Khu công nghiệp duy nhất có cảng biển quốc tế nội khu tại phía Bắc
Khu công nghiệp duy nhất có cảng biển quốc tế nội khu nằm tại khu vực phía Bắc.
- 16-03-2023Cần Thơ sẽ đầu tư 180.000 tỷ đồng phát triển công nghiệp
- 16-03-2023Một loại nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh hơn 400% trong 2 tháng đầu năm
- 14-03-20234 loại khoáng sản Việt Nam có trữ lượng thuộc top 5 lớn nhất thế giới
Theo Cổng thông tin điện tử xúc tiến đầu tư công nghiệp Việt Nam, khu công nghiệp Nam Đình Vũ (Hải Phòng) là khu công nghiệp duy nhất có cảng biển quốc tế nội khu - cảng Nam Đình Vũ tại cảng biển Hải Phòng.
Khu công nghiệp Nam Đình Vũ có vị trí vàng trong tam giác kinh tế Đông Bắc Bộ và nằm ở trung tâm Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải. Nằm ở mũi nhọn hướng biển của bán đảo Đình Vũ, khu công nghiệp hưởng nhiều lợi thế về kết nối giao thông, hệ thống cảng biển và logistics.
Khu công nghiệp Nam Đình Vũ được kết nối trực tiếp với trung tâm thành phố Hải Phòng với khoảng cách 10km, đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng là 4km. Từ vị trí của khu công nghiệp cũng có thể dễ dàng di chuyển sang tỉnh Quảng Ninh và biên giới với Trung Quốc qua cầu Bạch Đằng và tuyến cao tốc nối thẳng đến Móng Cái.
Đồng thời khu công nghiệp Nam Đình Vũ cũng nằm ngay dưới cầu Tân Vũ – Lạch Huyện, kết nối với cảng quốc tế nước sâu Lạch Huyện tại đảo Cát Hải. Do đó, khu công nghiệp Nam Đình Vũ có vị trí giao thông chiến lược để phát triển thành trung tâm logistics, thu hút các dự án kho thông minh, các dự án sản xuất quy mô lớn phù hợp với chiến lược, định hướng phát triển kinh tế của thành phố Hải Phòng.
Khu công nghiệp Nam Đình Vũ có vùng quay trở tàu rộng (300 mét) cho phép tiếp nhận tàu trọng tải tối đa đến 40,000 DWT. Ngoài ra, hạ tầng đường giao thông kết nối luân chuyển hàng hóa nội địa và quốc tế của khu công nghiệp Nam Đình Vũ vô cùng thuận lợi. Theo đó, các nhà đầu tư sẽ tối thiểu hóa chi phí và giảm thiểu các rủi ro trong logistics.
Hiện nay, khu công nghiệp Nam Đình Vũ đã thu hút được nhiều dự án đến từ các quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore. Tỷ lệ lấp đầy của khu công nghiệp giai đoạn 1 đạt khoảng 90%.
Đặc biệt, khu công nghiệp Nam Đình Vũ có cảng Nam Đình Vũ nằm bên trong nên vô cũng thuận tiện cho việc giao thương hàng hóa. Cảng Nam Đình Vũ là đầu mối vận tải hàng hóa thương mại quốc tế và nội địa quan trọng bậc nhất của toàn miền Bắc, ngay cửa sông Bạch Đằng. Đây cũng là cửa ngõ thông ra biển gần nhất so với các cảng khác tại khu vực Hải Phòng.
Cảng nước sâu Nam Đình Vũ có diện tích 65 ha với 1.500m cầu tàu, nằm trong hệ thống cảng biển của Hải Phòng, được trang bị thiết bị hiện đại với phần mềm quản lý tiên tiến, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải đến 40.000 tấn.
Hiện nay, cảng biển Hải Phòng là một trong những cảng biển quan trọng. Theo Bộ Giao thông Vận tải, cảng biển Hải Phòng nằm trong 2 cảng biển đặc biệt được ưu tiêu phát triển của cả nước.
Theo Cổng thông tin điện tử TP. Hải Phòng, Hải Phòng có hệ thống cảng biển lớn thứ hai cả nước, là cửa ngõ quốc tế của Việt Nam tham gia vào vành đai Thái Bình Dương, có chiều dài cầu cảng 11,53km với hơn 40 cảng và 69 cầu cảng.
Đặc biệt, cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng được đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ bốc xếp đồng bộ và hiện đại, có thể tiếp nhận được tàu container trọng tải lớn lên đến 8.000 TEU (tương đương với tàu trọng tải 100.000 tấn hoạt động trên tuyến vận tải biển xa), được kỳ vọng đóng vai trò trung tâm trong hệ thống cảng biển của Việt Nam và khu vực.
Hơn nữa, hệ thống cảng Hải Phòng còn thu hút lượng lớn hàng quá cảnh từ khu vực Đông Bắc Lào và khu vực Nam Trung Quốc. Với đặc thù là cảng nước sâu nằm ở đảo Cát Hải, nên việc kết nối giữa cảng Lạch Huyện với đất liền chính là cây cầu Tân Vũ - Lạch Huyện. Theo đó, hàng hóa từ cảng Lạch Huyện sẽ được vận chuyển bằng đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện tới mọi miền Tổ quốc.
Hải Phòng có hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy nội địa kết nối với cảng biển, đặc biệt là kết nối với Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện được xây dựng đồng bộ, hiện đại. Điều này góp phần đưa Hải Phòng trở thành đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, kết nối vùng, với khu vực và quốc tế.
Nhịp sống kinh tế