Khủng hoảng thép: Pháp, Đức kêu gọi thắt chặt bảo hộ thương mại
Pháp, Đức kêu gọi đẩy nhanh áp đặt thuế quan đối với mặt hàng thép, thậm chí có thể truy thu thuế trong trường hợp có hiện tượng bán phá giá.
- 11-05-2016Trung Quốc phản ứng trước cáo buộc bán thép "rẻ như cho"
- 10-05-2016Bớt đầu cơ, tiêu thụ thép giảm hẳn
- 10-05-2016Kết quả kinh doanh ngành thép và nghịch lý của "ông lớn"
Pháp và Đức hôm qua (13/5) đã lên tiếng kêu gọi các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) thắt chặt các biện pháp bảo hộ thương mại nhằm bảo vệ các công ty của khối này đối phó với làn sóng hàng nhập khẩu giá rẻ vào EU trong đó có các mặt hàng thép đến từ Trung Quốc.
Ủy ban châu Âu từ năm 2013 đã đề xướng xây dựng các quy định luật liên quan đến hệ thống bảo hộ thương mại của Liên minh châu Âu song cơ quan này đã không nhận được sự ủng hộ của các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều nước thành viên khối này trong đó có Đức và Pháp đã bắt đầu quan tâm đến vấn đề này trước cuộc khủng hoảng nguồn cung thép dư thừa hiện nay.
Trong một tuyên bố chung tại cuộc họp các Bộ trưởng Thương mại Liên minh châu Âu diễn ra tại Brussels ngày 13/5, Bộ trưởng Thương mại của Đức và Pháp đã kêu gọi đẩy nhanh các cuộc điều tra chống bán phá giá đối với các sản phẩm thép của Trung Quốc, theo đó đẩy nhanh việc áp đặt thuế quan đối với mặt hàng này, thậm chí có thể tiến hành truy thu thuế trong trường hợp có hiện tượng bán phá giá.
Cuộc khủng hoảng thép “nóng lên” trong nhiều tháng trở lại đây sau khi Tata Steel, tập đoàn thép lớn nhất Ấn Độ và lớn thứ sáu thế giới, loan báo kế hoạch bán các nhà máy thép tại nước Anh, khiến 15.000 lao động tại “xứ sở sương mù” đứng trước nguy cơ mất việc.
Trung Quốc, quốc gia có sản lượng thép chiếm hơn 50% sản lượng toàn thế giới, đã đẩy mạnh xuất khẩu thép ra thị trường nước ngoài trong nhiều năm trở lại đây. Trung Quốc hiện đang bị cáo buộc đã “làm ngập” thị trường thép toàn cầu, với giá bán rẻ hơn chi phí sản xuất và vi phạm các nguyên tắc thương mại quốc tế. /.
VOV