MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khủng hoảng trong ngành Y: Cán bộ, viên chức nghỉ việc hàng loạt

24-08-2022 - 09:24 AM | Xã hội

Biến động nhân sự vì các lý do khác nhau là vấn đề thường xuyên xảy ra ở bất kỳ lĩnh vực nghề nghiệp nào. Tuy nhiên, tình trạng nghỉ việc hàng loạt của cán bộ, viên chức đặc biệt là nhân viên y tế thời gian qua đã tác động không nhỏ đến công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân, giải quyết an sinh xã hội.

Số liệu thống kê từ Công đoàn ngành Y tế Việt Nam cho thấy, tính từ đầu năm 2021 đến hết 6 tháng đầu năm 2022, cả nước có gần 9.400 nhân viên y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc. Nhân viên y tế đồng loạt nghỉ việc chỉ trong thời gian ngắn là việc chưa từng có trong lịch sử ngành y tế.

Làn sóng nghỉ việc có xu hướng tiếp tục tăng cao tại nhiều địa phương đang gây khó khăn và áp lực rất lớn lên hệ thống y tế công lập.

TPHCM là một trong những địa phương có hệ thống y tế công lập phát triển hàng đầu của cả nước. Tại đây tập trung các bệnh viện từ tuyến trung ương đến hệ thống trạm y tế phường, xã, đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho hơn 10 triệu người dân sống trên địa bàn, đồng thời tiếp nhận, điều trị cho người bệnh đến từ các khu vực miền Đông Nam bộ, miền Tây, khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Theo thống kê của Sở Y tế TPHCM, năm 2021, ngành y tế thành phố có gần 43.000 nhân sự. Tuy nhiên, gần đây dưới tác động của đại dịch COVID-19, nhiều khó khăn phát sinh khiến số lượng nhân viên y tế nghỉ việc gia tăng.

Năm 2021, khi dịch COVID-19 bùng phát, TPHCM có 1.154 cán bộ, nhân viên y tế xin thôi việc, xin chuyển công tác hoặc bỏ việc vì không chịu nổi những áp lực. Tuy nhiên, sau khi thành phố đã kiểm soát được đại dịch, nhân viên y tế vẫn tiếp tục nghỉ việc ồ ạt với số lượng có thể còn cao hơn so với năm trước.

PGS.TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, tính từ đầu năm đến hết tháng 7/2022, toàn thành phố có 891 nhân viên y tế xin nghỉ việc. Hầu hết người xin nghỉ việc đều có trình độ chuyên môn, nhiều kinh nghiệm trong hoạt động khám chữa bệnh và công tác quản lý.

Khủng hoảng trong ngành Y: Cán bộ, viên chức nghỉ việc hàng loạt - Ảnh 1.

Đợt bùng phát dịch COVID-19 vừa qua, nhân viên y tế đã tận lực cống hiến nhưng đãi ngộ chưa tương xứng khiến nhiều người nản lòng

Để bù vào số người nghỉ việc, ngành y tế thành phố tuyển nhiều nhân sự mới. Tuy nhiên, hầu hết người mới là sinh viên mới ra trường, chưa có kinh nghiệm và cần đào tạo thêm về chuyên môn.

Tình hình tương tự cũng diễn ra ở các địa phương khác trên cả nước. Tại Bình Dương, thống kê cho thấy, toàn tỉnh có 3 bệnh viện công lập tuyến tỉnh, 9 trung tâm y tế tuyến huyện, 19 phòng khám đa khoa khu vực, 91 trạm y tế, 2 bệnh viện theo hệ thống y tế ngành. Ngành y tế tỉnh hiện có 8.880 nhân viên y tế.

BS Huỳnh Minh Chín, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, cho biết, Bình Dương đang thiếu hơn 800 nhân viên y tế. Tính từ năm 2021 đến hết tháng 7/2022, tỉnh có hơn 320 nhân viên y tế nghỉ việc với nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân lương thấp, áp lực công việc.

Để bù đắp số lượng nhân viên nghỉ việc, tỉnh thực hiện 2 hình thức, mời gọi trực tiếp và tiếp nhận cán bộ, công chức, viên chức ngoài tỉnh, tuyển dụng theo yêu cầu vị trí làm việc và theo chỉ tiêu biên chế, nhưng khó thu hút nhân sự .

Những chia sẻ đắng lòng

Chia sẻ với phóng viên về nguyên nhân xin nghỉ việc trong hệ thống y tế công lập, BS L.K.H, nguyên trưởng khoa Gây mê Hồi sức của một bệnh viện lớn trực thuộc Sở Y tế TPHCM, hiện giữ chức trưởng khoa tại một bệnh viện tư, nói rằng, áp lực công việc ở hệ thống bệnh viện công lập là rất lớn nhưng cơ sở vật chất không được đầu tư tương xứng. Có những máy móc đã sử dụng 25 năm trong phòng mổ, đến nay vẫn còn dùng.

“Thiết bị thì thiếu trước hụt sau. Điều đó giống như bắt chúng tôi ra chiến trường mà không có súng hoặc phát cho cây súng thì không cung cấp đạn”, BS K.H nói.

“Trang thiết bị không đảm bảo, nhiều bệnh nhân chết oan, nhân viên y tế phải che giấu nhưng lương tâm chúng tôi vô cùng cắn rứt, cảm thấy có lỗi. Đây chính là những góc khuất không ai dám nói. Người trong cuộc thì biết nhưng không có giải pháp xử lý vì không có kinh phí.

Tôi quyết định thôi việc tại bệnh viện công và chuyển sang bệnh viện tư một phần là do không đồng quan điểm với cách quản lý của ban giám đốc bệnh viện, phần khác là muốn tìm đến môi trường làm việc tốt hơn với hy vọng phát huy được năng lực của mình để phục vụ người bệnh”, BS K.H nói.

Khủng hoảng trong ngành Y: Cán bộ, viên chức nghỉ việc hàng loạt - Ảnh 2.

BS N.M.B vừa quyết định nghỉ việc tại một bệnh viện ở thành phố Thủ Đức (TPHCM) để chuyển sang hoạt động kinh doanh. Theo BS M.B, môi trường làm việc trong hệ thống y tế công lập có rất nhiều ràng buộc, gò bó, nhưng vấn đề đãi ngộ quá bèo bọt. Đợt dịch vừa qua, nhân viên y tế đã làm việc quá cực khổ và nguy hiểm nhưng được đối đãi không tương xứng.

Ngay cả khoản khen thưởng cho những người tham gia chống dịch, các bên liên quan cũng đùn qua, đẩy lại. Trong thời điểm dịch bùng phát, bệnh viện không có bệnh nhân (các bệnh khác) thì thu nhập của nhân viên y tế bị cắt giảm. Sau dịch, lượng bệnh chưa phục hồi, thu nhập của nhân viên y tế cũng chẳng khá hơn.

"Hiện nay, ngành y tế TPHCM đang đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn là dịch chồng dịch; thiếu thuốc vật tư y tế; biến động nguồn nhân lực y tế do nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó có một số cán bộ quản lý y tế xin nghỉ việc; sự lo lắng kéo dài trong một bộ phận nhân viên y tế".

PGS.TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM

“Trước dịch, bác sĩ ngoại khoa mỗi tháng có thể nhận được từ 25 đến 30 triệu đồng. Tuy nhiên, sau dịch, lượng bệnh giảm, nhiều khoản bị cắt giảm nên có bác sĩ thu nhập chưa được 10 triệu đồng mỗi tháng. Bác sĩ nội khoa bình thường thu nhập đã thấp thì nay còn thấp hơn. Mỗi bác sĩ mới ra trường, bậc lương được hưởng khoảng 6,5 triệu đồng, cộng với phúc lợi hàng tháng khoảng hơn 2 triệu và tiền ăn 600 nghìn đồng thì tổng thu nhập chỉ khoảng 10 triệu đồng. Khoản tiền trên làm sao sống được ở Sài Gòn trong cơn bão giá như hiện nay”, BS M.B nói.

Y sĩ Đ.H.K, nguyên Phó trưởng Trạm y tế xã An Điền (thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương), cho biết, đầu năm 2022 anh viết đơn xin nghỉ vì áp lực công việc. “An Điền là địa bàn rộng, dân số đông, công việc của nhân viên trạm y tế rất nhiều, như phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, tiêm chủng, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, quản lý thai phụ, kế hoạch hóa gia đình, quản lý người bệnh tâm thần…

“Khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, khối lượng công việc tăng cao, nhân viên y tế dốc sức làm việc gấp 2-3 lần ngày thường nhưng lương thì không tăng. Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 đã giảm nhưng nhân viên lại đối mặt với áp lực tuyên truyền, giám sát ca bệnh truyền nhiễm sốt xuất huyết, tay chân miệng…”, y sĩ Đ.H.K cho hay.

Vòng luẩn quẩn

Bệnh viện huyện Củ Chi, TPHCM thời gian qua có hơn 10 nhân viên y tế xin nghỉ việc, hầu hết là người có thâm niên trong công việc. BS Trần Chánh Xuân, Giám đốc Bệnh viện huyện Củ Chi, chia sẻ: “Anh em nghỉ việc, nguyên nhân hàng đầu là do thu nhập chưa tương xứng, tiếp đến là áp lực công việc, khó khăn trong đào tạo phát triển năng lực bản thân và cơ hội tiến thân”.

Theo BS Chánh Xuân, hiện nay, hầu hết bệnh viện trên địa bàn thành phố đã thực hiện cơ chế tự chủ nhưng không đủ lượng bệnh nên thu nhập của nhân viên y tế không cao, không thu hút được nhân lực.

“Chúng tôi đang trong vòng luẩn quẩn bởi nguồn thu hạn chế không thể nâng cao thu nhập cho anh em. Thu nhập thấp thì không thu hút được người về làm. Không đủ người làm thì nhân viên y tế phải gánh nhiều việc, tạo ra áp lực công việc. Áp lực công việc nhiều khiến nhân viên y tế muốn nghỉ việc hoặc chuyển công tác. Những người cố gắng gắn bó thì bị quá tải, không còn thời gian để được đào tạo và mất đi cơ hội tiến thân”.

Để giữ chân được nhân viên y tế đã khó, thu hút được nhân sự có nhiều kinh nghiệm về công tác tại khu vực vùng sâu, vùng xa của thành phố như Bệnh viện huyện Củ Chi càng nan giải hơn.

“Chúng tôi đang xây dựng cơ chế để thu hút bác sĩ trẻ mới ra trường về công tác, tạo điều kiện cho họ có thể được đào tạo cùng môi trường làm việc tốt nhất để họ an tâm công tác. Khi bác sĩ đã vững tay nghề, thu nhập ổn định và được biên chế thì sẽ tạo được niềm tin cho người bệnh.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là kế hoạch. Giải pháp trước mắt của bệnh viện là phải tập trung giữ chân lực lượng nhân viên y tế đang làm việc để ổn định nhân sự”, BS Chánh Xuân chia sẻ.

Theo Vân Sơn - Hương Chi

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên