Khu vực nào chiếm lĩnh thị trường nhà thấp tầng?
ảnh minh họa
Nguồn cung mới nhà biệt thự, nhà phố mới tập trung chủ yếu ở Đồng Nai, Bình Dương, trong khi đó Tây Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục khan hiếm hàng mới.
- 07-01-2022Nguồn cung bất động sản sẽ tăng mạnh trong năm 2022?
- 07-01-2022Thổi giá, sốt đất 'ảo' có phải môi giới tạo nên?
- 07-01-2022Bén duyên đầu tư BĐS, bà chủ quán trà đá 65 tuổi sở hữu trong tay nhiều bất động sản hàng chục tỷ đồng, bán trà đá cho vui
Đồng Nai dẫn đầu nguồn cung mới
Theo báo cáo toàn cảnh thị trường bất động sản nhà ở TP. HCM và vùng phụ cận năm 2021 của DKRA Vietnam, nguồn cung mới phân khúc nhà phố, biệt thự tại khu vực tăng nhẹ.
Cụ thể, thị trường đón nhận 9.823 căn mở bán đến từ 55 dự án, tăng 34% so với năm trước (7.339 căn). Tỷ lệ tiêu thụ đạt 57%, tương đương 5.619 căn, tăng 7% so với năm 2020.
Trong đó, nguồn cung và lượng tiêu thụ ba tháng cuối năm ghi nhận cao nhất trong 4 quý, đạt lần lượt là 3.681 và 2.345 căn.
Nguồn cung mới tập trung ở Đồng Nai và Bình Dương, trong khi Tây Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục khan hiếm nguồn cung mới.
Theo đó, Đồng Nai ghi nhận nguồn cung và lượng giao dịch lớn nhất, với lần lượt 6.714 và 3.323 căn, chiếm 68,3% và 59,14% toàn khu vực. Đây cũng là địa phương có mức giá bán phổ biến khá cao, dao động từ 3,2 đến 70,3 tỷ đồng/căn, tăng khoảng 16% so với năm trước.
Riêng tại TP. HCM, nguồn cung và lượng tiêu thụ mới trên thị trường sụt giảm mạnh về mức thấp nhất trong 5 năm qua do ảnh hưởng của dịch bệnh và quy định về giãn cách xã hội. Khu Đông (TP. Thủ Đức) vẫn dẫn đầu về nguồn cung và lượng tiêu thụ. Giá bán sơ cấp ghi nhận mức tăng từ 3 - 5% so với giai đoạn mở bán trước đó. Giao dịch thứ cấp sụt giảm mạnh so với năm trước, tập trung chủ yếu ở những dự án đã bàn giao nhà với mức giá bán trên dưới 10 tỷ đồng/căn.
Nguồn cung ghi nhận 20 dự án mở bán (bao gồm 13 dự án mới và 7 dự án thuộc giai đoạn tiếp theo), cung cấp ra thị trường 797 căn, bằng 31% so với năm trước (2.558 căn). Tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung mới xấp xỉ 70%, tương đương 557 căn, bằng 29% so với năm 2020 (1.900 căn).
Các hình thức mở bán, đặt cọc online được áp dụng mạnh mẽ trong thời gian giãn cách xã hội. Thanh khoản giao dịch thứ cấp giảm mạnh, thị trường thứ cấp gần như ngủ đông do dịch bệnh. Những dự án quy mô lớn, được phát triển bởi những chủ đầu tư uy tín thu hút sự quan tâm của khách hàng.
Nguồn cung ổn định
Theo DKRA dự báo năm 2022, nguồn cung mới phân khúc nhà phố, biệt thự duy trì mức ổn định, tương đương năm 2021.
Theo đó, Đồng Nai dự kiến tiếp tục dẫn đầu nguồn cung mới toàn thị trường với khoảng 7.000 căn sẽ được đưa ra thị trường. Long An và Bình Dương ước tính tăng nhẹ với khoảng 1.500 căn. Bà Rịa - Vũng Tàu dao động ở mức 800 căn có thể được đưa ra thị trường. Riêng đối với Tây Ninh tiếp tục khan hiếm nguồn cung mới như những năm trước.
Đối với các tỉnh giáp ranh, sự quan tâm của khách hàng tập trung ở những dự án nằm trong các khu đô thị lớn với quy mô lên đến hàng trăm ha được quy hoạch đồng bộ và bài bản của những chủ đầu tư lớn, uy tín.
Mặt bằng giá sơ cấp có thể sẽ tiếp tục xu hướng tăng của năm 2021 do áp lực chi phí đầu vào tăng. Thị trường thứ cấp duy trì mức ổn định, trong ngắn hạn khó có những đột biến về thanh khoản và mặt bằng giá.
Riêng tại TP. HCM, nguồn cung có thể tăng nhẹ so với năm 2021 dao động ở mức 1.000 căn. Khu Đông (tức TP. Thủ Đức) vẫn chiếm tỷ trọng lớn về nguồn cung toàn thành phố.
Đáng chú ý, những dự án nằm trong khu đô thị lớn, có hạ tầng giao thông kết nối tốt, được quy hoạch bài bản bởi chủ đầu tư uy tín và có giá trị khoảng 15 tỷ đồng/căn sẽ được ưu tiên lựa chọn.