MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khủng hoảng Toyota: Thừa nhận gian lận trong sản xuất, chủ tịch bị phản đối tái bổ nhiệm, 2 ngân hàng lớn đồng loạt thoái vốn

14-06-2024 - 21:00 PM | Tài chính quốc tế

Tình cảnh tại Toyota đang khó khăn hơn bao giờ hết.

Toyota Motor sẽ tổ chức họp cổ đông thường niên vào tuần tới. Một số cố vấn đầu tư phản đối việc Chủ tịch Akio Toyoda tái đắc cử vào hội đồng quản trị, trong bối cảnh gã khổng lồ ô tô Nhật Bản đứng trước vô số trở ngại xoay quanh các cuộc điều tra về an toàn.

Theo Nikkei Asia, Toyota sẽ tổ chức cuộc họp thường niên vào ngày 18/6 tại trụ sở chính ở quận Aichi, miền trung Nhật Bản. Công ty đã đệ trình đề xuất bầu lại toàn bộ 10 giám đốc, trong đó có ông Toyoda.

Theo thông báo triệu tập đại hội thường niên, lý do chọn Toyoda làm ứng cử viên cho chiếc ghế giám đốc là bởi vị lãnh đạo này có công củng cố khả năng cạnh tranh của Toyota. Tuy nhiên, công ty ủy quyền của Mỹ Institutional Shareholder Services lại khuyên các nhà đầu tư nên bỏ phiếu chống lại việc tái bổ nhiệm.

“Là một nhà điều hành cấp cao lâu năm, ông Toyoda phải chịu trách nhiệm cuối cùng với một loạt những bất thường bên trong tập đoàn Toyota Motor”, báo cáo viết.

Trước đó, Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản cho biết Toyota và 4 nhà sản xuất khác đã thừa nhận nhiều sai sót trong các cuộc kiểm tra về an toàn. Hãng hiện đã ngừng vận chuyển và bán các mẫu xe Corolla Fielder, Corolla Axio và Yaris Cross tại Nhật Bản do đơn đăng ký chứng nhận sử dụng những “dữ liệu không đầy đủ trong các bài kiểm tra khả năng bảo vệ người đi bộ và người ngồi trong xe”.

Báo cáo của ISS cho biết: “Đánh giá từ các thành viên hội đồng quản trị cũng như các biện pháp đối phó được công ty công bố, xu hướng bảo vệ văn hóa doanh nghiệp của Toyota đã bị nghi ngờ. Ông Toyoda nên phải chịu trách nhiệm về việc đó”.

Một cố vấn ủy nhiệm khác, Glass Lewis, cũng phản đối việc ông Toyoda tái đắc cử sau vụ bê bối. “Chúng tôi tin rằng ông Toyoda phải chịu trách nhiệm về việc không đảm bảo duy trì các biện pháp kiểm soát nội bộ phù hợp. Ông cũng không đảm bảo các biện pháp quản trị phù hợp được thực hiện tại các công ty con. Với sự xuất hiện ngày càng nhiều các vấn đề trong toàn tập đoàn, người ta sẽ đặt ra câu hỏi liên quan đến văn hóa doanh nghiệp dưới sự lãnh đạo của ông Toyoda.”

Năm ngoái, Glass Lewis cũng đã khuyến nghị các cổ đông ngăn ông Toyoda tái đắc cử chức vụ giám đốc với lý do quản trị doanh nghiệp không đủ hiệu quả. Khi đó, đề xuất này đã bị từ chối.

Khủng hoảng Toyota: Thừa nhận gian lận trong sản xuất, chủ tịch bị phản đối tái bổ nhiệm, 2 ngân hàng lớn đồng loạt thoái vốn- Ảnh 1.

Vào tháng 1, Toyoda cam kết sẽ thực hiện nhiều thay đổi trong văn hóa doanh nghiệp, đồng thời kỳ vọng sẽ tạo ra một môi trường nơi “các thành viên có thể liên kết công bằng”. Trong cuộc họp báo ngày 3/6, vị chủ tịch cũng nhắc lại rằng ông sẽ cải thiện quy trình nội bộ liên quan đến các bài kiểm tra. Ông cho rằng ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản và Bộ Giao thông nên thảo luận cập nhật quy trình thử nghiệm.

Sai phạm tương tự Toyota cũng được phát hiện tại các nhà sản xuất ô tô Honda Motor, Mazda Motor và Suzuki Motor. Sự việc khiến Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản lên tiếng yêu cầu 85 công ty trong ngành - bao gồm cả các nhà sản xuất ô tô và thiết bị - điều tra xem liệu có tồn tại bất kỳ những bất thường nào trong văn bản đăng ký chứng nhận mẫu xe hay không. Giới chức coi đây là vụ việc gây “suy giảm niềm tin người dùng, đồng thời lung lay nền tảng hệ thống chứng nhận ô tô quốc gia”.

Theo Bộ, cả Toyota, Mazda và Yamaha đều thừa nhận gian lận đã xảy ra trong quá trình sản xuất. Một số mẫu xe cụ thể đã bị yêu cầu dừng vận chuyển cho đến khi đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về chất lượng.

Atsushi Osanai, giáo sư Đại học Waseda, cho biết: “Tôi tin rằng đó là kết quả của sự tự tin thái quá và ngây thơ của các nhà sản xuất ô tô khi nghĩ rằng việc đi chệch khỏi các quy tắc hiện hành ở một mức độ nào đó là không vấn đề gì”.

“Những bất thường liên quan đến động cơ sẽ khiến các nhà sản xuất động cơ mất lòng tin và bất an. Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản nên cẩn trọng vì chiến lược sản phẩm cũng sẽ bị ảnh hưởng”, giáo sư Atsushi Osanai nhận định.

Mới đây nhất, hai ngân hàng lớn nhất Nhật Bản đã quyết định thoái vốn khỏi Toyota thông qua việc bán lại cổ phần cho chính hãng xe này. Phía ngân hàng không đưa ra lý do cụ thể, song giới phân tích cho rằng động thái phản ánh mong muốn tránh rủi ro tài chính tiềm ẩn.

Thời điểm thoái vốn, ước tính trị giá 8,5 tỷ USD của hai ngân hàng, trùng hợp với giai đoạn Toyota đang chìm trong khủng hoảng. Bản thân uy tín và tình hình tài chính của Toyota chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Rõ ràng, bê bối không chỉ gây sức ép lên cổ phiếu của Toyota mà còn khiến các nhà đầu tư lo ngại về các nhiều vấn đề khác. “Vấn đề quản trị là mối lo ngại lớn hơn tác động đến lợi nhuận”, chuyên gia Koji Endo của SBI Securities cho biết trên Nikkei Asia.

Được biết, nhiều quan chức Nhật Bản đã tới trụ sở chính của Toyota để thu thập thông tin sau khi vụ bê bối kiểm tra an toàn tại một số nhà sản xuất ô tô trong nước. Bộ Giao thông Vận tải Nhật Bản cho biết việc kiểm tra các văn phòng của Toyota ở miền trung Nhật Bản sẽ diễn ra trong vài ngày.

Theo: Nikkei Asia, CNN


Theo Vũ Anh

antt.nguoiduatin.vn

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên