MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khủng hoảng gia tăng trong lòng nước Anh về Brexit

24-03-2019 - 18:26 PM | Tài chính quốc tế

Cuộc khủng hoảng ngày càng sâu sắc này có nguy cơ nhấn chìm Thủ tướng Theresa May, bất chấp những nỗ lực ngoại giao không mệt mỏi của bà thời gian qua.

Một cuộc biểu tình kéo dài hơn 5 giờ diễn ra hôm qua tại khu vực xung quanh tòa nhà Quốc hội Anh, với số người tham dự tới hơn 1 triệu người, phản đối việc Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) và yêu cầu tiến hành trưng cầu ý dân lần 2. Sau ba năm tranh luận căng thẳng, hiện vẫn chưa rõ bằng cách nào hay khi nào Brexit sẽ xảy ra, trong khi cuộc khủng hoảng ngày càng sâu sắc có nguy cơ "nhấn chìm" Thủ tướng Theresa May, bất chấp những nỗ lực ngoại giao không mệt mỏi của bà thời gian qua.

Khủng hoảng gia tăng trong lòng nước Anh về Brexit - Ảnh 1.

Thủ tướng Theresa May

Số người tham gia cuộc tuần hành phản đối được cho ngang với cuộc biểu tình hồi năm 2003 yêu cầu chấm dứt chiến tranh tại Iraq, được cho là cuộc biểu tình lớn nhất thế kỷ ở Anh. Những người biểu tình đã mang theo cờ EU và biểu ngữ yêu cầu bất cứ thỏa thuận Brexit cần phải được đưa ra cho người dân bỏ phiếu. Tham gia biểu tình tuần hành có rất nhiều gương mặt nổi trên chính trường Anh thuộc các đảng chính trị khác nhau.

Thị trưởng London Sadiq Khan phát biểu: “Đã đến thời điểm trao cho người dân Anh nói lên tiếng nói cuối cùng. Người dân Anh không bỏ phiếu cho một chính phủ đánh cược với tương lai của họ. Người dân Anh không bỏ phiếu cho một cơn ác mộng quốc gia. Đã đến lúc cho chúng tôi - những người dân Anh, đưa ra tiếng nói cuối cùng của mình về vấn đề Brexit”.

Cũng trong ngày hôm qua trên mạng website của Quốc hội Anh đã lập kỷ lục khi có tới hơn 4 triệu chữ ký của người dân Anh yêu cầu hủy bỏ Brexit. Theo quy định, khi Quốc hội nhận được thư kiến nghị từ trên 100 nghìn chữ ký thì sẽ phải đưa vấn đề này ra Quốc hội thảo luận.

Trong cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 23/6/2016, 52% cử tri Anh ủng hộ nước này ra khỏi ngôi nhà chung châu Âu, trong khi 48% ủng hộ ở lại khối. Kể từ đó, các lực lượng phản đối Brexit đều tìm cách tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân khác. Tuy nhiên, Thủ tướng Anh Theresa May đã nhiều lần bác bỏ khả năng này, cho rằng nó sẽ làm sâu sắc hơn sự chia rẽ, trong khi những người ủng hộ Brexit cũng khẳng định một cuộc trưng cầu ý dân thứ 2 sẽ khơi mào cho một cuộc khủng hoảng hiến pháp lớn. Một số khảo sát cũng cho thấy, có sự thay đổi nhẹ lập trường của người dân ủng hộ ở lại Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, điều đó vẫn là chưa đủ để tạo ra sự thay đổi quyết định nếu cuộc trưng cầu ý dân diễn ra.

Với những căng thẳng trong lòng nước Anh, Thủ tướng Theresa May cũng đang phải đối mặt với sức ép phải từ chức. Theo Tờ Thời báo chủ nhật của Anh, các bộ trưởng cấp cao trong chính phủ đang có kế hoạch “lật đổ” Thủ tướng trong những ngày sắp tới. Theo báo này, có 11 Bộ trưởng cấp cao cho biết họ đã nhất trí rằng Thủ tướng nên từ chức và khả năng này sẽ diễn ra trong 10 ngày tới. Báo này còn cho rằng, cấp phó của bà May, David Lidington, có thể là ứng cử viên cho vị trí Thủ tướng lâm thời, trong khi một số người khác lại bày tỏ ủng hộ Bộ trưởng Môi trường Michael Gove hay Bộ trưởng Ngoại giao Jeremy Hunt vào vị trí này.

Trong khi đó, Thủ tướng Anh Theresa May vẫn đang nỗ lực để đưa ra một giải pháp cho cuộc khủng hoảng mà nước này phải đối mặt. Chính phủ Anh dự kiến có thể đưa ra bỏ phiếu thỏa thuận Brexit của Thủ tướng lần 3 tại Hạ viện vào ngày 27/3. Tuy nhiên, trong một thông báo gửi tới các nghị sĩ, Thủ tướng khẳng định sẽ không tiến hành bỏ phiếu, nếu như bà không nhận được "đủ ủng hộ" từ các nghị sĩ.

Nếu cuộc bỏ phiếu diễn ra và nhận được sự ủng hộ thì nước Anh có thể rời EU trong trật tự vào ngày 22/5 tới. Việc nước Anh rời khỏi EU một cách trật tự cũng là điều mà nhiều nhà lãnh đạo châu Âu mong muốn. Trả lời phỏng vấn trên truyền hình hôm qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết sẽ nỗ lực đến phút cuối cùng để đảm bảo Anh ra khỏi EU một cách trật tự.

Thủ tướng Merkel nhấn mạnh: “Tôi sẽ nỗ lực đến phút cuối cùng cho tới thời điểm 29 tháng 3 để có một Brexit trật tự. Chúng ta không có nhiều thời gian để thực hiện điều đó. Tuy nhiên, đến thời điểm này chúng tôi cũng khó có thể xác định được quyết định, bởi vì tất cả phụ thuộc vào Thủ tướng Theresa May  sẽ thúc đẩy vấn đề như thế nào và điều gì sẽ diễn ra tại Hạ viện Anh sau đó các nước EU sẽ có phản ứng thích hợp”.

Với kịch bản thứ 2 là nếu Hạ viện Anh bác bỏ thỏa thuận hoặc không bỏ phiếu, thì nước Anh sẽ có thời gian tới ngày 12/4 để trình bày kế hoạch của mình, quyết định tổ chức hay không tổ chức cuộc bầu cử  Nghị viện châu Âu. Theo kịch bản này, ngày định mệnh Brexit 29/3 cũng được chuyển sang 12/4.

Theo Phạm Hà

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên