MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khủng hoảng thiếu lao động hậu COVID-19

Tính đến cuối tháng 4, nước Mỹ có khoảng 11,4 triệu vị trí cần tuyển dụng. (Ảnh minh họa - Ảnh: Getty)

Tính đến cuối tháng 4, nước Mỹ có khoảng 11,4 triệu vị trí cần tuyển dụng. (Ảnh minh họa - Ảnh: Getty)

Kinh tế thế giới đã chuyển từ trạng thái dư thừa lao động trong đại dịch sang khủng hoảng thiếu lao động.

Thiếu hụt lao động đang trở thành câu chuyện phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới và không chỉ giới hạn trong 1 - 2 lĩnh vực kinh tế đơn lẻ.

Thị trường lao động Mỹ tiếp tục thắt chặt

Theo CNBC, ngay cả khi các hoạt động tuyển dụng đã có phần chững lại trong thời gian gần đây do lo ngại nguy cơ suy thoái khi FED tăng lãi suất, thị trường lao động Mỹ vẫn đang ở trong tình trạng thắt chặt. Tính đến cuối tháng 4, nước Mỹ có khoảng 11,4 triệu vị trí cần tuyển dụng, cao gấp đôi số lao động trong tình trạng không có việc làm.

Anh có thể thiếu hụt lao động trong 3 - 5 năm tới

Tại Anh, đại dịch COVID-19 và Brexit đã khiến số lượng việc làm bỏ trống liên tục tăng mạnh, đạt mức cao kỷ lục 1,3 triệu trong giai đoạn từ tháng 3 - 5/2022. Quý 1 năm nay cũng là lần đầu tiên số người thất nghiệp tại Anh ít hơn số vị trí cần tuyển dụng. Các chuyên gia dự báo, tình hình thiếu hụt nhân công tại Anh có thể kéo dài từ 3 - 5 năm tới.

Eurozone đối mặt tình trạng thiếu hụt nhân lực

Còn tại Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), tỷ lệ việc làm bị bỏ trống trong quý 1 năm nay cũng đã tăng lên mức cao kỷ lục là 3,1%.Trong đó ngành dịch vụ đối mặt với nhiều thách thức hơn cả khi có tỷ lệ việc làm bỏ trống lên tới 3,6%. Điều này đồng nghĩa với việc các sân bay, nhà hàng, khách sạn tại đây sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực ngay trong mùa du lịch cao điểm năm nay.

Trong đại dịch COVID-19, nhiều lĩnh vực kinh tế đã bị thu hẹp, khiến các công ty buộc phải sa thải hàng triệu lao động. Sau 2 năm đại dịch, các nước mở cửa lại đường biên giới, nhu cầu tuyển dụng tăng vọt, trong khi thị trường không đáp ứng kịp, dẫn tới khủng hoảng thiếu lao động.

Những lĩnh vực nào chịu ảnh hưởng nặng nề nhất?

Những ngành chịu tác động nặng nề nhất trong đại dịch là hàng không, du lịch, dịch vụ, nhà hàng khách sạn. Đây cũng là những ngành thiếu hụt nhiều lao động nhất trong thời điểm hiện nay.

Tình trạng thiếu hụt lao động đã buộc nhiều công ty và doanh nghiệp phải cắt giảm giờ làm do không thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Ngành du lịch châu Âu đang chứng kiến áp lực tuyển dụng ngày càng gay gắt.

Ngành du lịch châu Âu thiếu hụt nhân lực

Mùa du lịch hè cao điểm đang đến với Benidorm - thành phố nổi tiếng về du lịch biển phía Đông Nam Tây Ban Nha.

Tuy nhiên năm nay, một số nhà hàng, quán bar tại đây cho biết đã buộc phải đóng cửa 1 ngày/tuần vì thiếu nhân viên.

"Tôi đã đăng cả quảng cáo trực tuyến và đi hỏi khắp nơi,nhưng cho tới bây giờ, quán vẫn chưa tuyển được 2 nhân viên cần thiết để vận hành quán 100% công suất", ông Pablo González, Quản lý quán Taberna Andaluza, Tây Ban Nha, cho biết.

Dù đó là đầu bếp, nhân viên quầy bar hay nhân viên rửabát…, đâu đâu cũng trưng biển tuyển dụng. Vào mùa cao điểm du lịch, lĩnh vực khách sạn và nhà hàng ở Tây Ban Nha tuyển dụng thêm khoảng 100.000 lao động thời vụ. Hiện tỷ lệ thiếu hụt là 50%.

Nghịch lý là tỷ lệ thất nghiệp tại Tây Ban Nha đang ở mức cao nhất trong các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đạt 13,7%

Có nhiều yếu tố gây ra tình trạng thiếu hụt nhân lực trong ngành công nghiệp không khói ở châu Âu thời điểm này, trong đó phải kể đến tính chất mùa vụ của ngành du lịch. Sự thiếu khuyết trong khâu đào tạo, điều kiện làm việc kém và ảnh hưởng của COVID-19.

Sau 2 năm đại dịch, nhiều người lao động phải rời bỏ ngành du lịch, làm công việc khác. Chưa kể, lạm phát tại châu Âu đang tăng cao kỷ lục, mức lương đang tăng không kịp.

"Công việc rất mệt mỏi. Khi trở lại trong tháng đầu tiên, chúng tôi bị đau nhức khắp người. Chúng tôi phải lái xe nhiều cây số. Hơn thế nữa, chúng tôi chẳng mấy khi được nghỉ cuối tuần, vì cuối tuần mọi người đi chơi và đặt phòng nhiều. Do đó, tôi hoàn toàn thấu hiểu khi nhiều người trẻ không muốn làm việc trong lĩnh vực này", chị Océane Bouffort, nhân viên thời vụ Khách sạn Mercure, Pháp, chia sẻ.

"Chúng ta đều biết rằng thù lao nên tiếp tục được tăng lên, nhưng có những khó khăn đang chồng chất lên nhau. Chúng ta đang đối mặt với giá cả tăng cao chóng mặt, nhu cầu du lịch hiện vẫn chưa hoàn toàn phục hồi và các doanh nghiệp trong ngành du lịch thì vẫn lao đao sau hai năm gặp khó nghiêm trọng vì đại dịch", ông Emilio Gallego, Tổng Thư ký Liên đoàn Khách sạn và Nhà hàng Tây Ban Nha, đánh giá.

Áp lực về nhân sự là rất lớn khi mùa du lịch đã đến. Dự kiến trong năm nay, EU sẽ áp dụng bộ quy định mới về lao động nhập cư để phát triển các kênh nhập khẩu lao động hợp pháp.

Trước đó, Ủy ban châu Âu hồi tháng 6/2021 đã khởi động sáng kiến "Đối tác nhân tài", trong khuôn khổ hiệp ước mới về di cư và tị nạn, nhằm thu hút lao động từ các nước đang phát triển.

Các doanh nghiệp ngần ngại tăng tiền lương để thu hút lao động

Một số tổ chức nghiên cứu cho rằng COVID-19 đã thay đổi vĩnh viễn thị trường việc làm của thế giới, đặc biệt ở các nước có nền kinh tế phát triển như Mỹ và châu Âu, khi người lao động có xu hướng đòi hỏi mức lương và phúc lợi tốt hơn, đồng thời có sự linh hoạt lớn hơn trong giờ giấc, địa điểm, thay vì chấp nhận các công việc mang tính cố định như trước kia.

Ở chiều ngược lại, mặc dù có nhu cầu tuyển dụng lớn, các công ty lại không sẵn sàng tăng lương cho người lao động, do lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế.

Khủng hoảng thiếu lao động hậu COVID-19 - Ảnh 1.

Nhân viên làm việc ở nhà máy của Tesla tại Thượng Hải (Trung Quốc). (Ảnh minh họa - Ảnh: Tân Hoa xã)

Lạm phát cao kết hợp tăng trưởng chậm ở Mỹ và nhiều nước châu Âu khiến các doanh nghiệp có xu hướng chọn giải pháp thu hẹp quy mô hoạt động hơn là gia tăng quỹ lương dành cho việc tuyển dụng. Điều này đã dẫn đến sự mâu thuẫn ngày càng lớn giữa người lao động và các nhà tuyển dụng.

Nhiều công ty lớn hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, dược phẩm, bán lẻ như Tesla, Novatirs đang cắt giảm đầu tư hoặc việc làm.

Tesla có kế hoạch cắt giảm 10% lực lượng lao động, trong khi các công ty điện tử lớn của Hàn Quốc đã dừng các dự án hoặc thỏa thuận khi lạm phát tăng mạnh và lòng tin vào nền kinh tế toàn cầu giảm sút.

Lạm phát và áp lực tiền lương gia tăng buộc các công ty phải tăng giá bán, dẫn đến doanh số sụt giảm. Sự phòng bị của các công ty trước các biến động của nền kinh tế vĩ mô được xem có thể làm gia tăng tình trạng bất ổn và các khoảng trống trên thị trường lao động toàn cầu.

Thị trường lao động toàn cầu đang bước vào vòng xoáy bất ổn, đòi hỏi chính phủ các nước có giải pháp để giảm lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng, qua đó giải quyết được các mâu thuẫn trên thị trường hiện nay.

Theo PV

VTV

Trở lên trên