Khủng hoảng phân bón làm suy yếu ngành nông nghiệp
Với việc thị trường phân bón hiện đang chứng kiến những cú sốc về nguồn cung chưa từng có và giá cao kỷ lục, lạm phát lương thực trên toàn thế giới dự báo sẽ còn tăng hơn nữa khi sản lượng cây trồng giảm và giá sản phẩm tăng cao.
- 15-11-2021Phân bón tăng chóng mặt, thị trường toàn cầu phát tín hiệu SOS
- 14-11-2021Giá vật tư, phân bón lên rất cao gây khó cho nông dân ĐBSCL
Phân bón có nguồn gốc từ nitơ, chất dinh dưỡng quan trọng nhất của cây trồng, được sản xuất từ khí tự nhiên hoặc than đá. Nguồn cung những loại nhiên liệu này đang cực kỳ khan hiếm, buộc các nhà máy sản xuất phân bón ở châu Âu phải cắt giảm sản lượng, hoặc thậm chí, trong một số trường hợp, phải đóng cửa. Trong khi đó, Trung Quốc đã hạn chế xuất khẩu để đảm bảo đủ nguồn cung trong nước.
Các vấn đề: cước vận chuyển tăng, thuế quan tăng và thời tiết khắc nghiệt… cùng lúc ập đến làm gián đoạn các chuyến hàng vận tải trên toàn cầu. Mọi thứ xảy ra cùng lúc đến mức tình trạng của chuỗi cung ứng nông sản không thể tồi tệ hơn được nữa.
Giá lương thực trên toàn cầu đã tăng hơn 30% trong 12 tháng qua, đạt mức cao nhất trong vòng một thập kỷ do biến đổi khí hậu tàn phá mùa màng và đại dịch Covid-19 khiến cho sản xuất càng thêm chật vật.
Trong khi đó, khoảng 1/10 dân số trên thế giới bị thiếu ăn. Cuộc khủng hoảng phân bón đồng nghĩa với việc các loại cây trồng chủ lực - ngô, gạo và lúa mì – đang gặp nguy hiểm lớn, khiến Chỉ số giá ngũ cốc giao ngay của Bloomberg (Bloomberg Grains Spot Subindex( tăng khoảng 4% trong tháng vừa qua.
Chỉ số giá ngũ cốc - Bloomberg Grains Spot Subidex.
Thật khó để nói về tầm quan trọng của phân trong việc cung cấp thực phẩm, vì sẽ không "lịch sự" khi nêu vấn đề phân bón và liên tưởng đến đĩa thức ăn. Nhưng trên thực tế, gần như mọi đĩa thức ăn bạn có được đều có sự "hỗ trợ" của phân bón. Ngay cả thực phẩm hữu cơ cũng sử dụng chất thải của động vật và các chất dinh dưỡng khác. Nhưng nhìn chung, phân bón tổng hợp được thế giới sử dụng rộng rãi để có thể cung ứng đủ thực phẩm.
Kể từ khi chúng ta lần đầu tiên bắt đầu sản xuất phân bón tổng hợp cách đây hơn một thế kỷ, dân số trên hành tinh đã tăng từ khoảng 1,7 tỷ người lên khoảng 7,7 tỷ người, phần lớn là nhờ vào sự tăng trưởng vượt bậc về năng suất cây trồng. Một số chuyên gia thậm chí đã ước tính dân số toàn cầu có thể chỉ bằng một nửa so với ngày nay nếu không có phân đạm.
Với việc thị trường phân bón hiện đang chứng kiến những cú sốc về nguồn cung chưa từng có và giá cao kỷ lục, điều đó đồng nghĩa với việc lạm phát lương thực trên toàn thế giới thậm chí sẽ còn tăng hơn nữa.
Giá nông sản trên toàn cầu đang biến động rất mạnh. Giá lúa mì đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2012, cà phê cao nhất trong vòng gần một thập kỷ, ngô và nhiều sản phẩm cây trồng khác cũng tăng vọt.
Trên khắp Brazil, khoảng một phần ba nông dân trồng cà phê của quốc gia này không có đủ phân bón. Ở Mỹ, người trồng ngô nhận thấy giá hiện cao gấp hơn hai lần so với giá họ đã trả vào năm ngoái. Tại Thái Lan, một số người trồng lúa đang kêu gọi chính phủ can thiệp vào thị trường bởi chi phí đầu vào tăng như vũ bão. xoắn ốc.
Vậy mà hai trong số những nhà sản xuất phân bón hàng đầu thế giới, Nutrien Ltd. và Mosaic Co., dự báo giá phân bón sẽ còn tiếp tục tăng thêm nữa.
Nhà phân tích Alexis Maxwell thuộc Green Markets, một doanh nghiệp thuộc sở hữu của Bloomberg, cho biết: "Nông dân có thể chuyển gánh nặng giá phân bón tăng sang vai người tiêu dùng dưới hình thức giảm sản lượng và tăng giá sản phẩm cây trồng".
Chỉ số giá phân bón ở Bắc Mỹ - tham chiếu cho thị trường toàn cầu – ngày 12/11 đã tăng 0,4% so với phiên liền trước, lên 1.017,87 USD/tấn, xấp xỉ mức cao kỷ lục lịch sử đạt được vào tháng 10, theo dữ liệu của Green Markets. Trong khi đó, giá amoniac trên thị trường Tây Âu – nguyên liệu sản xuất nitơ và là "chỉ báo" giá phân bón của khu vực – đã tăng 12% trong tuần kết thúc vào ngày 12/11, đạt 910 USD/tấn, cao nhất trong vòng 13 năm. Giá các loại phân bón khác cũng tăng tương tự.
Giá các loại phân tổng hợp trên thế giới trong năm qua đều tăng mạnh (ĐVT: USD/tấn).
Nguyên nhân do khủng hoảng năng lượng
Mùa đông đang tới, thị trường khí gas toàn cầu chưa kịp hạ nhiệt lại một lần nữa nóng trở lại.
Giá LNG tại Đông Bắc Á.
Giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trên thị trường Châu Á trong tuần kết thúc vào 12/11 đảo chiều tăng sau 3 tuần liên tục giảm trước đó do nhu cầu tăng ở Trung Quốc bởi nhiệt độ giảm mạnh. Các nhà phân phối khí đốt đang tập trung sự chú ý vào nguồn cung khí của Nga cho thị trường Châu Âu. Giá LNG trung bình kỳ hạn tháng 12 tại khu vực Đông Bắc Á tăng lên 31,5 USD/mmBtu, tăng 2 USD, tương đương khoảng 6,8% so với tuần trước.
Ở Châu Âu, giá khí gas đã hai ngày liên tiếp tăng mạnh bởi lo sợ hãng khí đốt khổng lồ của Nga, Gazprom, sẽ không cung cấp đủ khí đốt vào mùa đông này sau khi cơ quan quản lý năng lượng của Đức đình chỉ quá trình phê duyệt đường ống Nord Stream 2 của Gazprom từ Nga tới Đức. Theo đó, giá ngày 16/11 tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng 3 tuần. Khí gas kỳ hạn tháng 12 trên thị trường Hà Lan tăng 7,40 euro chỉ trong một phiên, lên 89 euro/megawatt giờ (MWh), cao nhất kể từ ngày 26 tháng 10. Tại Anh, khí gas giao tháng 12 tăng 18,96 pence ở mức 2,24 GBP/therm.
Giá khí gas tại Mỹ cùng ngày cũng tăng vọt 5% do dự báo thời tiết sắp tới sẽ giá lạnh khiến nhu cầu sưởi ấm tăng lên và theo xu hướng tăng giá trên toàn cầu.Trên sàn New York, giá khí đốt kỳ hạn tháng 12 cùng phiên cũng tăng 5,2%, lên 5,278 USD/mmBtu, cao nhất kể từ ngày 8/11.
Với những thực tế nêu trên, cơn sốt giá phân bón chưa biết đến khi nào mới có thể hạ nhiệt, lạm phát giá lương thực dự báo sẽ còn tiếp tục cao trong những tháng tới.
Tham khảo: Bloomberg, DTN