MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khuyến nghị cho kinh tế Việt Nam 2023

(Ảnh minh họa - Ảnh: VN Media)

(Ảnh minh họa - Ảnh: VN Media)

Các tổ chức quốc tế đã đưa ra khuyến nghị cụ thể giúp Việt Nam giải quyết những thách thức để chuẩn bị tốt hơn cho năm 2023.

Với tăng trưởng GDP dự kiến đạt 7,5 - 8%, kinh tế Việt Nam năm nay được đánh giá là phục hồi ngoạn mục, tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, những từ khóa như: "trái phiếu doanh nghiệp", "bất động sản", "giải ngân đầu tư công" hay "ổn định sức khỏe tài chính" là những thách thức Việt Nam cần giải quyết để chuẩn bị tốt hơn cho năm 2023.

Kết thúc một năm thành công khi được coi là điểm sáng trong tăng trưởng của khu vực, kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với những khó khăn sau:

- Môi trường quốc tế đang kém thuận lợi; các đối tác kinh tế lớn của Việt Nam có thể rơi vào suy thoái nhẹ, làm giảm lực cầu xuất khẩu;

- Giải ngân đầu tư công còn chậm;

- Nợ xấu tiềm ẩn có thể gia tăng trong thời gian tới;

- Rủi ro thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và thanh khoản hệ thống ngân hàng chưa giảm rõ rệt.

"Tình hình thế giới biến đổi khôn lường. Chỉ 1 năm trước, không ai nghĩ lãi suất ngân hàng sẽ cao như bây giờ, tỷ giá thay đổi, giá năng lượng tăng, nguyên liệu đầu vào tăng, giá đất cũng thay đổi. Trong khi đó, với đầu tư công thì một dự án thường diễn ra trong một thời gian dài, với một mức ngân sách không đổi. Với sự biến đổi diễn ra nhanh chóng, với những biến số khó lường như trên, việc giải ngân sẽ gặp khó. Vậy nên chăng chúng ta tạo những khoảng không gian chính sách linh hoạt, tập trung vào kết quả thay vì quy trình, để đạt được hiệu quả trong giải ngân đầu tư công", ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam, cho biết.

"Chính phủ Việt Nam đã làm rất tốt việc tạo ra các chính sách mang tính định hướng, dẫn đường. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện tại các địa phương sẽ có những vướng mắc mang tính thực tiễn, mà có thể khung khổ pháp lý chưa thể theo kịp. Vì vậy, nếu có một cơ chế linh hoạt, trao quyền nhiều hơn cho các địa phương, Chính phủ giám sát và kiểm tra, đảm bảo tính hiệu quả trong giải ngân đầu tư công, thì tôi tin là con số 30% - tức là rất thấp, sẽ được cải thiện trong thời gian tới", ông Ahmed Eiweida, Trưởng ban Phát triển bền vững tại Việt Nam, Ngân hàng Thế giới, đánh giá.

Trong khi đó, rủi ro lan truyền giữa ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm ngày một phức tạp, tinh vi hơn. Đây là một rủi ro hệ thống cần quan tâm, xử lý trong thời gian tới.

"Minh bạch thông tin chính là giải pháp cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần thông tin về tình hình tài chính, dự kiến hoạt động của mình cũng như là các khó khăn, để có thể hoãn hoặc đàm phán lại các điều khoản nợ. Với số lượng doanh nghiệp lớn chưa niêm yết thì việc này phải được thực hiện cấp thiết hơn ở Việt Nam. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu cần minh bạch thông tin, cũng giống như trái phiếu Chính phủ, cũng tham gia xếp hạng tín nhiệm quốc tế, cũng phải công bố thu chi, tất cả các hoạt động", Giáo sư Jonathan Pincus, Cố vấn kinh tế cao cấp của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), nhận định.

Đảm bảo sức khỏe cho thị trường tài chính, đẩy mạnh đầu tư công, khắc phục những khuyết điểm còn tồn tại của thị trường trái phiếu, hay bất động sản sẽ là mục tiêu quan trọng để giữ vững lòng tin của nhà đầu tư ngoại vào Việt Nam.

Theo PV

VTV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên