Khủng hoảng lương thực tại Trung Đông: Dân đổ xô xuống đường biểu tình vì ổ bánh mì, cả tuần tằn tiện chỉ dám ăn no 2 bữa
Nhiều lao động nghèo tại Trung Đông đang phải vật lộn với đà tăng cao của giá bánh mì.
- 29-03-2022Khủng hoảng bắt đầu lan đến bàn ăn của mọi gia đình trên thế giới: Chiếc pizza sẽ mỏng hơn bao giờ hết, bánh sandwich cũng ít lát thịt hơn
- 29-03-2022(Clip) Dân Thượng Hải điên cuồng tích trữ thực phẩm: Đám đông hỗn loạn, ẩu đả trong siêu thị, có người thức cả đêm canh mua đồ phòng đói
- 28-03-2022Thế giới với tình trạng 'mọi thứ đều tăng giá': Người tiêu dùng có tiền vẫn 'thắt lưng buộc bụng', doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất
Tờ Reuters trích lời ông Farag, 52 tuổi, một người dân sống tại Ai Cập cho biết: "Tôi ăn ít hơn để các con không bị đói. Ngân sách mỗi ngày giờ chỉ đủ để mua 8 ổ bánh mì nhỏ thay vì 10 cái như trước đây. Chúng tôi chỉ dám ăn no ba ngày một lần, những bữa còn lại chỉ độc bánh mì và pho mát rẻ”.
Khủng hoảng bánh mì tại Ai Cập
Ông Farag chỉ là một trong vô số những lao động nghèo tại Ai Cập đang phải vật lộn với đà tăng cao của giá bánh mì. Nguyên nhân cũng bởi quốc gia này là nơi nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, với hơn 60% lượng lúa mì tiêu thụ trong nước đều đến từ thị trường nước ngoài, trong đó chủ yếu là Nga và Ukraine.
Chuyên gia cho rằng sự bất ổn trong nguồn cung lúa mì - một hệ lụy từ cuộc xung đột địa chính trị Nga-Ukraine đã khiến giá mặt hàng này tăng cao phi mã. Trong tháng qua, giá lúa mì đã tăng 50%, gần sát mức cao nhất trong vòng 14 năm. Điều này khiến nhiều nhiều quốc gia tại Trung Đông, đặc biệt là Ai Cập khốn đốn, bởi người dân luôn quan niệm “bánh mì là cuộc sống”, là loại thực phẩm không thể thiếu trong mỗi bữa ăn hàng ngày.
Người dân Ai Cập luôn quan niệm “bánh mì là cuộc sống”, là loại thực phẩm không thể thiếu trong mỗi bữa ăn hàng ngày
Tờ DW trích câu chuyện của ông Hosni Mustafa, chủ một tiệm bánh mì tại Cairo, cho biết: “Mọi người thường xuyên hỏi tôi bánh mì hôm nay có giá bao nhiêu. Chúng tôi vẫn bán được khoảng 2.000 chiếc bánh mì mỗi ngày vì mọi người vẫn chấp nhận mua với giá cao”.
“Chúng tôi không thể sống thiếu bánh mì”, Mohammad Sayed, một người dân cho biết.
Ngoài ra, ngân sách của Ai Cập cũng dùng để cùng lúc nhập khẩu cả ngũ cốc lẫn năng lượng, vì vậy, gánh nặng chi tiêu ngày một nặng nề hơn.
“Tôi thấy lo cho Ai Cập. Chúng tôi đang thảo luận về cách hỗ trợ những người dân và doanh nghiệp dễ chịu tổn thương nhất”, Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết.
Hiện Ai Cập đang áp dụng các biện pháp mạnh chưa từng có để đảm bảo chương trình trợ cấp lương thực không bị gián đoạn. Giới chức tại Cairo cho biết kho dự trữ lúa mì của họ còn sử dụng được trong vòng vài tháng tới, trong khi các cánh đồng địa phương sẽ sớm thu hoạch vào giữa tháng 4.
Một tiệm bánh mì tại Ai Cập
Dẫu vậy, theo các nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, Ai Cập vẫn sẽ phải đối mặt với rủi ro trong ngắn hạn khi giá hàng hóa tiếp tục tăng cao, trong khi việc trợ cấp cho người dân dần được thu hẹp.
Ai Cập không phải quốc gia duy nhất
Ai Cập không phải quốc gia Trung Đông duy nhất đang mắc kẹt trong khủng hoảng bánh mì. Đối với những người dân nghèo, việc giá thực phẩm dần vượt ra ngoài tầm kiểm soát khiến tình cảnh càng thêm bi đát.
"Một nửa trong số chúng tôi đã phải nhịn ăn sáng, và tôi vẫn đang cố gắng hết sức để tìm kiếm thực phẩm cho gia đình. Chúng tôi sẽ ăn tất cả những gì mà mình có thể tìm thấy", ông Ghalib Al Najjar, một người dân Yemen nói.
Đối với anh Fadi Hamieh, một giảng viên đại học người Lebanon, cuộc sống cũng đang khó khăn hơn bao giờ hết khi giá bánh mì tăng cao chóng mặt, trong khi bột mì cũng dần trở thành mặt hàng khan hiếm tại nhiều cửa hàng.
“Các siêu thị đang tích trữ hàng thiết yếu và bán chúng với giá cao hơn”, Hamieh nói. “Mỗi khi đi mua đồ cho gia đình, tôi đều thấy chán nản. Chúng tôi phải cắt giảm quá nhiều thứ”.
Tờ DW (Đức) hôm 17/3 vừa qua cũng cho biết các cuộc biểu tình đang nhen nhóm tại trung tâm thành phố Nasiriyah, miền Nam Iraq, khi hàng trăm người tụ tập tại đây nhằm phản đối giá bánh mì, dầu ăn cùng nhiều mặt hàng khác. Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/2, giá các sản phẩm Iraq nhập khẩu từ Ukraine đã tăng tới 50%.
Trước đây, Ai Cập cũng từng có lịch sử về “bạo loạn bánh mì”. Vào năm 1977, cải cách kinh tế kéo theo cắt giảm trợ cấp của nhà nước và giá lương thực tăng cao đã khiến rất nhiều các cuộc biểu tình bạo lực nổ ra trên khắp cả nước. Đám đông khi đó đã không ngừng hô to: "Bánh mì, tự do và công bằng xã hội".
“Khủng hoảng Ukraine có thể gây ra các cuộc biểu tình mới và bất ổn tại một số quốc gia khu vực Trung Đông và Bắc Phi”, đại diện Viện Trung Đông có trụ sở tại Washington (Mỹ) nhận định.
Tuy nhiên, theo Cố vấn cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế John Raine, “Người dân có thể sẽ chịu nhiều áp lực kinh tế hơn, song tôi không cho rằng điều này có thể dẫn đến cú sốc lớn như những gì cuộc bạo động trong quá khứ gây ra”.
Một lò sản xuất bánh mì tại Trung Đông
Hiện bánh mì là thực phẩm chủ yếu ở các quốc gia Trung Đông. Các chuyên gia cho rằng, tùy thuộc vào từng quốc gia, bánh mì và ngũ cốc sẽ chiếm khoảng một nửa khẩu phần ăn của người dân địa phương, trong khi tại châu Âu chỉ là 1/4.
“Ở những quốc gia này, bánh mì giá cả phải chăng cho quần chúng lao động được coi là một thỏa thuận xã hội”, ông Michaël Tanchum thuộc Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu cho biết.
Theo: DW, Reuters
Doanh nghiệp và Tiếp thị