Khủng hoảng container đang khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị bóp méo như thế nào?
Vận chuyển bằng container – "xương sống" của hệ thống giao dịch thương mại toàn cầu – đang cho thấy những dấu hiệu kiệt sức giữa lúc đại dịch Covid-19 bước vào những ngày đen tối nhất.
- 23-12-2020Không chỉ người thuê nhà, chủ nhà ở Mỹ cũng cạn tiền vì COVID-19
- 21-12-2020Đây là lý do gói kích thích Covid-19 sắp được thông qua lại vô cùng quan trọng nhất với nền kinh tế Mỹ
- 18-02-2020Hàng nghìn container thịt đông lạnh chất đống ở các cảng Trung Quốc vì virus corona
Mặc dù thu về mức lợi nhuận lớn nhất trong ít nhất là 1 thập kỷ trở lại đây, các công ty vận chuyển đang gặp rất nhiều khó khăn vì những "nút thắt cổ chai" đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn tại khắp các cảng từ miền Nam nước Anh đến Thượng Hải. Chuỗi cung ứng của mọi mặt hàng, từ linh kiện ô tô đến mỹ phẩm và thiết bị y tế đều đang bị bóp méo.
Theo dữ liệu của Sea Intelligence, trong tháng 11 chỉ có 50,1% các tàu container có thể hoạt động đúng giờ, so với tỷ lệ 50% của 1 năm trước và là mức thấp nhất kể từ năm 2011. Từ châu Á đến Bắc Mỹ, tỷ lệ đúng giờ đã giảm xuống dưới 30%.
Sự chậm trễ khiến chi phí tăng lên, làm gián đoạn các hoạt động và khiến doanh thu của các công ty vận tải sụt giảm. Theo tập đoàn bán lẻ Costco, công ty có mạng lưới 803 đại siêu thị trên khắp 4 châu lục, dự báo tình trạng thiếu hụt container trầm trọng và giao hàng chậm trễ sẽ còn kéo dài trong vài tháng nữa, đến tận tháng 3 năm sau.
Con đường chính kết nối thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn đang tắc nghẽn suốt từ tháng 9 đến nay. Cuối tuần vừa qua, đang neo đậu ngoài khơi bờ biển California là gần 20 tàu container đang chờ được dỡ hàng tại Los Angeles và Long Beach. Hồi cuối tháng trước con số chỉ là khoảng 1 tá. Cảng Los Angeles dự đoán sẽ xử lý 152.000 container cập bến trong tuần này – tăng 94% so với cùng tuần lễ này năm ngoái.
Tháng trước, Weston LaBar, CEO của Harbor Trucking Association ở Long Beach, dự báo khối lượng container đi qua các cảng ở Los Angeles sẽ chỉ ổn định vào giữa tháng 2 năm sau, khi các nhà máy ở Trung Quốc đóng cửa nghỉ tết âm lịch. Hiện đã có rất nhiều bên đặt tàu tới tận tháng 6 và tháng 7.
Theo Alan Murphy, CEO của công ty dữ liệu vận tải biển Sea-Intelligenece, tình trạng thiếu hụt container chủ yếu tập trung ở khu vực Bắc Mỹ. Tình hình sẽ cải thiện nếu như vaccine cho phép người tiêu dùng Mỹ nhanh chóng trở lại cuộc sống thường lệ.
Cũng theo vị chuyên gia này, trong nửa đầu năm 2021, ngành vận tải sẽ dần ổn định trở lại. Tuy nhiên đừng hi vọng các tàu container sẽ lặp phải sai lầm dư thừa công suất như trong quá khứ. Giá cước sẽ không thể giảm xuống.
Giá cước vận chuyển – vốn thường giảm xuống trong những tuần cuối cùng của năm – vẫn đang tăng lên bất chấp hoạt động thương mại bị gián đoạn. Giá cước để chuyển 1 container hàng hóa từ Trung Quốc sang châu Âu đã tăng 17% trong tuần trước, tăng gấp 3 so với 1 năm trước, lên hơn 4.400 USD.
"Cuộc chơi đã thay đổi, không phải bởi vì Covid-19 mà còn bởi cách phản ứng của các công ty vận chuyển. Giờ họ đã có thể điều chỉnh nguồn cung theo nhu cầu với mức độ khéo léo chưa từng thấy", Murphy nói.
A.P. Moller-Maersk A/S, một trong những hãng tàu lớn nhất thế giới, gọi những thách thức hiện nay là "bài kiểm tra ngặt nghèo nhất trong 75 năm qua". Các đại diện ngành cho rằng có rất nhiều lý do giải thích tại sao mạng lưới lại bị căng cứng, ví dụ như thiếu xe tải, thương mại điện tử bùng nổ hay cả những sự kiện địa chính trị như Brexit.
Thông thường các hãng tàu luôn cạnh tranh gay gắt về giá và mức độ tin cậy. Tuy nhiên, đại dịch đã giúp các hãng tàu chiếm thế thượng phong sau 1 thập kỷ ngành này liên tục chứng kiến các vụ M&A và thành lập các liên minh.
Trong khi đó cổ phiếu của Maersk đang ở gần mức cao nhất mọi thời đại.
Tham khảo Bloomberg