Khủng hoảng chưa từng có biến những mặt hàng tưởng chừng phổ biến như thịt, trứng hay chân gà bỗng trở nên xa xỉ, khan hiếm
Nguồn cung lương thực, phân bón và năng lượng thiếu hụt cùng với lạm phát và bất ổn kinh tế gia tăng trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vốn đang phải trải qua nhiều khủng hoảng, khó khăn.
- 20-02-2023Nghịch lý: Mặt hàng chứng kiến khủng hoảng tại Mỹ, người dân không có để mua lại đang được bày bán giải cứu tràn lan tại Việt Nam, giá rẻ bất ngờ
- 19-02-2023Chuyện thâm cung bí sử ở Tesla: Elon Musk dùng tiền thâu tóm công ty, thẳng tay đuổi 2 nhà sáng lập, ‘Mr Tesla’, ‘ông tổ’ ngành xe điện đến giờ vẫn ấm ức vì bị ‘superman’ lấy mọi hào quang
- 19-02-2023Mặt hàng Việt Nam xuất khẩu hàng trăm triệu USD/năm, Trung Quốc nhập cả trăm tấn, trở thành thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới
Thịt và trứng thành mặt hàng xa xỉ
Tại Ai Cập, nơi gần 1/3 dân số sống trong cảnh nghèo đói, nhiều năm qua bà Halima Rabie đã phải vật lộn để nuôi 5 đứa con đang ở độ tuổi đi học. Giờ đây, khi giá cả sinh hoạt tiếp tục tăng, người góa phụ 47 tuổi này đã phải cắt giảm nhiều nhu yếu phẩm cơ bản nhất.
"Thật không thể chịu nổi", Rabie nói khi bắt đầu công việc dọn dẹp nhà vệ sinh tại một bệnh viện công ở thành phố Giza. "Thịt và trứng đã trở thành một thứ xa xỉ", cô nói.
Tại Mỹ và nhiều quốc gia giàu có khác, giá tiêu dùng, vốn tăng đột biến do ảnh hưởng của biến động trên thị trường hàng hóa, nhất là giá dầu, đang có dấu hiệu hạ nhiệt. Điều này nhen nhóm hy vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm tốc tăng lãi suất, giúp nền kinh tế lớn nhất thế giới tránh rơi vào suy thoái.
Cuối năm ngoái, Trung Quốc cũng đã bất ngờ bãi bỏ các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt để ngăn ngừa Covid, vốn đã cản trở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tăng trưởng.
Thời tiết ấm hơn thông thường đã hạ nhiệt giá khí đốt, giúp châu Âu hạn chế những thiệt hại từ cuộc khủng hoảng năng lượng sau khi Nga "khóa van" phần lớn khí đốt đến lục địa này. Tuy nhiên, giá dầu và khí đốt vẫn neo cao giúp nền kinh tế Nga trụ vững trước các lệnh trừng phạt.
Ông Adam Posen, Chủ tịch Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, cho rằng tác động của xung đột đối với nền kinh tế thế giới chỉ như một "cú sốc thoáng qua".
Tuy nhiên, dù lớn hay nhỏ, điều này vẫn gây ra nỗi đau cho người dân. Ví dụ ở châu Âu, cuộc xung đột đã khiến giá khí đốt tăng gấp 3 lần so với trước chiến tranh.
Giá khí đốt tăng mạnh sau xung đột.
Trong năm nay, Sven Paar, người điều hành một tiệm giặt là ở Walduern, phía tây nam nước Đức, phải đối mặt với hóa đơn khí đốt tăng gấp 5 so với năm ngoái, từ mức 30.000 euro lên 165.000 euro. Cửa hàng anh đang vận hành 12 máy giặt hạng nặng để giặt 8 tấn quần áo mỗi ngày.
"Chúng tôi buộc phải chuyển chi phí gia tăng đó sang khách hàng", anh nói và cho biết đến nay anh có thể giữ chân khách hàng của mình là vì anh đã cho họ xem các hóa đơn năng lượng đi kèm với thông báo tăng giá.
Tuy giữ được chân khách hàng, nhưng cửa hàng cũng nhận được ít đơn hàng hơn. Nhiều nhà hàng do có ít khách nên nhu cầu giặt là cũng ít đi. Một số khách sạn đã đóng cửa, tạm ngừng hoạt động trong tháng 2 để đỡ phải trả chi phí sưởi ấm trong mùa thấp điểm, điều đó đồng nghĩa họ ít phải giặt chăn ga trải giường hơn.
Chân gà cũng trở nên đắt đỏ và khan hiếm
Giá thực phẩm quá cao cũng đang gây khó khăn cho người dân, đặc biệt là người nghèo. Nguồn cung lúa mì, lúa mạch và dầu ăn từ Ukraine và Nga đã bị gián đoạn. Đây là 2 nhà cung cấp lớn trên toàn cầu cho châu Phi, Trung Đông và một phần của châu Á, nơi nhiều người dân đang phải vật lộn với tình trạng thiếu lương thực. Nga cũng là nhà cung cấp phân bón hàng đầu của thế giới.
Tại Ai Cập, nước nhập khẩu lúa mì nhiều nhất thế giới, Rabie đã nhận thêm công việc thứ hai ở một phòng khám tư nhân vào tháng 7 vừa qua, tuy nhiên góa phụ này vẫn phải vô cùng tiết kiệm mới theo kịp được giá cả tăng cao.
Kiếm được chưa đến 170 USD/tháng, Rabie chỉ có thể cho các con ăn thịt mỗi tháng một lần và sử dụng những phụ phẩm rẻ hơn để đảm bảo cung cấp protein cho các con. Nhưng ngay cả những thứ đó cũng đang trở nên khó kiếm.
Chính phủ Ai Cập đã gợi ý cho người dân dùng chân và cánh gà để thay thế thịt gà, điều đó gây ra nhu cầu tăng đột biến, "ngay cả chân gà cũng trở nên đắt đỏ", Rabie nói.
Giá bánh mì tăng cao.
Tại Nigeria, nước nhập khẩu lúa mì hàng đầu của Nga, giá lương thực trung bình đã tăng vọt trong năm qua, tăng 37%. Giá bánh mì ở một số nơi cũng đã tăng gấp đôi trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung lúa mì. Ít nhất 40% tiệm bánh ở thủ đô Abuja của Nigeria đã phải đóng cửa sau khi giá bột mì tăng vọt khoảng 200%.
"Rất nhiều người đã dừng ăn bánh mì. Họ đã tìm đến những lựa chọn khác thay thế vì giá bánh mì quá đắt đỏ", Mansur Umar, Chủ tịch hiệp hội làm bánh ở Nigeria cho biết.
Tại Tây Ban Nha, chính phủ đang chi 300 triệu euro để giúp người nông dân mua phân bón. Giá phân bón cũng đã tăng gấp đôi kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra.
Jose Sanchez, một nông dân ở làng Anchuelo, phía đông Madrid, cho biết: “Phân bón rất quan trọng vì đất đai cần tưới tiêu. Đất không được tưới tiêu thì mùa màng không lớn lên được.”
Tại Jakarta, thủ đô Indonesia, nhiều người bán hàng rong cho biết họ không thể chuyển giá thực phẩm tăng cao sang cho khách hàng. Vì vậy, thay vì tăng giá bán, họ đã giảm khối lượng trên mỗi khẩu phần ăn.
Mukroni, 52 tuổi, người điều hành một quầy hàng thực phẩm cho biết: "Một kg gạo trước đây chia làm 8 phần, nhưng giờ chúng tôi chia thành 10 phần" và cho biết nếu giá quá cao, khách hàng sẽ không mua, vì vậy ông buộc phải chia nhỏ khẩu phần để giữ giá.
Thay vì tăng giá bán, người bán đã giảm khối lượng trên mỗi khẩu phần.
Tất cả những điều đó chứng tỏ nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay và ước tính năm 2022 GDP toàn cầu mất khoảng 1.000 tỷ USD.
Theo IMF, giá tiêu dùng ở các nước giàu nhất đã tăng 7,3% trong năm ngoái, cao hơn so với mức dự đoán 3,9% trong tháng 1/2022. Còn ở nước nghèo hơn, giá tiêu dùng cũng đã tăng 9,9%, cao hơn so với mức dự đoán 5,9% đưa ra trước xung đột.
Tham khảo: abcnews
Nhịp sống thị trường