Vì vậy, phần thưởng này khá hấp dẫn đối với tôi. Sau khi quyết định không về nhà, tôi đã mua quà rồi gửi về cho gia đình.
Ảnh minh họa: Pinterest
Bộ phận hơn 30 đồng nghiệp của chúng tôi, chỉ có 2 người phải về quê vì bận việc gia đình, còn lại đều ở lại đón Tết.
Vì có rất nhiều đồng nghiệp ở lại, quản lý 2 năm liền đều tổ chức một bữa tối cho mọi người vào đêm giao thừa.
Trộm vía các đồng nghiệp của tôi đều rất tốt, cảm giác giống như một gia đình, vì vậy tôi không hề cảm thấy cô đơn khi không về quê ăn Tết.
Năm nay, tôi dự định về nhà trước khi con bắt đầu đi học, hoặc đợi đến tháng 5 để về nhà.
Trước đây về quê, nhiều nhất chỉ ở được khoảng 1 tuần, lần này tôi dự định xin nghỉ nửa tháng, đưa vợ con đi chơi một thời gian. Bố mẹ ngày càng lớn tuổi, còn sức chơi được với con lúc nào thì cần trân trọng.
Vừa phải trả nợ, bố mẹ vừa lớn tuổi, nhiều lúc tôi cũng khá mâu thuẫn và chịu nhiều áp lực.
Hiện tại, tôi chỉ muốn kiếm nhiều tiền hơn và hy vọng sẽ trả hết tiền nhà trong vòng 5 năm. Đây là mong muốn hiện tại của tôi.
02
“Vì tự do mà làm shipper, 2 năm liền chưa về nhà đón Tết”
Kiên, shipper của một ứng dụng giao đồ ăn, đã 725 ngày chưa về nhà, nơi sống và làm việc cách nhà 2.380km.
Sang năm, tôi sẽ bước sang tuổi 31. Tôi tốt nghiệp ngành thiết kế, từng là giám đốc nghệ thuật điện ảnh với thu nhập hàng tháng hàng chục triệu, tuy nhiên, áp lực công việc và áp lực tới từ khách hàng quả thực rất lớn, và vì là một người yêu tự do nên tôi đã xin nghỉ việc. Hiện tại, tôi là một nhân viên giao hàng cho một ứng dụng đồ ăn.
2 năm qua, vì dịch bệnh nên tôi không về nhà đón Tết.
Bản thân mẹ tôi cũng thường gọi điện nói tôi không cần về nhà, vì sợ nguy hiểm trên đường. Nói thật, mấy năm rồi không gặp mẹ, vốn dĩ tôi muốn về nhưng trong khoảng thời gian cuối năm, mẹ luôn gọi điện nói với tôi: “Tết Nguyên đán con đừng về, dịch bệnh nguy hiểm, không biết trên đường có an toàn hay không nữa”.
Nghe mẹ nói như vậy, tôi cũng từ bỏ ý định về nhà và bắt đầu gọi điện video cho bố mẹ và ông bà ở nhà thường xuyên hơn.
Trong 2 năm ở lại thành phố, tôi nhận ra rằng không chỉ có mình mình bị chia cắt với gia đình bởi dịch bệnh.
Ảnh minh họa: Pexels
Trước đó, tôi nhận được một đơn hàng, có khá nhiều đồ, hơn chục cái, khách hàng gửi tin nhắn cho tôi rằng: “Chào bạn, tôi đang ở tỉnh ngoài, chắc tạm thời chưa kịp về được, vài ngày nữa là sinh nhật mẹ tôi, tôi mua cho bà ít đồ, không biết có thể phiền bạn gửi qua địa chỉ khác giúp tôi được hay không, cảm ơn bạn rất nhiều!”.
Tôi đáp lại: “Không có gì, bạn gửi địa chỉ, tôi sẽ gửi qua, đó là công việc của tôi”.
Rất nhanh sau đó, khách hàng nhắn tin lại rằng: “Cảm ơn bạn rất nhiều. Tới nơi phiền bạn gọi điện thoại cho tôi, điện thoại mẹ tôi cứ thỉnh thoảng nó lại có vấn đề, tôi bảo mẹ đổi nhưng bà không nỡ. Cảm ơn bạn!”.
Tôi mang hàng đi giao cho mẹ của khách hàng, giao hàng xong, tôi giúp bà gọi điện cho con gái, đầu dây bên kia nói: “Mẹ, con mua cho mẹ ít đồ dùng hàng ngày, đồ ăn và cả quần áo, mẹ mà không dùng, cứ giữ là con không về ăn Tết với mẹ đâu đấy, vài ngày nữa sinh nhật mẹ, mẹ nhớ ăn cái gì đó ngon ngon vào nhé”, nói xong khách hàng cúp máy, có thể nghe ra là cô ấy đang rất bận rộn với công việc ở bên đó.
Xong việc, cô ấy gửi cho tôi một tin nhắn nói: “Chào bạn, đây là phương thức liên lạc của tôi, năm nay tôi cũng không về nhà ăn Tết, sau này có gì muốn giúp đỡ, bạn cứ nói với tôi nhé, rất vui được giúp đỡ bạn!”.
Nơi đất khách quê người, nhưng cuộc sống thỉnh thoảng vẫn có những giây phút khiến tôi cảm thấy rất ấm lòng.
Mặc dù không thể về quê ăn Tết, nhưng tôi cũng không bạc đãi bản thân khi đón Tết một mình. Lịch trình đã dày kín 7 ngày Tết, vất vả cả một năm rồi, tôi cũng muốn đón một cái Tết thoải mái và trọn vẹn.
Sau cùng, tôi muốn nói: "Những người học tập và làm việc xa quê, đừng quên gọi điện thoại cho người nhà của bạn, nói với họ rằng bạn vẫn bình an. Sớm thôi, chúng ta sẽ sắp xếp một dịp khác trong năm để dành thời gian vui vẻ với gia đình và người thân!”.
Phụ nữ Việt Nam