MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất về cơ bản hoàn thành, cuối quý II/2020 sẽ có thép cuộn cán nóng

08-01-2020 - 20:38 PM | Doanh nghiệp

Khu vực phía Nam gần đây tăng mạnh nhờ được cung cấp sản phẩm từ Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất.

CTCP Tập đoàn Hòa Phát chính thức công bố sản lượng tiêu thụ thép xây dựng năm 2019 đạt 2,776 triệu tấn, tăng 16,8% so với cùng kỳ, trong đó có trên 265.000 tấn xuất khẩu tới các thị trường như Nhật Bản, Campuchia, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Úc, Mỹ…. Con số này trùng khớp với báo cáo trước đó của CTCP Chứng khoán TP.HCM (HSC). 

Riêng tháng 12/2019, sản lượng bán hàng thép xây dựng Hòa Phát đạt 285.000 tấn, tăng 33,7% so với tháng 12 năm 2018, xuất khẩu đạt 39.664 tấn tăng 81,8% so với cùng kỳ. Tháng 12/2019, khu vực phía Nam đạt sản lượng bán hàng khoảng 70.000 tấn, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ 2018.

Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất về cơ bản hoàn thành, cuối quý II/2020 sẽ có thép cuộn cán nóng - Ảnh 1.

Sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của Hòa Phát

Tuy nhiên, sản lượng bán hàng cao nhất trong năm nay của thép xây dựng Hòa Phát tại phía Nam được ghi nhận trong tháng 11/2019 với trên 80.000 tấn. Theo ông Đỗ Minh Quý – Giám đốc chi nhánh Thép xây dựng Hòa Phát tại TP.Hồ Chí Minh, sản lượng bán hàng trong 2 tháng cuối năm nói trên là mức kỷ lục, cao nhất từ trước đến nay.

Lũy kế cả năm, khu vực miền Nam đã tiêu thụ được gần nửa triệu tấn thép xây dựng, gấp đôi năm 2018. Sản phẩm được tiêu thụ mạnh cả ở khu vực dân dụng và dự án. Thép cuộn chất lượng cao cho rút dây cũng liên tục ghi nhận những con số kỷ lục tại thị trường này.

Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất về cơ bản hoàn thành, cuối quý II/2020 sẽ có thép cuộn cán nóng - Ảnh 2.

Khu vực phía Nam gần đây tăng mạnh nhờ được cung cấp sản phẩm từ Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất. Với việc cảng biển cho phép tàu trọng tải lớn cập bến, thép Hòa Phát dễ dàng vận chuyển đến các tỉnh khu vực miền Trung, miền Nam cũng như xuất khẩu, đáp ứng nhanh chóng và kịp thời các đơn đặt hàng trong và ngoài nước.

Đến thời điểm này, Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất đã cơ bản hoàn thành, đang trong giai đoạn vận hành thử nghiệm giai đoạn 1 và đẩy mạnh tiến độ xây dựng giai đoạn 2 của Khu liên hợp. Dự kiến toàn bộ hai giai đoạn sẽ đi vào hoạt động đồng bộ từ cuối quý II/2020.

Theo kế hoạch ban đầu, Dung Quất được xây dựng theo 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 triển khai trong 24 tháng (từ tháng 2/2017), công suất 2 triệu tấn/năm thép dài (gồm 1 triệu tấn thép dài xây dựng và 1 triệu tấn thép dài chất lượng cao); giai đoạn 2 (triển khai từ tháng 8/2017), sản xuất 2 triệu tấn/năm thép cuộn cán nóng (HRC) phục vụ cơ khí chế tạo. Như vậy với lộ trình này, giữa năm nay, Hòa Phát sẽ có HRC ra thị trường.

Song song với việc đang vận hành thử nghiệm giai đoạn 1, cảng biển Hòa Phát Dung Quất có khả năng đón tàu 200.000 tấn cũng đang hoàn thành. Cảng Hòa Phát Dung Quất được xem là một trong các hạng mục quan trọng nhất của Khu liên hợp sản xuất gang thép Dung Quất, bởi nó là lợi thế rất lớn và riêng có của Thép Hòa Phát Dung Quất, giúp tối ưu hóa bài toán logistic, dễ dàng nhập nguyên liệu đầu vào, bốc dỡ hàng hóa và xuất hàng thành phẩm…từ Khu liên hợp tới các thị trường trong và ngoài nước.

Kế hoạch năm 2020, Hòa Phát đặt mục tiêu đạt sản lượng 3,5 - 3,6 triệu tấn thép xây dựng, trong đó đạt mốc 1 triệu tấn thép tại phía Nam. 

Dự báo 2020

Báo cáo mới đây của Bộ phận phân tích CTCP Chứng khoán SSI đánh giá năm 2020 nhu cầu thép sẽ tăng chậm lại, mức tăng trưởng trong khoảng 5-7% do ảnh hưởng từ thị trường bất động sản và giải ngân đầu tư công. Năm 2020, nguồn cung thép sẽ tăng khoảng 15% từ nguồn của Hòa Phát Dung Quất (2 triệu tấn) và công ty VAS Nghi Sơn (500.000 tấn). Bên cạnh đó, một số dây chuyền sản xuất đóng cửa (Posco SS công suất 500.000 tấn) giúp cân bằng nhẹ nguồn cung.

Báo cáo SSI nhận định khi biên lợi nhuận EBITDA của các công ty sản xuất đã tiệm cận 0 thì khả năng cạnh tranh bằng giảm giá thép là rất thấp, và các công ty nhỏ hơn có thể phải chọn việc cắt giảm sản lượng khi doanh thu không bù đắp được chi phí hoạt động.

SSI cũng cho rằng, thuế thép tự vệ đối với sản phẩm thép dài sẽ tiếp tục được gia hạn trong năm nay, trong bối cảnh hầu hết các nước đều duy trì việc bảo hộ hàng trong nước. Hiện nay mức thuế đang được áp dụng là 17,3% đối với phôi thép dài và 10,9% đối với thép xây dựng. Kể cả trong trường hợp thuế thép tự vệ không được gia hạn, thì áp lực từ phía thép Trung Quốc cũng không quá mức đáng ngại do giá thép sản xuất ở Trung Quốc đang khá cân bằng với Việt Nam.

Nền kinh tế chậm lại có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tổng cầu trên thế giới và qua đó ảnh hưởng đến giá thép tại Việt Nam. Theo Hiệp hội Thép Thế giới, nhu cầu thep tại Trung Quốc tăng khoảng 1%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 7,8% của năm 2019. Do đó, tổng cầu thép toàn cầu sẽ chỉ tăng khoảng 1,7% trong năm 2020, giảm đáng kể so với mức tăng 3,9% của năm 2019.

Công suất tăng đáng kể, trong khi nhu cầu có hạn sẽ làm tăng hơn nữa sự cạnh tranh của thép trong nước.

Nhận định về Hòa Phát, SSI Research cho rằng thị phần của Hòa Phát vẫn sẽ tiếp tục tăng trong các năm tới. Năm 2020, doanh thu và lợi nhuận ròng của Hòa Phát được dự báo sẽ tăng 15% và 24,7%, đạt lần lượt 72.000 tỷ và 9.700 tỷ. Sản lượng thép xây dựng sẽ tăng 33% đạt 3,7 tấn. Việc nối lại mỏ quặng ở Vale Brazil có thể sẽ khiến giá quặng sắt cân bằng trong năm 2020, và qua đó biên lợi nhuận của Hòa Phát có thể được phục hồi.

Tâm An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên