Khủng hoảng điện ở Trung Quốc lan rộng từ nhà máy sang cuộc sống thường ngày: Đèn giao thông không hoạt động, nhân viên văn phòng được yêu cầu đi thang bộ
Cuộc khủng hoảng điện của Trung Quốc đang ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người dân. Tình trạng này làm gia tăng nguy cơ bất ổn xã hội và khả năng gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
- 27-09-2021Bất ngờ với cuộc sống của "Công chúa Huawei" khi còn bị giam ở Canada: Thoải mái ăn nhà hàng, sắm đồ hiệu
- 27-09-2021Bắc Kinh đã chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng Evergrande phá sản?
Hiện tại, người dân ở một số tỉnh phía bắc Trung Quốc đã phải sống trong cảnh mất điện. Quảng Đông - trung tâm công nghiệp phía nam với nền kinh tế lớn hơn cả Australia, đã yêu cầu người dân chỉ nên bật điều hòa ở nhiệt độ trên 26 độ C để tránh tình trạng thiếu hụt trên diện rộng.
Ảnh hưởng của việc mất điện với cuộc sống của người dân cho thấy cuộc khủng hoảng thiếu điện tại Trung Quốc đang nhanh chóng trở nên căng thẳng như thế nào. Thông thường, Trung Quốc sẽ yêu cầu các khu công nghiệp sử dụng lượng điện lớn giảm tiêu thụ khi nguồn cung bị thắt chặt. Việc này làm dấy lên mối lo ngại về một "cơn gió ngược" khác có khả năng gây xáo trộn thêm cho chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trung Quốc đang phải đối mặt với những vấn đề nan giải liên quan đến điện ở 2 lĩnh vực. Một số tỉnh đã yêu cầu các doanh nghiệp cắt giảm hoạt động sản xuất công nghiệp để đáp ứng các mục tiêu về phát thải và cường độ năng lượng. Trong khi đó, một số tỉnh khác lại đối mặt với tình trạng thiếu điện do chi phí than và khí đốt tự nhiên tăng cao khiến sản lượng của các nhà máy phát điện chậm lại trong bối cảnh nhu cầu leo thang.
Theo Caixin, các tỉnh Liêu Ninh, Cát Lâm và Hắc Long Giang ở miền bắc Trung Quốc đều chịu cảnh mất điện vào cuối tuần qua. Ở những địa phương này, những cột đèn giao thông đều không hoạt động, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động đi lại trong giờ cao điểm.
Hôm thứ Hai tuần trước, Phó Thống đốc tỉnh Cát Lâm - ông Wu Jingping, đã yêu cầu việc đảm bảo nhu cầu điện cho người dân và tránh cắt điện bằng mọi cách. Một trang tin địa phương cho biết, những hạn chế như hiện tại có thể còn kéo dài đến tháng 3 năm sau và người dân nên chuẩn bị tinh thần cho việc cắt nước là một chuyện bình thường.
Trong khi đó, hôm 26/9, Cơ quan Quản lý Năng lượng tỉnh Quảng Đông đã đưa ra một thông báo, kêu gọi mọi tầng lớp xã hội cùng tham gia để ngăn chặn tình trạng mất điện trên diện rộng. Cơ quan này cho biết, việc cắt giảm quy mô lớn đối với các nhà máy đã được thực hiện và họ yêu cầu nhân viên văn phòng đi thang bộ ở 3 tầng đầu, các trung tâm mua sắm cũng giảm thời gian bật các biển quảng cáo, người dân nên sử dụng ánh sáng tự nhiên càng nhiều càng tốt và bật điều hòa không khí trên 26 độ.
Trước đó, Bloomberg đã đưa tin, Trung Quốc phải đối mặt với một mùa đông thiếu điện và có nguy cơ ảnh hưởng đến sự hồi phục của nền kinh tế. Nguyên nhân là do sự gián đoạn nguồn cung năng lượng trên toàn cầu đã đẩy giá nhiên liệu tăng chóng mặt.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể không có đủ than và khí đốt tự nhiên - được sử dụng cho các thiết bị sưởi ấm cho hộ gia đình và nhà máy điện, dù nhiều năm qua đã nỗ lực dự trữ trong bối cảnh các nước Bắc Á và châu Âu "tranh giành" để có được nguồn cung. Nhu cầu sưởi ấm sẽ tăng cao khi nhiệt độ giảm vào vài tháng tới và giới chức nước này sẽ phải hạn chế lượng sử dụng điện như mùa đông và mùa hè năm ngoái.
Trong khi đó, tình trạng thiếu hụt điện và giá nhiên liệu ở mức cao có thể ảnh hưởng tiêu cực đến lĩnh vực công nghiệp của nước này, càng làm tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại sau Covid-19. Ở trường hợp xấu nhất, các hộ gia đình thậm chí còn không có đủ điện để giữ ấm trong thời tiết lạnh giá, dù các nhà phân tích cho rằng chính phủ sẽ giảm sản lượng nhà máy để cung cấp điện cho người dân.
Thời gian gần đây, giá năng lượng từ Bắc Kinh đến London đã tăng vọt khi các nền kinh tế hồi phục sau đại dịch, thúc đẩy nhu cầu khi nguồn cung đang sụt giảm. Đà tăng được dự kiến sẽ lên mức cao điểm trong mùa đông này, khi nhu cầu ở Bắc bán cầu đạt đỉnh. Tình trạng này thậm chí có nguy cơ làm "trật bánh" của đà hồi phục kinh tế toàn cầu và gia tăng lạm phát.
Tham khảo Bloomberg