Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình: Dù nợ thuế 855 tỉ vẫn 'xin' Nhà nước 15-20 tỉ
Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình đang nợ đến 855 tỉ đồng tiền thuế và không có khả năng chi trả - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Đơn vị này xin tự chủ tài chính 30% thay vì 100% như hiện nay. KLHTTQG đề nghị Nhà nước phân bổ ngân sách 70% để duy trì hoạt động, tương đương với việc mỗi năm ngân sách nhà nước sẽ phải cấp cho đơn vị này từ 15 đến 20 tỉ đồng.
- 28-08-2022TP Hồ Chí Minh: Chuẩn bị vận hành thử nghiệm tàu metro Bến Thành - Suối Tiên
- 28-08-2022Ngành nào thu hút nhiều dòng vốn FDI nhất trong 8 tháng đầu năm 2022?
- 28-08-2022Ồn ào xăng dầu 'chiết khấu 0 đồng': Hiểu sao cho đúng?
Khu liên hợp thể thao quốc gia (KLHTTQG) Mỹ Đình hiện đang nợ đến 855 tỉ đồng tiền thuế và không có khả năng chi trả. Mới đây, đơn vị này lại có văn bản xin Nhà nước cấp tiền để duy trì hoạt động thay vì tự chủ tài chính 100%.
LĐBĐVN (VFF) đã quyết định đưa giải bóng đá quốc tế có sự tham dự của đội tuyển Việt Nam, Ấn Độ, Singapore vào TP.HCM để tổ chức. Ngay trận giao hữu giữa đội tuyển U20 Việt Nam với U20 Palestine cũng được VFF đưa lên Phú Thọ. Sân Mỹ Đình vốn đã "ế ẩm", giờ lại càng khó khăn vì không có nguồn thu.
Nợ nần chồng chất
Năm 2021, Thanh tra Chính phủ có kết luận thanh tra toàn diện việc chấp hành các quy định của pháp luật về công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công tại KLHTTQG trong giai đoạn 2009 - 2018.
Theo kết luận này, số tiền vi phạm của KLHTTQG được phát hiện qua quá trình thanh tra là gần 777 tỉ đồng, trong đó có 658 tỉ đồng là tiền thuê đất chưa nộp và chậm nộp. Hai vụ việc sai phạm đã được Thanh tra Chính phủ chuyển cơ quan điều tra.
KLHTTQG sau đó đã có văn bản gửi Thanh tra Chính phủ, Bộ VH-TT&DL báo cáo về tiến độ thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ. Liên quan đến khoản tiền 658 tỉ đồng tiền thuê đất của các hợp đồng ngắn hạn còn nợ mà Thanh tra Chính phủ yêu cầu KLHTTQG phải nộp cho Nhà nước, khu liên hợp cho biết không thể thực hiện được.
Ngày 13-8 vừa qua, Chi cục Thuế quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) tiếp tục thông báo số tiền nợ thuế của KLHTTQG hiện lên tới 855 tỉ đồng. Trong đó, số tiền thuế và các khoản thu khác tính đến ngày 31-7-2022 là 479 tỉ đồng và số tiền chậm nộp là 375,9 tỉ đồng.
Cơ quan thuế yêu cầu KLHTTQG phải nộp ngay số tiền thuế nợ chưa nộp là hơn 855 tỉ đồng vào ngân sách nhà nước. Cũng vì khoản nợ khổng lồ này mà từ năm 2018 đến nay, Cục Thuế Hà Nội cho biết đã nhiều lần cưỡng chế hóa đơn và phong tỏa tài khoản của KLHTTQG.
Những sai phạm tại KLHTTQG và các khoản nợ này diễn ra ở giai đoạn 2009 - 2018, trong thời gian mà ông Cấn Văn Nghĩa làm giám đốc. Ông Nghĩa đã nghỉ hưu từ năm 2018 và giám đốc hiện tại là ông Nguyễn Trọng Hổ. Những sai phạm nghiêm trọng, các khoản nợ khổng lồ do nhiệm kỳ trước để lại đã khiến đời sống của cán bộ nhân viên tại KLHTTQG đối mặt với rất nhiều khó khăn. Việc khai thác, sử dụng khu LHTTQG cũng bị ảnh hưởng lớn.
Xin Nhà nước cấp ngân sách 15-20 tỉ đồng/năm?
Sau khi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra và yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Tổng cục TDTT, KLHTTQG thực hiện kết luận.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra văn bản về việc sử dụng một số hạng mục công trình của KLHTTQG vào việc kinh doanh, cho thuê (trong thời gian không phải thực hiện nhiệm vụ được Nhà nước và cơ quan cấp trên giao). Theo văn bản, KLHTTQG chỉ được cho thuê SVĐ Mỹ Đình và Cung thể thao dưới nước vào mục đích phục vụ hoạt động thể thao, phụ trợ cho thể thao phù hợp với các quy định của pháp luật.
Từ năm 2009 đến nay, KLHTTQG là đơn vị sự nghiệp tự chủ tài chính 100%. Trước khi tự chủ tài chính, mỗi năm ngân sách nhà nước cấp cho đơn vị này khoảng 10 tỉ đồng. Sau khi tự chủ tài chính, KLHTTQG cho thuê đất đai và dịch vụ, thu được trung bình từ 30 đến 60 tỉ đồng/năm.
Số tiền này KLHTTQG dùng để trả lương cho cán bộ nhân viên, duy tu bảo dưỡng sân Mỹ Đình và Cung thể thao dưới nước, trả tiền vệ sinh và điện nước, văn phòng phẩm. Dù vậy, các dự án sửa chữa lớn của KLHTTQG, như sửa đường chạy, đơn vị này vẫn được Nhà nước cấp tiền.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo KLHTTQG cho biết đã gửi văn bản lên Tổng cục TDTT để xin trở lại cơ chế chỉ tự chủ tài chính một phần thay vì 100% như hiện nay. Vị này cho biết nếu không tạo cơ chế để KLHTTQG cho thuê các dịch vụ thì không có tiền trả cho nhân viên, không có tiền duy trì hoạt động của KLHTTQG.
Theo văn bản của KLHTTQG, đơn vị này xin tự chủ tài chính 30% thay vì 100% như hiện nay. KLHTTQG đề nghị Nhà nước phân bổ ngân sách 70% để duy trì hoạt động, tương đương với việc mỗi năm ngân sách nhà nước sẽ phải cấp cho đơn vị này từ 15 đến 20 tỉ đồng.
Khó có thể xin tiền nhà nước
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 27-8, một lãnh đạo Tổng cục TDTT cho biết đã nhận được văn bản của KLHTTQG. Văn bản này đã được tổng cục gửi lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho ý kiến trước khi trình Bộ Tài chính xem xét. Lãnh đạo này cho biết dù rất chia sẻ với khó khăn của KLHTTQG, nhưng theo các quy định hiện hành, đơn vị sự nghiệp tự chủ tài chính 100% lại quay về xin tiền Nhà nước là điều khó có thể xảy ra.
Tuổi trẻ