Khuyên chân thành: 7 cách thiết kế nhà giúp sống chung với bố mẹ chồng vui vẻ, hòa thuận
Nhà tôi có 7 thiết kế thân thiện với bố mẹ già, không ảnh hưởng đến thẩm mỹ chung lại giúp cuộc sống trở nên vui vẻ, dễ dàng. Nếu trong nhà có người lớn tuổi, bạn hoàn toàn có thể tham khảo.
Có một điều khiến tôi lo lắng khi sống chung với bố mẹ chồng: Đó là ngôi nhà theo phong cách của vợ chồng trẻ sẽ xuất hiện nhiều điểm hạn chế đối với lối sống của người lớn tuổi. Từ đó có thể tạo ra khoảng cách thế hệ, thậm chí xích mích không mong muốn.
Vậy nên trong thời gian trở lại đây, tôi đã tích cực tham khảo được nhiều ý tưởng thiết kế hay ho và nhanh chóng áp dụng cho chính ngôi nhà của mình. Mục đích của những kiểu bài trí này đó là tạo ra sự tiện nghi, thân thiện với mọi thành viên và quan trọng là không làm mất đi vẻ thẩm mỹ vốn có của ngôi nhà!
1. Ưu tiên thiết kế rộng rãi
Nơi nào ở trong nhà tôi cũng có thiết kế rộng rãi và thoáng đãng, từ cửa ra vào, hành lang cho đến khu bếp ăn... Điều này tôi học được từ một người bạn, đó là dù ở bất cứ khu vực nào trong nhà thì chiều rộng tối thiểu cũng cần lớn hơn 86cm, và đường di chuyển nên lớn hơn 1,3 mét. Những con số này được cho là lý tưởng để tạo điều kiện di chuyển cho người lớn tuổi, nhất là với những người sử dụng xe lăn.
Thiết kế tay vịn trên tường thực sự là một ý tưởng tuyệt vời. Kiểu tay vịn này có thể điều chỉnh lắp đặt để tùy theo chiều cao của người già, nhưng thông thường sẽ cao khoảng 80cm.
Dù là phòng khách hay phòng ngủ thì tôi đều sắp xếp gọn gàng đồ đạc để tạo được nhiều không gian trống nhất có thể. Những vật dụng không cần thiết sẽ được tôi lược bỏ, chẳng hạn như thảm decor, bàn cafe, giá đựng đồ...
2. Hạn chế các thiết kế bậc cao
Ban công nhà bếp và phòng tắm nên được lát bằng gạch lát sàn, còn các không gian khác trong nhà thì nên ưu tiên lát sàn gỗ để vừa đẹp không gian vừa chống trơn trượt hiệu quả. Và bề mặt sàn nhà nên được thiết kế bằng phẳng, hạn chế các thiết kế bậc cao để tránh nguy cơ vấp ngã.
3. Chú ý nội thất trong nhà
Mỗi món đồ trong nhà đều nên có những thiết kế và chiều cao hợp lý để thuận cho người lớn tuổi sử dụng. Chẳng hạn như tủ giày nên cao từ 50cm trở lên và có thêm thiết kế tay vịn để dễ cầm nắm, hoặc có thiết kế rãnh đi kèm để thuận tiện cho việc giữ nạng/gậy chống. Đặc biệt là phần đáy tủ giày nên cao khoảng 30cm để hạn chế thao tác khom lưng, cúi người thay giày.
Các kiểu bàn ghế trong nhà tôi dù là bàn bếp, bàn ăn hay bàn phòng khách thì đều được bố trí một vòm nổi hình vòng cung để làm điểm tựa chắc chắn mỗi khi cần cúi xuống tìm 1 vật gì đó. Nếu nhà bạn có người lớn tuổi, tôi khuyên bạn nên ưu tiên sử dụng các kiểu bàn tròn hoặc có thiết kế bo góc để hạn chế tối đa những va chạm, thương tích do cạnh bàn sắc nhọn gây nên.
4. Đặt máy giặt ở gần khu vực phơi đồ
Tâm lý chung của người già đó là rất thích làm việc nhà hoặc những công việc lặt vặt. Bố mẹ tôi cũng không ngoại lệ, 2 ông bà rất thích tự giặt và phơi quần áo của mình, không thích con cháu làm hộ. Cho nên, vợ chồng tôi quyết định đem máy giặt ra khu vực ban công để ông bà thuận tiện hơn khi lấy đồ và phơi đồ. Ngoài ra, tôi cũng ưu tiên sử dụng máy giặt cửa trên vì máy giặt cửa trước sẽ phải cúi người, không thực sự thoải mái cho người lớn tuổi sử dụng.
Với những gia đình đang sử dụng máy giặt cửa trước, tôi có 1 lời khuyên đó là tăng chiều cao của máy giặt bằng cách đặt thiết bị lên 1 giá đỡ hoặc kệ cao. Nếu áp dụng, bạn cần nhớ sử dụng những giá đỡ chắc chắn để đảm bảo máy giặt không bị rung lắc.
5. Phòng tắm
Phòng tắm là khu vực đáng lưu tâm nhất khi gia đình có người già, người lớn tuổi. Ở nhà tôi, sàn phòng tắm được lát bằng loại gạch có khả năng chống trơn trượt tốt. Tôi cũng bỏ luôn thiết kế vách ngăn bằng kính vì sợ rằng thị lực người lớn tuổi không ổn định, có thể vì lơ là mà ngã vào mặt kính trong suốt, điều này vô cùng nguy hiểm.
Còn nếu muốn tạo không gian riêng tư ở phòng tắm thì bạn có thể lắp rèm và ưu tiên loại chống thấm nước, chúng rất tiện lợi mà còn đảm bảo tính thẩm mỹ cho không gian.
Ngoài ra, tôi cũng lược bỏ hoàn toàn những thiết kế kệ đựng đồ trong phòng tắm để tránh chật chội cho không gian, dễ khiến người lớn tuổi bị vấp ngã. Thay vào đó, tôi lựa chọn sử dụng tủ âm tường, vẫn thuận tiện cho việc lưu trữ đồ đạc mà còn có khả năng đáp ứng tốt tiêu chí nêu trên.
6. Ánh sáng trong nhà
Ở nhà tôi, khu vực nào cũng được lắp đèn sáng, kể cả là tủ quần áo. Có thể nói, cường độ ánh sáng luôn xuyên suốt trong nhà tôi, không có nơi nào xuất hiện vùng tối. Để thuận tiện và tiết kiệm điện năng, tôi ưu tiên dùng đèn cảm biến ở khu vực tủ bếp, hành lang, sân vườn...
7. Thiết bị thông minh
Nhiều người cho rằng các thiết bị thông minh chỉ dành cho người trẻ và không thực sự phù hợp với người già. Nhưng tôi thấy điều này không hoàn toàn đúng đắn, bởi đã là "thông minh" thì chắc chắn sẽ tiện lợi với nhiều đối tượng người dùng.
Vậy nên, vợ chồng tôi vẫn quyết định chi tiền cho một số món đồ thông minh và cảm thấy chúng rất tiện lợi để người già cũng như cả gia đình sử dụng. Một số món điển hình có thể kể đến như cảm biến đóng mở cửa sổ, báo khói không dây, rèm cửa tự động,...
Phụ nữ số